Lịch tiêm chủng mở rộng 2018 mới nhất.Các mẹ share và lưu về dùng dần nhé. Một số cập nhật lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia 2018. Tiêm chủng là cách an toàn để bảo vệ sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Vì vậy, cha mẹ cần bám sát lịch tiêm chủng, tránh trường hợp trẻ bị nhỡ lịch tiêm. Tại Việt Nam, với nỗ lực xóa bỏ các bệnh nguy hiểm nhất đối với trẻ em, cho đến thời điểm này chương trình tiêm chủng mở rộng (tiêm phòng miễn phí) của Bộ Y Tế triển khai tiêm vắc xin phòng 10 bệnh truyền nhiễm cho tất cả trẻ em Việt Nam.
Nội dung bài viết:
1. Lợi ích của tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh truyền nhiễm cho trẻ em:
• Phòng bệnh hiệu quả:
Đến 95% trẻ được tiêm chủng sẽ tạo miễn dịch bảo vệ cơ thể trước bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo – bệnh có khả năng để lại di chứng nặng nề thậm chí gây tử vong cho trẻ em.
• Tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện:
Tránh được các bệnh truyền nhiễm, trẻ em sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật đặc biệt ảnh hưởng đến thể chất và trí não.
• Chi phí tiêm thấp hơn điều trị:
Chi phí dành cho tiêm chủng thấp hơn rất nhiều lần so với chi phí điều trị khi trẻ bị mắc bệnh truyền nhiễm.
2. Cập nhật chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2018 (tiêm phòng miễn phí):
Theo Thông tư 38/2017/TT-BYT “Quy định danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc”, có hiệu lực từ 1/1/2018 do Bộ Y tế vừa ban hành, vắc xin thực hiện tiêm bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), áp dụng cho các trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, bao gồm 10 bệnh: Viêm gan vi rút B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp b; bệnh sởi, viêm não Nhật Bản B, Rubella.
Danh mục bệnh truyền nhiễm và vắc xin bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng 2018:
* Nếu chưa tiêm chủng đúng lịch thì tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó nhưng phải bảo đảm phù hợp với đối tượng và hướng dẫn của Chương trình tiêm chủng mở rộng.
* Việc tiêm chủng chiến dịch hoặc tiêm chủng bổ sung được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong từng trường hợp cụ thể.
3. Dưới đây là chi tiết lịch tiêm chủng mới nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ theo độ tuổi (bao gồm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ):
+ Sơ sinh
– Vắc xin lao mũi 1.
– Vắc xin viêm gan B mũi 1.
Từ 1 tháng tuổi
– Vắc xin viêm gan B mũi 2.
+ 6 tuần tuổi
– Vắc xin phòng bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn mũi 1.
Lưu ý: Với lịch 3 mũi, tiêm sớm nhất vào lúc 6 tuần tuổi và nhắc lại mũi 2 sau ít nhất 1 tháng, nhắc lại mũi 3 tiêm ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm cơ bản cuối cùng. Với lịch 4 mũi, tiêm sớm nhất vào lúc 6 tuần tuổi, nhắc lại mũi 2 sau ít nhất 1 tháng, nhắc lại mũi 3 sau mũi 2 ít nhất sau 1 tháng và nhắc lại mũi 4 sau mũi 3 ít nhất sau 6 tháng.
– Vắc xin viêm dạ dày ruột do Rotavirus liều 1.
Từ 2 tháng tuổi
– Vắc xin viêm gan B mũi 3 (Tiêm nhắc lại mũi 4 sau 1 năm, mũi thứ 5 sau 8 năm).
– Vắc xin Bạch cầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt mũi 1.
– Vắc xin viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea mũi 1.
+ Từ 3 tháng tuổi
– Vắc xin Bạch cầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt mũi 2.
– Vắc xin viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea mũi 2.
– Vắc xin viêm dạ dày ruột do Rotavirus liều 2.
+ Từ 4 tháng tuổi
– Vắc xin Bạch cầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt mũi 3 (Sau một năm nhắc lại mũi 4).
– Vắc xin viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea mũi 3 (Sau một năm nhắc lại mũi 4).
– Vắc xin viêm dạ dày ruột do Rotavirus liều 3.
Khuyến cáo, vắc xin viêm dạ dày ruột do Rotavirus càng sớm càng tốt, nên hoàn thành trước 7,5 tháng và nên uống vắc xin Rotavirus của Việt Nam là tốt nhất.
+ Từ 6 tháng tuổi
– Vắc xin cúm mũi 1.
Lưu ý: Mũi 2 tiêm sau mũi 1 một tháng, sau đó tiêm vào đầu vụ cúm hàng năm là cuối tháng 9 và đầu tháng 10.
+ Từ 9 tháng tuổi trở lên
– Vắc xin Sởi – Quai bị – Rubella mũi 1.
Lưu ý: Nếu mũi 1 tiêm lúc 9-11 tháng thì tiêm mũi 2 sau 6 tháng và tiêm mũi 3 sau 3-5 năm.Nếu mũi 1 tiêm lúc trên 1 tuổi thì mũi 2 sau 4 năm.Có thể tiêm vắc xin sởi đơn, quai bị đơn, Rubella đơn hoặc vắc xin Sởi – Quai bị – Rubella hay Sởi – Rubella.
+ Từ 12 tháng tuổi trở lên
– Vắc xin thủy đậu mũi 1.
Lưu ý: Trẻ từ 12 tháng đến dưới 12 tuổi nên tiêm nhắc lại sau 4 năm.Trẻ từ 12 tuổi trở lên tiêm mũi 2 mũi cách nhau 6-8 tuần.
– Vắc xin viêm gan A mũi 1 (Mũi 2 tiêm nhắc lại sau 6-12 tháng).
– Vắc xin Sởi – Quai bị – Rubella nhắc lại.
– Vắc xin viêm não Nhật Bản B mũi 1.
– Vắc xin viêm não Nhật Bản B mũi 2 (Mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1-2 tuần).
– Vắc xin viêm não Nhật Bản B mũi 3 (Mũi 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần đến 15 tuổi).
+ Từ 24 tháng tuổi
– Vắc xin viêm phế quản, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết và viêm tai giữa mũi 1 (Tiêm nhắc lại một liều sau mũi tiêm thứ nhất 5 năm).
– Vắc xin viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết do vi khuẩn não mô cầu mũi 1 (Ba năm tiêm nhắc lại 1 lần theo chỉ định dịch tễ).
– Vắc xin thương hàn mũi 1 (Ba năm tiêm nhắc lại một lần).
– Vắc xin phòng bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn.
+ Từ 9 tuổi (Nữ)
– Vắc xin ung thư cổ tử cung và bệnh sùi mào gà hậu môn, sinh dục do virus HPV mũi 1.
– Vắc xin ung thư cổ tử cung và bệnh sùi mào gà hậu môn, sinh dục do virus HPV mũi 2 (Tiêm sau mũi 1 từ 1-2 tháng).
– Vắc xin ung thư cổ tử cung và bệnh sùi mào gà hậu môn, sinh dục do virus HPV mũi 3 (Tiêm sau mũi 2 từ 4-5 tháng).
Nguồn:
Khoa Nhi – Bệnh viện TWQĐ 108