Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp mà bạn có thể thực hiện dễ dàng nhằm giúp đỡ những người cần phải truyền máu khi nguy kịch. Thực tế, đây không chỉ là một nghĩa cử đối với người nhận mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người hiến nữa đấy!
Cùng isuckhoe tìm hiểu chi tiết nhé!
Nội dung bài viết:
Hiến máu là gì?
Hiến máu được đánh giá là một việc làm cao cả cho cộng động, là hành động thiết thực và ý nghĩa mà một cá nhân có thể làm để giúp đỡ người khác.
Hiến máu hay nói chính xác hơn là hiến hồng cầu. Trong máu, 55% thể tích là huyết tương và 45% còn lại là các tế bào máu. Trong các tế bào máu, chiếm số lượng nhiều nhất là hồng cầu, tiếp đến là các bạch cầu và tiểu cầu.
Trong các tế bào máu, đời sống của hồng cầu là dài nhất, khoảng 90 ngày. Đây là thời điểm cần thiết để sản sinh ra một hồng cầu mới, thực hiện nhiệm vụ và bị tiêu biến trong lá lách, gan. Cụ thể hơn, những hồng cầu có chứa trong máu đều được sinh ra từ tủy xương và sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị thay thế.
Do đó, khi một lượng máu nhỏ trong cơ thể được cho đi thì sẽ không ảnh hưởng gì đối với bản thân người cho, tuy nhiên đối với người nhận máu thì đó lại là một điều có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Lợi ích của hiến máu
Theo thống kê, năm 2021 cả nước vận động và tiếp nhận được 1 304 191 đơn vị máu. Con số này thể hiện phong trào hiến máu ngày càng được hưởng ứng mạnh mẽ. Hiến máu không chỉ là thực hiện cuộc vận động của cơ quan, địa phương, trường học mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trước khi tìm hiểu hiến máu có hại không, bạn hãy xem những lợi ích mà hiến máu mang lại.
Kích thích khả năng tạo máu
Hiến máu là lấy máu từ tĩnh mạch của người hiến, dự trữ trong túi bảo quản chống đông và dùng cho mục đích truyền máu. Tùy vào trọng lượng cơ thể, một người có thể hiến từ 250ml đến 500ml máu. Khi một lượng máu mất đi, hệ thống tủy xương sẽ tự động phản ứng để sản xuất máu bù đắp. Quá trình này giúp điều chỉnh máu trong cơ thể và trẻ hóa chất lượng hồng cầu.
Giảm gánh nặng sắt tồn dư
Sắt trong các tế bào chiếm 70% tổng hàm lượng sắt của cơ thể. Hồng cầu sẽ già hóa và tự tiêu hủy nhưng thành phần sắt vẫn được tái sử dụng. Nói cách khác, sắt không bị hao hụt và có thể bị dư thừa nếu bổ sung quá nhiều thông qua ăn uống hàng ngày. Dư thừa sắt dễ dẫn tới bệnh về tim, phổi, gan, thận. Hiến máu là hiến cả chất sắt, gián tiếp đào thải sắt và giảm gánh nặng tồn dư sắt.
Giảm nguy cơ mắc bệnh nặng
Ít ai biết rằng, hiến máu có thể giúp bạn giảm được các nguy cơ mắc bệnh lý nghiêm trọng về tim mạch, ung thư gan. Quá trình tái tạo máu sẽ làm giảm nguy cơ lão hóa của tế bào máu, kiểm soát ổn định lượng sắt trong cơ thể. Như đã thông tin ở trên, sắt có thể bị tồn dư, tích tụ và làm tổn thương một số cơ quan. Cân bằng được hàm lượng sắt sẽ giảm thiểu bệnh do vấn đề này gây ra.
Giảm cân
Ngoài ra, có câu hỏi được đặt ra là hiến máu có tăng cân không? Câu trả lời là có thể, vì sau khi hiến máu, cơ thể huy động năng lượng, nguyên liệu để tái tạo lượng máu mới nên dễ khiến bạn ăn ngon miệng và ngủ ngon giấc hơn. Thế nhưng, bạn biết không, với mỗi 450ml máu trao tặng, bạn đã tiêu thụ đi 650 calo. Vì vậy, nếu kiểm soát tốt việc ăn uống sau hiến máu, bạn có thể giảm được cân mà vẫn bồi bổ tốt cho cơ thể.
Biết được nhóm máu và bệnh truyền nhiễm
Trước khi đưa vào sử dụng, mọi đơn vị máu đều được xét nghiệm để kiểm tra các bệnh lý lây nhiễm thông thường và xác định nhóm máu. Túi máu sẽ bị loại bỏ nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường. Người cho máu sẽ nhận được các thông báo về kết quả xét nghiệm này.
Nói cách khác, bạn sẽ biết mình có mắc bệnh truyền nhiễm gì không, biết mình thuộc nhóm máu nào khi đi cho máu. Có nhiều trường hợp phát hiện bệnh sớm nhờ vào việc đi hiến, cho máu.
Hiến máu có hại không?
Thể tích máu của mỗi người chiếm 1/10 khối lượng cơ thể. Người trưởng thành nặng 50kg có lượng máu khoảng 5000 ml. Trong 1 lần hiến máu, lượng máu cho đi không quá 9 ml/kg (khoảng 450 ml) và không quá 500 ml. Như vậy, máu cho đi không quá nhiều nên không lo ngại thiếu máu, mất máu đột ngột. Hiến máu không gây hại đến số lượng, chất lượng máu còn lại trong cơ thể.
Các chỉ số máu trong cơ thể sẽ thay đổi chút ít sau khi hiến máu. Tuy nhiên chúng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường. Các hoạt động thường ngày của cơ thể gần như không bị ảnh hưởng. Tế bào hồng cầu cũng nhanh chóng sản sinh mới trong vòng 24 – 48 giờ sau hiến máu. Trong vòng 4 – 8 tuần, những tế bào hồng cầu đã mất đi khi hiến máu sẽ được thay thế lại hoàn toàn.
Trong điều kiện hiến máu đạt tiêu chuẩn và sức khỏe tốt, việc hiến máu là an toàn. Nhưng tùy vào thể trạng, hiến máu vẫn có thể gây ra một số phản ứng tạm thời và tác dụng phụ hiếm gặp. Có thể kể đến các phản ứng:
- Chóng mặt, hoa mắt, cảm giác người lâng lâng, buồn nôn.
- Chảy máu ở vị trí gắn kim lấy máu, đau và bầm tím chỗ lấy máu.
- Tụt huyết áp, nôn mửa, khó thở ở người trẻ tuổi hoặc lần đầu hiến máu.
Những phản ứng sau hiến máu không quá lo ngại. Chúng sẽ biến mất trong vòng 24 giờ sau hiến máu. Nếu được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi nhiều thì cảm giác khó chịu đó sẽ sớm hết. Hiến máu không gây hại sức khỏe, không nguy hiểm nhưng cần lưu ý thể trạng sức khỏe để đảm bảo đủ tiêu chuẩn.
Lời khuyên khi đi hiến máu
Để đáp án cho câu hỏi “hiến máu có tốt không” hoàn hảo hơn, bạn nên biết cách phòng tránh các tác dụng phụ ngoài ý muốn và đảm bảo sức khỏe khi đi hiến máu, bạn cũng nên có sự chuẩn bị về tâm lý và thể chất.
Toàn bộ quá trình hiến máu có thể khiến bạn mất nhiều thời gian, khoảng 1 giờ 15 phút. Quá trình sẽ gồm thời gian thăm khám, hoàn thành giấy tờ, kiểm tra máu và 15 phút nghỉ ngơi sau khi hiến máu. Tuy nhiên, việc lấy máu chỉ mất khoảng 10 phút. Do đó, trước khi hiến máu, bạn cần sắp xếp lịch trình phù hợp và lưu ý những điều sau đây nhé:
1. Chỉ hiến máu khi tình trạng sức khỏe tốt: Bất cứ ai cũng có thể hiến máu trừ những người không nên hiến máu như người đang không khỏe, người bị nhiễm virus nào đó như HIV hay viêm gan B.
2. Phụ nữ có thể uống sắt trước khi hiến máu: Đặc biệt là phụ nữ lại rất dễ thiếu máu và thiếu sắt, vì thế nếu bạn biết mình bị thiếu máu thì không nên đi hiến máu cho đến khi khối lượng hồng cầu của bạn trở về bình thường. Nếu bạn thật sự muốn hiến máu thì bạn có thể uống một viên sắt trước khi đi hiến máu.
3. Chườm đá để giảm vết bầm do hiến máu: Một số phản ứng phụ thường hay gặp như vết bầm, bạn có thể chườm lạnh tại vùng bị bầm vài phút sau mỗi vài giờ trong 24 giờ đầu sau hiến máu.
4. Nghỉ ngơi sau khi hiến máu: Nếu bạn thấy choáng váng, đau đầu nhẹ hay buồn nôn sau khi đã nghỉ ngơi, bạn có thể nằm xuống và nâng chân lên cho đến khi thấy khỏe hơn. Bạn nên khám bác sĩ tại trung tâm hiến máu nếu tình trạng trên còn diễn ra sau vài giờ hiến máu.