Những đứa trẻ phải học được gì?

Một đề thi tiếng Anh tốt nghiệp gây tranh cãi vì những cụm từ loẻng xoẻng về vấn đề môi trường thật sự nghiêm trọng ở cấp độ toàn cầu. Nhưng đằng sau những đề bài đó, đứa trẻ thực sự phải đương đầu với cuộc sống ra sao?

Những đứa trẻ phải học được gì
Những đứa trẻ phải học được gì

Chỉ vài ngày trước đó, một em học sinh lớp 10, học giỏi, có mong ước mùa hè đi làm thêm giúp mẹ, đã biến mất, ở TPHCM.
Khoảng một năm trước, tôi có một workshop nhỏ, chỉ dẫn cho các em học sinh cấp II, III cách đọc một tuyển dụng lừa đảo. Workshop được lập ra vì các chị nói dạo này ở quê thanh niên, thiếu niên bị lừa đảo bắt cóc qua Campuchia nhiều quá.

Tôi dành thời gian lên mạng, đi hết các group tuyển dụng Campuchia, Thái Lan, Malaysia, các group xuất khẩu lao động tìm ra những tuyển dụng lừa đảo, đem về, bảo các em đọc giúp chị, xem cái nào em thấy đáng ngờ.

Chỉ có hai em trong lớp học vài chục em nhận ra các dấu hiệu của tuyển dụng lừa đảo: như tiêu chí tuyển dụng quá rộng và phi lí, gán ghép các tiêu chí không cùng ngành nghề vô một JD, số lương cao bất thường so với cùng một vị trí (một em chỉ ra mức lương mà quảng cáo đó đưa ra cao gấp 11 lần so với một tuyển dụng bình thường em thấy trong JD đó), không có tên công ty, không có email của HR hay cty tuyển dụng mà chỉ bảo liên hệ nhóm Telegram hay Whatsapp.

Chỉ có vậy thôi, nhưng chỉ có 2 em nhận ra, một em là vì em này đã gần 18 tuổi và có đi làm nhiều việc từ trước ở quê để kiếm tiền phụ mẹ. Em nhận ra sự phi lý của thu nhập cao gấp 11 lần bình thường. Tất cả những em học trò còn lại không nhận ra bất cứ dấu hiệu nào của tuyển dụng lừa đảo.
Trong bài viết về em nam sinh học lớp 10 ở Quận Tân Phú xin đi làm thêm này, ngay từ khúc em lên taxi do người lạ đặt, đi đến Trảng Bàng, nếu em chịu đọc báo, chịu xem trên mạng bao nhiêu người đã bị bắt cóc qua Campuchia và Myanmar (và bao nhiêu trăm trong số họ cuối cùng trở thành kẻ lừa đảo thiệt), thì em đã không tự nguyện leo lên chiếc taxi đó để “đi tìm việc làm thêm”.

Nhìn vào quá khứ không có tác dụng cứu em khỏi những gì em đã dây vào, người nhà chỉ có thể chờ cơ quan chức năng tìm được cách cứu em.
Nhưng nhìn vào tương lai, có vài điều tôi nhận ra và cảm thấy đau xót khi những đứa trẻ này trở thành nạn nhân của những tội ác kinh khủng ngoài kia, đó là:

Những vụ việc này có thể tránh được, nếu BẠN NHỎ ĐƯỢC TRANG BỊ KỸ NĂNG ĐỌC HIỂU VÀ SUY NGHĨ KỸ CÀNG VỀ ĐỐNG CHỮ HỌ ĐỌC.
Một người có suy nghĩ sẽ đặt câu hỏi, tại sao một tuyển dụng lại cần nhiều kỹ năng như vậy cho một việc (một ví dụ tôi cho các em xem, khi yêu cầu liệt kê số kỹ năng thì gồm có biết bán hàng, biết chạy số, chạy chỉ tiêu, đặt ad đơn giản, book doanh số cho lazada, Agoda) và các kỹ năng HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ THẬT. Ví dụ: “book doanh số cho Lazada là gì? Lazada bán hàng qua mạng, có người mua thì người bán có doanh số, bộ cần có bạn ngồi giữa bấm nút xong ăn lời 50k mỗi lần sao? Rồi ai trả tiền đó cho người không làm gì vẫn có tiền?)

Những câu hỏi tuần tuý, theo lẽ thường, là người có chút suy nghĩ logic thì sẽ nhận ra ngay là lừa đảo, như câu hỏi: Job đó không sản xuất ra sản phẩm, không bỏ sức lao động, không làm ra dịch vụ, làm sao có tiền?

Hoặc những kỹ thuật đối chiếu trên mạng như, sau khi xem một mô tả công việc, bạn có thể đem cùng vị trí đi tìm kiếm và đối chiếu với các tuyển dụng khác từ các trang tuyển dụng lớn, có rà soát người tuyển, lập tức bạn sẽ nhận ra ngay những điểm kỳ quái không ổn trong quảng cáo giả hiệu: Lương cao gấp 11 lần cho cùng công việc, ở một thị trường không có ưu thế tiền tệ như Campuchia, gần như chắc chắn là hoặc là đi để bị lừa hoặc đi để hoá thành lừa đảo).

Nhóm kỹ thuật này gọi là kỹ thuật đọc hiểu và đối chiếu thông tin, thứ mà chúng ta đang và sẽ từ chối làm, vì từ giờ có ChatGPT làm tất cả dùm ta, ngay từ khi ta học lớp 5 và có xài điện thoại.
Bạn có thể nói tôi coi trọng chuyện đọc hiểu quá mức vì tôi là nhà văn. Nhưng tôi không dùng kỹ thuật đọc hiểu để viết văn, mà kỹ thuật đọc hiểu bình thường đó giúp tôi nhận ra những thông tin có thể gây hại đến cơ thể, sự an toàn, và sự sống của mình. Biết đọc hiểu đàng hoàng có thể giúp ta không bị lừa, từ những cú lừa đơn giản đến những cú lừa tinh vi.

EM CÓ PHẢI NHÀ GIÀU ĐÂU MÀ LO BỊ LỪA, LỪA ĐƯỢC EM TỤI NÓ CÒN PHẢI NUÔI EM ĂN NỮA!

Một bạn sinh viên đã đùa như vậy với tôi, khi tôi nói bạn hãy cẩn thận với những tuyển dụng lừa đảo xuyên biên giới và cần đọc kỹ khi chọn việc làm.
Có thể em nghĩ mình có gì đâu ngoài cái thân này, ai thèm lừa, lừa còn tốn cơm. Nhưng em không biết nếu em bị bắt cóc, bị hành hạ đánh đập trong các xưởng lừa đảo bên kia biên giới, thì kẻ gọi điện thoại muốn bao nhiêu tiền cha mẹ em cũng phải bỏ ra.

Có những gia đình xoay sở ra 500 triệu trong vài ngày, có người bỏ hơn 600 triệu để chuộc con. Em có thể nghĩ mình vô giá trị, nhưng thân thể, sinh mạng và sự khóc lóc kêu cứu của em sẽ có thể khiến gia đình trút tất cả những gì họ có để cứu em. Họ sẽ rơi vào khánh kiệt. Em, sau khi được cứu về, có thể đã bị tàn tật vì bị đánh quá nhiều, có thể không còn bình thường nữa vì bị chích điện, bỏ đói, đánh đập nếu không lừa đủ chỉ tiêu.
Hoặc cao cấp hơn, em tiến hoá thành kẻ lừa đảo qua mạng, về nhà tự lập đường dây đi lừa những người vô danh khác trên mạng. Cỡ nào thì em cũng trở thành đứa con người không còn nguyên vẹn, về thể chất, cảm xúc, tinh thần, và giá trị sống.

Vì vậy, trước khi nghĩ vì mình không giàu, không có gì cả, hãy học cách trân trọng cơ thể và mạng sống của mình. Mạng sống đó là thứ tôi từng chứng kiến có cha mẹ bán cả nhà cửa để chuộc, có người mẹ đi xuyên biên giới, theo chân bọn lừa đảo để tìm lại con. Có người mẹ chỉ tìm được xác – không bao giờ biết con mình đã bị làm gì.

Mỗi sinh mạng đều quý giá, và ta không nên cẩu thả với chính sự tồn tại của mình.

Quay trở lại bài thi tiếng Anh “green washing” – những đứa trẻ đến từ tầng lớp không có tiền đi luyện IELTS thường sẽ không thể đạt điểm cao, một dạng bài đọc phổ biến trong các hạng mục thi tiếng Anh Academic. Nhưng hãy nghĩ xem, những bài thi này và vô số đề thi hóc búa khác, có giúp đứa trẻ nhận thức rõ hơn về không gian nó đang sống, về thế giới đang vận hành quanh nó, về việc nó phải tự học để sống và phát triển trong thế giới ngoài kia và trở thành con người độc lập?
Con trẻ làm sao để nhận biết có kẻ lừa đảo gọi điện bảo con tống tiền cha mẹ (vài tuần trước có một vụ một em nam sinh “tự bắt giam” theo lời kẻ gọi dt để ép cha mẹ nộp tiền chuộc)? Con làm sao để không lên xe theo người lạ đi làm thêm ở biên giới? Con làm sao để nhận ra việc làm lương cao vậy là phi lí? Con làm sao để biết “làm nhiệm vụ” kiếm lời lên trên mạng vừa là cờ bạc vừa là lừa đảo?

Những thứ như vậy đang ngày ngày cướp đi nhiều đứa trẻ, làm một số đứa trẻ khác trở thành tật nguyền về cảm xúc và trở thành nạn nhân bị tổn hại cơ thể.
Nhưng chúng lại không quan trọng lắm, không trở thành đề tài học tập, không tìm nổi cách nào len vào bài học trên giảng đường hay trong mâm cơm gia đình, cũng không len nổi vào những tranh biện điểm cao, điểm thấp của những phụ huynh muốn con mình sáng lấp lánh hơn chúng bạn.
Khải Đơn

Sponsored Links:

'
'