Phải nói thế nào khi con khóc- có nên quát con nín ngay khi khóc?.Dường như phản xạ tự nhiên của không ít bố mẹ khi con khóc, đều là 2 từ “NÍN NGAY”. Nếu trẻ con có 1001 lí do khiến chúng khóc, thì chúng ta cũng có chừng ấy lí do để yêu cầu trẻ dừng khóc ngay lập tức: muốn dỗ con, muốn con bình tĩnh hơn để cùng giải quyết vấn đề, không muốn khó xử/mất mặt với những người xung quanh, không muốn bị căng thẳng và rối trí khi cứ phải nghe tiếng trẻ con khóc, và trong nhiều trường hợp là do chúng ta muốn mắng/phạt con…
Thế nhưng thử tự nghĩ mà xem, chúng ta là người lớn, nếu ai đã từng khóc (nhất là các mẹ, nhỉ ^^), và một khi khóc đã vào “cơn”, thì người khác bảo nín liệu chính chúng ta có nín nổi không? Huống chi trẻ nhỏ cảm cảm xúc, lẫn tâm lí và hành động còn đang nhiều lúc lộn xộn, và chưa phát triển hoàn thiện như người lớn! Vậy nên, điều tồi tệ nhất mà bất kỳ ai, cả người lớn lẫn trẻ con, phải nghe khi đang khóc chính là 2 từ đanh thép (và thật lạnh lùng): NÍN NGAY.
Chắc chắn chúng ta sẽ phải cùng con tìm ra nguyên nhân vì sao con khóc và giúp con xử lý những vấn đề ấy (thường trẻ con sẽ khóc khi: ốm, đau, khó chịu vì điều gì đó, đói, hoặc muốn gây sự chú ý – Mầm Nhỏ sẽ sớm có thêm bài chuyên sân về việc KHÓC ở trẻ nhỏ nhé!) nhưng ngay lập tức, bố mẹ có thể nói với con 10 câu sau, để giúp con bình tĩnh, cảm thấy được lắng nghe, được quan tâm, và giúp con nín khóc, bắt đầu chia sẻ, một cách HOÀN TOÀN TỰ NHIÊN, thay vì quát lớn (và lặp đi lặp lại): NÍN NGAY!
✅ Con khó chịu ở đâu à, kể cho mẹ nghe với nhé!
✅ Con đau lắm đúng không? Đau thế này thì đến mẹ cũng khóc huhu ấy chứ!
✅ Mình ôm nhau một cái thật chặt, thật lâu xem có ổn hơn tí tẹo nào không nhé!
✅ Có chuyện gì mà làm [tên con] buồn thế nhỉ? Lúc mẹ buồn thỉnh thoảng mẹ cũng hay khóc đấy, nhưng rồi mẹ tâm sự với ông bà ngoại hoặc với bố một hồi là mẹ hết buồn luôn. Mẹ con mình nói chuyện với nhau nhé!
✅ Con cứ khóc như thế có thấy mệt không? Con nhìn này, khi mình khóc, mặt mình sẽ nhăn nhó lại, đỏ hết cả lên, nước mắt chảy lung tung, đầu nóng bừng, mũi thì ngạt…
✅ Hay cứ khóc nốt chỗ dở, rồi mình bình tĩnh hơn và cùng nói chuyện nhé!
✅ Vừa nói vừa khóc, lại nấc nấc thế này, mẹ chẳng nghe được từ gì, mà không nghe không hiểu được thì cũng chẳng thể giúp gì được con luôn ấy. Giờ thử tạm thời ngừng khóc rồi kể cho mẹ nghe, lát xong khóc tiếp cũng được.
✅ Nếu con muốn khóc một lúc cho thoải mái thì cũng được, mẹ ngồi ngay cạnh đây, mẹ sẽ chờ con khóc xong rồi nghe con kể xem có chuyện gì, để xem mẹ có thể hỗ trợ gì không nhé.
✅ KHÓC chẳng bao giờ có thể giải quyết được vấn đề, mà chỉ làm cho mình xấu xí đi thôi ấy. Nếu muốn mẹ giúp gì, con có thể bình tĩnh hơn và kể cho mẹ nghe xem nhé.
✅ Nếu mẹ là con thì mẹ cũng buồn lắm ấy…
10 câu trên có cùng chung đặc điểm là sử dụng NGÔN NGỮ TÍCH CỰC và bày tỏ được SỰ ĐỒNG CẢM với con, và đây cũng là những nguyên tắc quan trọng để có thể giao tiếp với trẻ hiệu quả, ngoài ra còn có những yếu tố khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giao tiếp với con: ánh mắt, cử chỉ âu yếm, giọng nói, bối cảnh…
Đối với những người lần đầu làm cha mẹ, hoặc không có nhiều kinh nghiệm với trẻ nhỏ, việc giao tiếp với con sao cho hiệu quả cũng làm cho nhiều người lúng túng. Cách đơn giản và hiệu quả nhất là tìm đọc những cuốn sách về nuôi dạy trẻ hoặc đăng ký học những khóa học làm cha mẹ để có được những thông tin khoa học, thực tế và hữu ích nhất.