Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là gì? Có thể áp dụng cho bé Việt Nam được không?

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là gì? Có thể áp dụng cho bé Việt Nam được không? Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật được rất nhiều bà mẹ Việt quan tâm vì những điều khoa học mà phương pháp này mang lại trong việc chăm sóc trẻ. Việc hiểu rõ phương pháp sẽ giúp bạn dễ dàng áp dụng hơn. Nhật Bản luôn được thế giới biết đến và ngưỡng mộ không chỉ vì nền giáo dục tiên tiến mà còn ở cách nuôi dạy con trẻ thông thái. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hiện nay là một chủ đề được rất nhiều ông bố bà mẹ quan tâm, tìm hiểu.

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là gì?

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là sự phối hợp các loại thực phẩm khác nhau để tạo nên thực đơn ăn dặm đa dạng, ngon miệng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Nhờ đó, kích thích trẻ ăn ngon, tiêu hóa tốt và hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng.
 
Cách nấu ăn dặm kiểu Nhật là bạn không dùng đến cối xay khi chế biến thức ăn. Thay vào đó, bạn sẽ dùng cối giã và rây để làm mịn thức ăn giúp bé yêu dễ nuốt và cảm nhận được đầy đủ hương vị, tính chất của món ăn.
Ở những tuần đầu khi mới cho bé ăn dặm theo phương pháp này, bạn nên cho bé ăn cháo lỏng được làm mịn bằng rây. Việc này giúp bé quen với việc ăn bằng thìa, nuốt thức ăn và thức ăn khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức.
 
Sau thời gian cho bé ăn cháo lỏng, mịn, bạn cho bé ăn cháo đặc hơn có kèm rau củ nghiền mịn. Giai đoạn tiếp theo, bé sẽ ăn cơm nấu bằng gạo vỡ từ nhão đến đặc kèm với cá, thịt, rau củ…

Ưu điểm của thực đơn ăn dặm kiểu Nhật

Đảm bảo an toàn thực phẩm cho bé: Việc không cho thêm gia vị hay chất phụ gia nào giúp món ăn của trẻ luôn nguyên chất nên rất tốt cho bé 6 tháng.
Giúp trẻ phát triển vị giác: Việc tách biệt các món ăn trên mâm sẽ giúp trẻ phân biệt kỹ được mùi vị của từng món ăn với nhau. Hỗ trợ cho quá trình hình thành và phát triển vị giác của trẻ.
Bỏ qua giai đoạn ăn thô: Khi áp dụng thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 6 tháng, bố mẹ sẽ bỏ qua được giai đoạn ăn bột và chuyển hẳn sang ăn cháo loãng cùng rau củ và cơm.
Hình thành thói quen tự lập: Việc bé tự ngồi trên bàn ăn và chọn món mà mình thích sẽ giúp bé hình thành tư duy tự chủ trong hành động. Điều này giúp bé phát triển được thói quen tự lập trên bàn ăn mà không phụ thuộc vào bố mẹ mớm cho ăn.
Cải thiện tình trạng trẻ biếng ăn: Nhờ vào việc làm nhiều món nên trẻ có thể tùy ý chọn món mà mình muốn ăn, từ đó giúp hạn chế tình trạng bỏ bữa của trẻ.

Hạn chế của thực đơn ăn dặm kiểu Nhật

  • Chuẩn bị các món ăn khác nhau theo thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 6 tháng thường tốn nhiều thời gian.
  • Phải dự trữ thức ăn trong tủ lạnh: Mỗi món ăn trong thực đơn thường rất ít nên việc còn thừa lại thực phẩm và cất trữ là điều đương nhiên. Tuy nhiên, việc cất trữ thực phẩm qua ngày dễ làm mất đi độ tươi và mùi vị kém đi ít phần.
  • Việc cho trẻ tự chọn món ăn dễ khiến những trẻ kén ăn chọn đi chọn lại một món ăn. Từ dó, làm lượng dinh dưỡng trẻ hấp thụ không còn đa dạng và khó cung cấp đủ lượng dưỡng chất cần thiết.

Sự khác biệt của ăn dặm kiểu Nhật với ăn dặm truyền thống

Chế độ ăn

Ăn dặm kiểu Nhật: Trong giai đoạn đầu, mỗi ngày bé được cho ăn 5 bữa, gồm 4 bữa sữa và 1 bữa mặn, mỗi bữa cách nhau 4 tiếng. Sang giai đoạn sau, mỗi ngày bé ăn 2 – 3 bữa mặn cùng thời gian với người lớn và 2 bữa sữa phụ xen kẽ 3 bữa chính.
Ăn dặm truyền thống: Mỗi ngày bé ăn từ 7 đến 9 bữa bao gồm cả sữa và bột, cháo trong suốt giai đoạn từ 6 đến 24 tháng tuổi. Như vậy, nếu chia đều khoảng cách giữa các bữa thì mỗi bữa cách nhau chưa đến 2 tiếng. Khoảng thời gian ngắn này chưa đủ để bé tiêu hóa hết thức ăn, dễ dẫn đến tình trạng chán ăn.

Cách chế biến

Ăn dặm kiểu Nhật: Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật thường sử dụng nước hầm rau củ chứa rất nhiều vitamin cần thiết cho sự phát triển của bé. Bên cạnh đó, do lợi thế có nguồn cá hồi dồi dào, chứa nhiều DHA nên các mẹ Nhật thường sử dụng loại thực phẩm này để chế biến đồ ăn dặm cho con. Các món ăn trong cách ăn dặm kiểu Nhật luôn được chế biến riêng để bé có thể cảm nhận được mùi vị nguyên thủy của thực phẩm.
Từ tháng thứ 7, bé bắt đầu có phản xạ nhai nên thức ăn không cần nghiền quá nhuyễn. Sau đó, thức ăn của bé được cắt to và ít nghiền nhuyễn dần, cụ thể là vào tháng thứ 9 thức ăn sẽ được nấu nhừ và cắt dày khoảng 0,5 cm, dài khoảng 2 – 3 cm, tháng thứ 12 bắt đầu ăn cơm nát rồi chuyển dần đến cơm. Phương pháp này sẽ giúp bé phát triển kỹ năng nhai và nuốt thức ăn được hoàn thiện hơn. 

Phương pháp ăn dặm

Ăn dặm kiểu truyền thống: Với cách ăn dặm truyền thống, mẹ Việt lại hay sử dụng nước xương hầm vì nghĩ rằng có chứa nhiều canxi và đạm tuy nhiên hai dưỡng chất này rất khó hòa tan trong nước nên vẫn ở lại trong phần xương và thịt. Thay vì cá hồi, phương pháp ăn truyền thống yêu thích sử dụng kết hợp nhiều loại thực phẩm bản địa như thịt, tôm, cua, cá… hơn.
Chế biến theo kiểu truyền thống, các mẹ Việt sẽ nấu cháo bao gồm bột, rau, thịt… lẫn với nhau cho bé ăn suốt cả bữa, như vậy thường sẽ khiến bé cảm thấy ngấy, chán ăn. Hơn nữa, việc ăn bột và cháo xay nhuyễn cùng các loại thực phẩm khác cho đến 2 tuổi sẽ vô tình làm mất phản xạ nhai của bé từ khi 7 tháng tuổi.

Cách cho bé ăn

Ăn dặm kiểu Nhật: Dù bẩn và thường hay rơi thức ăn tung tóe nhưng bố mẹ Nhật sẽ bắt đầu cho con ngồi ăn chung với gia đình và tự sử dụng muỗng xúc thức ăn từ rất sớm, điều này khuyến khích tính tự lập ở trẻ. Nếu bé không hứng thú với một loại đồ ăn nào đó các mẹ cũng sẽ không ép bé phải ăn bằng được. 
Ăn dặm kiểu truyền thống: Trong giai đoạn ăn dặm, bố mẹ Việt không yên tâm để con tự xúc ăn nên vừa bón vừa dỗ trẻ bằng các món đồ chơi hay cho bé xem tivi… Điều này đã được nhiều nghiên cứu khẳng định là làm phân tán sự chú ý của bé khỏi việc ăn uống và rất có hại cho hoạt động của hệ tiêu hóa.
 
Bên cạnh đó, ăn dặm theo kiểu truyền thống, bố mẹ có thói quen ép con ăn thật nhiều một loại đồ ăn vì nghĩ rằng nó có lợi cho sự phát triển của bé.
 
Có thể thấy phương pháp ăn dặm kiểu Nhật có khác biệt rất lớn so với cách ăn dặm kiểu truyền thống của người Việt.

Giai đoạn 1: 5 đến 6 tháng

Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 6 tháng
Khi mới bắt đầu cho bé ăn dặm, bạn nên cho bé ăn cháo loãng, nghiền nhuyễn, rây mịn để bé tập quen dần. Cháo được nấu theo tỷ lệ 1 bột gạo/10 nước (10g gạo : 100ml nước) và không nêm nếm.
Đây là giai đoạn bé bắt đầu tập ăn dặm. Thức ăn của bé được nấu theo dạng bột và sánh để bé dễ nuốt. Trong giai đoạn này, các mẹ nên cho bé làm quen với các món như: Khoai luộc, rau luộc, cháo, cá trắng, thịt nạc, đậu hũ non, cà rốt, bí đỏ, chuối, táo… nghiền nhuyễn và để riêng từng loại để bé làm quen với từng vị riêng biệt. Nên tăng dần độ đặc từ rất loãng đến loãng và sánh dần lại để tập cho bé phản xạ nhai nuốt.

Giai đoạn 2: 7 – 8 tháng

Bé từ 7 – 8 tháng tuổi đã có thể nuốt thức ăn đặc, thô hơn so với trước. Bạn nấu cháo theo tỷ lệ 10g gạo: 70ml nước và vẫn chưa cần nêm gia vị vào cháo cho bé. Bước sang giai đoạn 2, bé sẽ bắt đầu tập dùng lưỡi để lấy thức ăn và tập nhai vì vậy, thức ăn nên ninh nhừ, nghiền sơ. Giai đoạn này, ngoài các món như giai đoạn trước, bố mẹ có thể bổ sung thêm trứng (lúc này đã có thể ăn), thịt lườn gà, cá thịt đỏ, dưa chuột, nấm… Nếu bé thích nghi được có thể chuyển sang băm nhuyễn thức ăn thay vì nghiền.
Ngoài sữa, bé 7 tháng ăn dặm kiểu Nhật cần ăn thêm 2 cữ ăn dặm mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể cho bé ăn tráng miệng với chuối, đu đủ, xoài nạo nhuyễn, sữa chua, phô mai hay uống nước cam pha loãng… Bạn nên cho bé tập xúc, bốc thức ăn. Ban đầu có thể mất nhiều thời gian dọn dẹp nhưng rất hữu ích về sau, giúp bé biết tự giác trong ăn uống.

Giai đoạn 3: 9 đến 11 tháng

Từ giai đoạn này trở đi, mẹ có thể tăng dần độ cứng của thức ăn để bé có thể nhai bằng lợi. Sau đó, đến cuối giai đoạn này có thể tăng dần lên thành cháo sệt nguyên hạt, cháo đặc nguyên hạt và có thể thêm tôm đồng, thịt heo, bò, gà, bún, miến, giá đỗ… cho bé.
Nhiều bé đã ăn được cháo hạt vỡ hoặc cơm nát. Do đó, với cách nấu ăn dặm kiểu nhật cho bé trong giai đoạn này, bạn có thể nấu cháo theo tỷ lệ: 10g gạo : 50ml nước và bạn có thể nêm nếm cho bé.
Ngoài ra, cách cho bé ăn dặm kiểu nhật trong giai đoạn này là thay vì nạo hay nghiền nhuyễn như giai đoạn trước, bạn có thể cắt thành thanh cho bé cầm tự cắn ăn. Ngoài ra, hãy cho bé ăn thêm sữa chua, phô mai và các loại bánh mềm ít ngọt.

Giai đoạn 4: 12 tháng trở lên

Giai đoạn này bé đã có nhiều răng hơn nên có thể nhai thức ăn được nấu mềm vừa phải, mực, cua, hầu như tất cả các loại rau và chuyển dần sang cơm nát.
Giai đoạn này nhiều bé đã cai sữa và bắt đầu có thể ăn các bữa như người lớn. Ngoài 3 bữa chính, bạn nên bổ sung cho bé 2 bữa phụ và duy trì việc cho trẻ ăn uống đầy đủ.
 
Thực phẩm cho bé ở giai đoạn này đa dạng, hãy quan sát bé để biết bé thích hay không thích những món gì. Mục đích của việc này là điều chỉnh khẩu vị và thói quen ăn uống của bé cho phù hợp, đầy đủ dưỡng chất cần thiết.

Nguyên Tắc Ăn Dặm Kiểu Nhật

 – Cho bé ăn nhạt. Ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc. Từ một nhóm thực phẩm đến bốn nhóm thực phẩm. Cân bằng lượng sữa và thức ăn sử dụng cho bé.
 
– Chú trọng sử dụng thực phẩm nguồn gốc tự nhiên như rau củ, hoa quả, cá, thịt… 
 
 – Không dùng đến cối xay khi chế biến thức ăn. Thay vào đó, mẹ  dùng cối giã và rây để làm mịn thức ăn cho bé.
 
 – Cho bé ăn riêng từng món trong giai đoạn đầu. Giai đoạn sau có thể trộn nhiều loại thức ăn để thay đổi đa dạng hơn.
 
– Cho bé ăn theo nhu cầu. Không ép ăn hay ép uống.
 
– Căn cứ vào sự phát triển cơ địa của từng bé mà cho bé ăn thô sớm hay muộn.

Sponsored Links:

'
'