Nội dung bài viết:
[Dạy con 5 tuổi về quản lý tài chính]
Dạy con về quản lý tài chính từ khi còn rất nhỏ là một điều khá phổ biến ở các nước châu Âu, châu Mỹ. Đây là một kỹ năng sống quan trọng, giúp những đứa trẻ lớn lên tự tin, khôn ngoan hiểu biết về lĩnh vực tài chính, và góp phần giúp chúng giành được sự vững vàng trong khía cạnh này.
Trong bài viết này mình xin chia sẻ những điều mình đã dạy Anna nhà mình từ năm 2 tuổi cho tới bây giờ. Những điều này được đúc kết từ kinh nghiệm của bản thân trong quá trình học hỏi về quản lý tài chính kết hợp với các nguồn tài liệu khác nhau về việc dạy con nhỏ.
—
1. Dạy con tiền dùng để làm gì (từ 2 tuổi trở lên)
Từ khi Anna bé xíu còn ngồi trong địu, đi đâu mình cũng đều đưa con đi cùng, đi chợ, đi siêu thị, đi mua sắm quần áo. Lúc đầu đơn thuần là chỉ chỏ thứ đồ này đồ kia để dạy con về tên gọi của mọi thứ, cho con cơ hội được quan sát và làm quen với các hoạt động của cuộc sống hàng ngày.
Tới khi con chừng hơn 2 tuổi, đi đứng vững vàng, hiểu chuyện hơn một chút, mình bắt đầu nhờ con nhặt những món đồ đơn giản như là rau củ cà rốt vào giỏ hàng, chỉ cho con bảng giá, giải thích cho con là mình chỉ có thể mang những thứ này về sau khi đã trả tiền. Rồi khi ra tới quầy trả tiền, mình tiếp tục giải thích về quầy trả tiền, về công việc của cô thu ngân, và để con dùng thẻ quẹt trả tiền. Có thể lúc đầu con sẽ không hiểu gì, nhưng khi lập đi lập lại nhiều lần, con sẽ dần hiểu rằng mua đồ cần phải trả tiền.
Tới khi con hơn 3 tuổi, mình bắt đầu đưa con tới cửa hàng tạp hóa nhỏ ở gần nhà. Ở cửa hàng này có nhiều món đồ chơi nho nhỏ xinh xinh như là những viên bi, những viên kẹo, những lá bài có hình con vật ngộ nghĩnh. Trước khi vào cửa hàng mình sẽ đưa cho con 1 đồng (chừng 30k) và giải thích: “Bây giờ mình sẽ vào cửa hàng này. Với 1 đồng trong tay này, con có thể chọn mua một món đồ mà con thích. Khi con chọn một thứ rồi, con sẽ phải đưa cho ông chủ cửa hàng 1 đồng này thì con mới có thể mang nó về. Nếu con không trả tiền, thì con sẽ không thể mang thứ đó về được.”
Ở tuổi lên 3, con vẫn còn chưa hiểu rõ 1 đồng nghĩa là gì và có thể mua được những thứ gì nên mình hướng dẫn con chọn món đồ phù hợp, nhưng sau đó bảo con tự tay mang đồ và tiền tới quầy trả tiền đưa cho ông chủ cửa hàng và cũng tự tay nhận lại tiền thừa và nói cảm ơn. Đây là cách giúp con học được rằng những đồng xu này là tiền và tiền là dùng để mua đồ; và cũng là cách giúp con học ứng xử giao tiếp và tự tin hơn trong các hoạt động giao tiếp xã hội.
—
2. Dạy con tránh thói quen mua đồ bột phát tùy hứng (từ 2 tuổi trở lên)
Cô bé nhà mình thì cũng rất giống như nhiều những cô bé cậu bé khác. Khi vào cửa hàng đồ chơi nhìn thấy những thứ bắt mắt thường sẽ liền đòi mẹ mua. Trong những tình huống đòi bột phát như vậy, mình rất ít khi chiều theo ý con, cho dù đó có là món đồ mình thấy hợp lý. Đó là vì mình muốn con học cách tránh thói quen mua sắm bột phát tùy ý. Trong tình huống đó, mình thường bảo con: “À, mẹ biết rồi nhưng món này không có trong kế hoạch mua sắm ngày hôm nay. Vậy hôm nay mình ngắm cho kỹ nhé, lần sau mình quay lại sẽ mua nhé.”
Nếu con đã mua một món đồ gì đó mới không lâu, mình sẽ nói thêm: “Tuần này con đã mua món A rồi, để lần sau mình mua món B nhé.” Gia đình mình thường hạn chế mua cho con liên tục nhiều đồ chơi trong một thời gian ngắn.
—
3. Dạy con thỏa mãn và không đòi cái người khác có (từ 2 hoặc 3 tuổi trở lên)
Mình chưa gặp nhiều tình huống cô bé nhà mình đòi mẹ khi nhìn thấy đồ của người khác. Tuy nhiên, khi những tình huống như vậy xảy ra, mình tuyệt đối sẽ không chiều mua cho con món đồ tương tự. Thay vào đó mình chỉ cho con những món đồ chơi con đang có để cho con thấy là bản thân mình có rất nhiều thứ và không cần tới món đồ giống như của bạn.
Khi con hơn ba tuổi, gần bốn tuổi, đã có thể nghe và hiểu nhiều hơn, mỗi lần có điều gì đó như thế xảy ra trong ngày, mình đều dành thời gian nói chuyện nhiều hơn với con. Thông thường là vào tầm buổi tối, sau khi tắm rửa sạch sẽ, đọc truyện cuối ngày, tắt đèn nằm cạnh nhau. Vì đó là khi con mở lòng nói chuyện nhiều nhất, rất phù hợp với thủ thỉ tâm sự.
Mình nói với con rằng, con người trên thế giới này khác nhau, sở thích, mong muốn khác nhau, cái cần cũng khác nhau, vì thế không nhất thiết là bạn có cái này thì con cũng cần phải có cái đó. Con nên nghĩ xem liệu mình có thực sự cần không trong khi mình cũng có rất nhiều các thứ đồ khác mà mình yêu thích. Không phải lúc nào con cũng hiểu hết, nhưng mình biết trẻ con như một cái cây non mới nhú, cứ kiên trì tưới những dòng nước tươi mát, con sẽ dần lớn lên với một tâm hồn khỏe mạnh.
—
4. Dạy con nhận biết tiền mặt và giá trị của tiền (từ 3 hoặc 4 tuổi trở lên)
Từ khi con ba tuổi trở lên, mình bắt đầu dạy con nhận biết các đồng tiền với các giá trị khác nhau, đơn giản là đưa cho con những đồng xu, rồi dạy con đồng tròn dày màu vàng là 1 đồng, đồng bạc mỏng nhỏ là 10 xu, rồi cho con luyện tập phân loại thành các đống. Đối với tiền giấy, mình còn chỉ thêm cho con biết về hình ảnh in trên tiền.
Sau khi con thuần thục nhận biết, mình dạy thêm về giá trị hoán đổi, ví dụ 1 đồng vàng này sẽ đổi lấy được 10 đồng xu bạc kia, rồi chơi trò hoán đổi với con. Điều này cũng giúp ích rất nhiều cho việc học Toán.
Đây cũng là lúc khi ra cửa hàng tạp hóa, mình bắt đầu để con tự nhìn giá tiền, tự quyết định xem món nào vừa với số tiền mình có. Nếu con không chắc cần giúp đỡ, mình sẽ không đưa ra câu trả lời mà luôn hỏi lại để con tự tìm câu trả lời, ví dụ:
“Con nhìn xem giá ghi trên biển kia là bao nhiêu?”
“Con có bao nhiêu?”
“Con thấy số nào lớn hơn?”
“Vậy con có đủ tiền mua món đó không?”…
Nhìn chung, hỏi lại để con tìm câu trả lời mà một cách dạy tốt cho mọi tình huống chứ không chỉ trong khía cạnh tài chính này.
Một hoạt động khác có thể chơi với con ở nhà là chơi trò giả vờ mua bán đồ với những đồng tiền xu thật:
“Bác muốn mua gì?”
“Tôi muốn mua cái này.”
“Cái này bao nhiêu tiền?”
“Cái này 2 đồng.”
“Đây, 2 đồng của bác đây.”
“À vâng, cảm ơn bác. Đồ của bác và tiền thừa của bác đây.”
—
5. Dạy con mọi thứ đều có cái giá của nó và không phải lúc nào cũng có được mọi thứ (hay tiếng Anh còn gọi là khái niệm “opportunity cost”) (từ 3 hoặc 4 tuổi trở lên)
Điều này thực ra cũng thường được dạy trong tình huống cửa hàng tạp hóa mình nhắc tới ở trên. Khi con chọn mua đồ, con sẽ có hai ba món con thích, mình sẽ giúp con nhận ra rằng, nếu con mua món A, con sẽ không còn đủ tiền để mua món B.
“Nếu con mua món A rồi, con còn bao nhiều tiền?”
“Món B bao nhiêu tiền?”
“Vậy sau khi mua món A, con còn có đủ tiền để mua món B không?”
“Vậy con không thể mua cả hai thứ, con chọn đi, con muốn cái nào hơn?”
Cách hỏi và để con trả lời mất thời gian hơn, nhưng cũng là cách dạy con cách tư duy suy nghĩ.
—
6. Dạy con hiểu rằng tiền phải bỏ công sức mới có được (từ 4 tuổi trở lên)
Một điều rất quan trọng cần phải dạy con đó là tiền không từ trên trời mà rơi xuống, đều phải bỏ ra nhiều công sức mới kiếm được. Nhiều bậc phụ huynh ở Anh và Mỹ trả tiền con khi con làm việc nhà để dạy con “phải làm mới có ăn”. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều về phương pháp này, và bản thân mình không áp dụng vì mình muốn con hiểu rằng nhà là của chung, con ở trong nhà con cũng giống như bố mẹ, vì vậy con cũng cần đóng góp sức lực vào các việc nhà, đó là trách nghiệm chứ không phải là được trả tiền mới làm. Tất nhiên mỗi lần con làm việc nhà mình đều khen và nói cảm ơn chứ không cho đó là điều hiển nhiên.
Khi con lớn hơn một chút, mình sẽ khuyến khích con nhận các việc làm thêm. Tuy nhiên ở tuổi này, mình chủ yếu dùng biện pháp tâm sự nói chuyện và chỉ ra các tình huống để con hình dung, ví dụ:
“Con biết làm sao mình có đồ ăn và quần áo mặc hay không?”
“Con nghĩ ba mẹ kiếm tiền như thế nào?”
“Con nghĩ các cô bác ngoài chợ kiếm tiền bằng cách nào?”
“Con nghĩ các nhân viên bán hàng làm thế nào để có đồ ăn quần áo mặc?”
—
7. Dạy con cách tiết kiệm chi tiêu và cho đi (từ 5 tuổi trở lên)
Từ cách đây hơn một tháng, khi con chừng 5 tuổi rưỡi, mình bắt đầu cho con 2 đồng (khoảng 60k) mỗi tuần. Mình sử dụng một quy luật rất đơn giản để dạy con về việc tiết kiệm chi tiêu và cho đi, đó là con muốn tiêu 10 đồng thì phải cho đi 1 đồng. Vừa đúng dịp con muốn mua một chú chuột hamster về nuôi, giá đúng 10 đồng. Vậy là con liền chọn tiết kiệm tiền để mua chuột hamster và góp 1 đồng vào quỹ từ thiện Children in Need ở trường.
Tuy nhiên sắp tới, mình muốn dạy con thêm khái niệm “đầu tư” nên đang suy nghĩ áp dụng mô hình “4 chiếc lọ” do bà Neale Godfrey, một tác giả người Mỹ từng xuất bản sách hướng dẫn các bậc cha mẹ dạy con về quản lý tài chính, đồng thời cũng là người sáng lập và Giám đốc điều hành Ngân hàng dành cho trẻ em đầu tiên trên thế giới (The First Children’s Bank, Mỹ).
Theo mô hình này, con sẽ phân chia tiền cho 4 chiếc lọ sau:
-Lọ để dành (save): khoản tiết kiệm cho một mục đích cụ thể có tính chất dài hạn (30%)
-Lọ đầu tư (invest): khoản cha mẹ dạy con cách đầu tư vào một cái gì đó (30%)
-Lọ cho đi (donate): khoản tiền cho đi từ thiện và giúp người khó khăn (10%)
-Lọ tiêu (spend): khoản tiền con có thể tiêu tùy ý đáp ứng nhu cầu thường ngày (30%)
—
8. Dạy con cách phân biệt khái niệm “muốn” và “cần” và biết rõ nhu cầu của bản thân (từ 5 tuổi trở lên)
Dạy con khái niệm “muốn” và “cần” sẽ giúp con học cách xác định rõ nhu cầu của bản thân và không trở thành một người chi tiêu theo cảm xúc. “Cần” ở đây là những thứ buộc phải có để tồn tại, còn “muốn” là những thứ không thiết yếu, có thì tốt không có thì cũng không sao.
Một cách đơn giản dạy con mà gia đình mình làm đó là chơi trò xác định “muốn” và “cần” trong bữa ăn gia đình. Một người gọi tên một thứ ngẫu nhiên và những người còn lại phải đưa ra ý kiến đây là có phải thứ thiết yếu cần phải có hay không. Ví dụ: “Đồ ăn có phải thứ thiết yêu cần có hay không?”, “Ô tô có phải thứ thiết yếu cần có hay không?”, “Đồ chơi có phải thứ thiết yếu cần có hay không?”…
Mình nhận thấy con học rất nhanh và có thể mau mắn chỉ ra rằng có rất nhiều điều là không thiết yếu cần cho sự tồn tại. Và những câu hỏi này cũng tạo ra những cuộc thảo luận khá thú vị, như là ô tô trong nhiều trường hợp không cần thiết, nhưng đối với một người tàn tật có thể đó là một thứ thiết yếu vì họ không thể đi bộ hay dùng phương tiện công cộng một cách dễ dàng, hay đối với một người sống ở nơi không có phương tiện công cộng.
Một điều nữa để giúp con học cách xác định nhu cầu của bản thân là khi còn muốn mua thứ gì, nên hỏi con: “Đây là thứ con muốn hay con cần?”
—
9. Dạy con sự liên quan giữa tiền mặt và tài khoản ngân hàng (từ 5 tuổi trở lên)
Thế giới ngày nay tiền mặt đang dần bị thay thế bởi thẻ thanh toán điện tử từ tài khoản ngân hàng. Ở Anh Quốc, phần lớn mọi người không còn dùng tiền mặt nữa, vì thế việc dạy con về sự liên quan giữa tiền mặt và tài khoản ngân hàng là rất cần thiết.
Cách dạy con bao gồm:
– giải thích cho con khái niệm “ngân hàng” (đó là nơi bố mẹ gửi tiền),
– chỉ cho con biết ngân hàng nằm ở đâu,
– cho con sử dụng thẻ ngân hàng của bố mẹ để thanh toán trong một lần đi siêu thị,
– để cho con quan sát khi mình rút tiền từ tài khoản ngân hàng,
– cho con xem danh sách các giao dịch ra vào và các con số thay đổi trong bản sao kê tài khoản ngân hàng,
– và hỏi trực tiếp để xác định xem con có hiểu không, như là “Con biết khi mình cần tiền mặt, mình lấy tiền từ đâu ra không?”…
—
10. Dạy con khôn ngoan với tài chính bằng cách lấy mình làm gương (bất kỳ độ tuổi nào )
Điều cuối cùng và cũng là một điều vô cùng quan trọng, đó là dạy con bằng cách lấy mình làm gương. Một nghiên cứu của đại học Cambridge (Anh Quốc) (“Habi Formation and Learning in Young Children” của Tiến Sỹ David Whitebread và Sue Bingham) đã chỉ ra rằng thói quen hành động lời nói của cha mẹ có ảnh hưởng lớn nhất tới thói quen tài chính của trẻ nhỏ.
Vì thế nếu muốn con mình có những thói quen tốt, cha mẹ phải lấy mình làm gương. Nếu không muốn con mua đồ bột phát theo cảm tính, thì bản thân cũng phải biết kiềm chế và có kế hoạch. Nếu không muốn con đua đòi theo người khác, thì bản thân cũng phải học cách biết hài lòng. Nếu muốn con biết đầu tư và tiết kiệm thì bản thân cũng phải biết đầu tư, tiết kiệm và sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan.
—
Mình hi vọng bài viết trên hữu ích cho các bậc phụ huynh có con nhỏ và đang lăn tăn không biết bắt đầu từ đâu. Mình sẽ suy nghĩ để chia sẻ thêm về chủ đề quản lý tài chính nhìn chung vì mình biết có khá nhiều bạn quan tâm tới chủ đề này. Nếu có khía cạnh cụ thể nào trong quản lý tài chính mà bạn muốn mình chia sẻ thêm, hãy cho mình biết nhé!
Nguồn : fb Chuyện của Ngân