Cách xử lý khi bị tai biến mạch máu não

Đây là bài viết 249 / 286 trong series Lời khuyên sức khỏe

Cách xử lý khi bị tai biến mạch máu não – Mục tiêu quan trọng nhất của sơ cứu đột quỵ là giảm tử vong và di chứng để lại cho người bệnh. Kết quả điều trị đột quỵ não (tai biến mạch máu não) phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề thời gian. Do vậy, mọi người cần ghi nhớ triệu chứng tai biến mạch máu não và cách xử lý khi gặp người bị tai biến mạch máu não để góp phần giảm thiểu tác hại do bệnh mang lại.

Cùng isuckhoe tìm hiểu ngay nhé!

Tai biến là bệnh gì?

Tai biến là cách gọi ngắn gọn của tai biến mạch máu não hay đột quỵ não. Đây là một căn bệnh nguy hiểm xảy ra khi não bị ngưng hoặc gián đoạn cung cấp máu, khiến các tế bào não chết đi, từ đó hoạt động của não cũng như nhiều cơ quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cách xử lý khi bị tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não có 2 loại chính là nhồi máu não (xảy ra do tắc mạch máu não) và xuất huyết não (do vỡ mạch máu não). Trong đó, nhồi máu não phổ biến hơn, chiếm tỷ lệ khoảng 80 – 85% các trường hợp đột quỵ não, còn lại là chảy máu não, chảy máu dưới màng nhện. Đặc biệt, tỷ lệ mắc hàng năm của bệnh nhồi máu não tương đối cao, cứ 100.000 người thì có 130 người mắc bệnh này.

Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não

Mạch não bị tắc có thể do mạch máu bị xơ vữa gây hẹp dần và tắc tại chỗ hoặc cục máu đông hay mảng xơ vữa di chuyển từ nơi khác lên động mạch não và gây tắc; mạch máu bị vỡ do tăng huyết áp đột ngột quá mức, vỡ phình động mạch não (mạch máu não bị dị dạng phình ra và gây vỡ). Các yếu tố nguy cơ dễ gây đột quỵ não là: Tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, cholesterol máu tăng cao, một số bệnh tim (bệnh van tim, rung nhĩ…), hút thuốc lá, nghiện rượu, rối loạn chức năng đông máu, béo phì, ít vận động…

Dấu hiệu bệnh tai biến

Tai biến mạch máu não tuy nguy hiểm tới tính mạng nhưng nếu bạn được phát hiện và cấp cứu kịp thời giảm được các di chứng của bệnh, giúp tỷ lệ hồi phục tăng lên.

Dưới đây là một số dấu hiệu tai biến bạn nên chú ý và quan tâm tới, đặc biệt là người cao tuổi và thường hay xảy ra đột ngột như:

  • Vùng mặt, tay, chân bị tê cứng, khó cử động hoặc bị liệt nửa người, khả năng vận động di chuyển hạn chế, khó khăn.

  • Thị lực bị rối loạn giảm sút khiến cho người bệnh nhìn thấy mờ, không rõ.

Dấu hiệu bệnh tai biến

  • Khả năng ngôn ngữ giảm sút, khó biểu đạt được ý các câu hoặc đôi khi không nói được, khả năng viết, đọc, nói, tính toán giảm.

  • Đột ngột đau đầu buồn nôn, chóng mặt, ù tai, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh,… là những dấu hiệu thường rất dễ gặp, cho dù cơ thể không có dấu hiệu bệnh lý.

  • Rối loạn ý thức dây thần kinh như ngủ mê, ngủ gật hay lú lẫn ở người già.

  • Tiểu tiện không tự chủ hoặc xảy ra co giật cơ thể.

  • Đặc biệt bạn nên chú ý đến những trường hợp người cao tuổi có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp rất dễ bị đột quỵ nên cần chú ý cẩn trọng.

Cách xử lý khi bị tai biến mạch máu não

Khi gặp người bị tai biến mạch máu não, cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất vì não là cơ quan quan trọng và rất nhạy cảm. Nếu bị thiếu máu, thiếu oxy, hoặc bị chảy máu thì não sẽ bị hoại tử chết đi rất nhanh chóng. Để càng lâu thì phần não bị chết càng lớn, không thể chữa trị phục hồi lại được. Chỗ não bị tổn thương sau đó còn bị phù nê, gây chèn ép, nguy hiểm đến tính mạng.
Các xử trí bằng cách:

Bước 1: Gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp

  • Nếu bạn đang có các triệu chứng đột quỵ, hãy nhờ người khác gọi giúp và giữ bình tĩnh nhất có thể trong khi chờ đợi sự trợ giúp khẩn cấp.
  • Nếu bạn đang chăm sóc người bị đột quỵ, hãy đảm bảo rằng người bệnh đang ở một vị trí an toàn, mặc quần áo thoáng mát, không gian thoải mái. Nếu là trẻ nhỏ, nên đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng một bên, đầu hơi nâng lên và đề phòng trường hợp trẻ bị nôn.

Sơ cứu bệnh nhân đột quỵ đúng cách

Bước 2: Sơ cứu đột quỵ trong lúc chờ cấp cứu

  • Kiểm tra xem người bệnh còn đang thở. Nếu không thấy nhịp thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo. 
  • Nếu người bệnh cảm thấy khó thở, hãy nới lỏng quần áo, phụ kiện bó sát như cà vạt, khăn cổ, thắt lưng… để người bệnh dễ thở hơn.
  • Nếu bệnh nhân ngừng tim, thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Dùng khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh. 
  • Tháo răng giả cho bệnh nhân (nếu có) tránh bị hóc, sặc. Tuyệt đối không đưa bất cứ gì vật gì vào miệng người bệnh.
  • Bình tĩnh khuyên nhủ và trấn an người bệnh.
  • Đắp chăn giữ ấm cơ thể người bệnh.
  • Nếu người bệnh có biểu hiện yếu ở tay chân, cần nhờ nhiều người hỗ trợ di chuyển người bệnh.
  • Quan sát để nhận ra bất kỳ sự thay đổi nào ở người bệnh. 

Bước 3: Cung cấp thông tin về tình trạng của người bệnh

  • Ghi nhớ nguyên nhân, biểu hiện, có hay không bị té ngã, đập đầu… của người bệnh để cung cấp cho nhân viên y tế.

Sponsored Links:

'
'