Vai trò của Glutathione trong việc làm trắng da toàn thân. Nhân 1 ca bị sock phản vệ do truyền thuốc làm trắng toàn thân. Nhân nhiều đơn đặt hàng của học trò về giảng về thuốc uống và thuốc tiêm truyền trong điều trị bệnh rám má. Và nhân dịp để cảnh báo cho các chị em muốn có làn da trắng như Ng. Tr. Mình xin post 1 bài về thuốc làm trắng Glutathione mình đã chuẩn bị từ lâu. Các bạn nào chích dẫn và chia sẻ xin nói rõ nguồn. Xin chân thành cảm ơn.
Nội dung bài viết:
Vai trò của Glutathione trong việc làm trắng da toàn thân
Bác sĩ: Hoàng Văn Tâm
Viện Da liễu Trung ương
Giảng viên bộ môn Da liễu Đại học Y Hà Nội
1. Cấu trúc, cơ chế
Glutathione là 1 peptide chứa 3 acid amin là glutamate, cysteine và glycine. Vì thuốc là 1 peptide vì thế khi sử dụng bằng đường uống thuốc có thể bị phân hủy bởi men tiêu hóa (vì ruột chỉ hấp thu dưới dạng acid amin hoặc dipeptide).
Thuốc có hoạt tính ức chế tyrosinase vì thế có tác dụng làm trắng.
2. Sinh khả dụng
Sinh khả dụng là tỉ lệ thuốc được hấp thu vào trong máu khi sử dụng bằng đường uống.
Glutathione đường uống với liều 500-1000mg/ngày theo 1 số nghiên cứu trước năm 2013 như của Allen và cộng sự không chứng minh được sự tăng nồng độ thuốc trong máu.
Ngược lại, gần đây năm 2015 Richie chỉ ra rằng với liều tương tự giúp tăng 30-35% nồng độ thuốc trong máu. Tuy nhiên nghiên cứu của Richie ít tin cậy vì nó được thực hiện bởi 1 công ty sản xuất sản phẩm chứa glutathione. Vậy thật sự uống glutathione có làm tăng nồng độ thuốc này trong máu hay không vẫn còn bàn cãi.
Để hạn chế điều này 1 số tác giả đã sử dụng glutathione đường tiêm (sinh khả dụng 100%).
3. Hiệu quả lâm sàng
Chưa có nghiên cứu trên bệnh nhân rám má mà chỉ có các nghiên cứu trên người khỏe mạnh để chứng minh hiệu quả làm sáng da của thuốc.
Theo lý thuyết thuốc bị dịch tiêu hóa phá hủy nên không vào máu để cho hiệu quả, nhưng trên các nghiên cứu và thực tế điều trị bệnh nhân tôi thấy thuốc có hiệu quả làm trắng toàn thân.
2.1. Với đường uống
Có 2 nghiên cứu gần đây sử dụng glutathione đường uống để làm trắng da toàn thân trên các đối tượng người khỏe mạnh, các nghiên cứu này đều thực hiện trong thời gian ngắn và không đo nồng độ thuốc trong máu sau khi uống.
Nutthavuth và cộng sự dùng glutathione 250mg 2 lần/ngày trong 4 tuần trên 30 sinh viên Thái Lan khỏe mạnh. Sau 4 tuần thấy hiệu quả sáng da ở tất cả bệnh nhân. Thuốc dung nạp tốt, chỉ có 1 bệnh nhân có cảm giác chướng bụng.
Handog dùng 1 viêm ngậm tan trong miệng chứa glutathione 500mg điều trị cho 34 người Phillipine khỏe mạnh, dùng ngày 1 lần vào buổi sáng trong 8 tuần. 30 bệnh nhân hoàn thành điều trị, tất cả đều sáng da từ mức nhẹ cho tới vừa (vừa chiếm 90%). 1 bệnh nhân bị viêm lợi do thuốc, 3 bệnh nhân còn lại phàn nàn rằng thuốc có vị chua.
Tác giả này dùng dạng tan trong miệng để thuốc ngấm trực tiếp vào máu mà không qua ruột (nơi thuốc bị phân hủy) vì thế làm tăng sinh khả dụng của thuốc. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng không đánh giá nồng độ thuốc trong máu.
Khuyến cáo: Glutathione liều 20mg/kg/ngày (khoảng 1000mg cho bệnh nhân 50kg) cho hiệu quả sáng da sau khoảng 1-2 tháng. Khi đạt hiệu quả duy trì 500mg/ngày.
2.2. Đường tiêm tĩnh mạch
Vì thuốc bị phá hủy trong ruột nên thời gian gần đây rộ lên trào lưu tiêm glutathione (đạt sinh khả dụng 100%) để làm trắng da toàn thân.
Trong nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đối chứng giả dược của Zubair trên 50 bệnh nhân khỏe mạnh 1 nhóm truyền glutathion 1200mg , 1 nhóm truyền nước muối sinh lý 2 lần/tuần trong 8 tuần. Sau 6 tuần thấy cải thiện làm sáng da 37.5% ở nhóm glutathione so với 18.7% ở nhóm nước muối sinh lý. Sau 4 tháng (dừng thuốc sau 2 tháng) nhóm truyền thuốc có cải thiện làm sáng da 18.7% so với 0% của nhóm truyền nước muối sinh lý. Tác dụng phụ hầu hết gặp ở các bệnh nhân truyền thuốc trong đó 32% rối loạn chức năng gan, trong đó có 1 bệnh nhân sock phản vệ.
Ở một số nước như Phillipine tháng 5/2011 không cấp phép việc sử dụng glutathione đường tĩnh mạch để làm trắng da toàn thân vì xuất hiện 1 số tác dụng phụ nặng như dị ứng thuốc thể ban đỏ, hội chứng Stevens Johnson, hội chứng Lyell, rối loạn chức năng thận, rối loạn chức năng tuyến giáp, đau bụng nặng, rối loạn chức năng gan, biến chứng tắc mạch nhiễm khuẩn do tiêm truyền.
Ngược lại Glutathione cũng được dùng trong các bệnh lý khác như hỗ trợ điều trị bệnh Parkinson, giảm tác dụng phụ của một số hóa chất khi điều trị một số bệnh ung thư. Các nghiên cứu này tiến hành trong thời gian ngắn (4-12 tuần). Các nghiên cứu này đều chỉ ra rằng Glutathione truyền tĩnh mạch ít tác dụng phụ hoặc tác dụng phụ nhẹ.
Từ các điều trên ta thấy: Liều điều trị được nhà sản xuất đưa từ 600mg-1200mg tiêm tĩnh mạch tuần 1 lần hoặc tuần 2 lần. Thuốc có tác dụng làm trắng toàn thân, có thể duy trì được 1 thời gian. Thời gian dùng chưa có khuyến cáo cụ thể, đa số các nghiên cứu dùng trong thời gian ngắn (4-12 tuần). Thuốc có 1 số tác dụng phụ nguy hiểm.
Cuối cùng: Chúng ta có sử dụng Glutathione truyền tĩnh mạch để làm sáng da toàn thân cho bệnh nhân hay không?
Hay chúng ta cứ liều ăn nhiều?
Xin sự thảo luận của đồng nghiệp!
Xin chân thành cảm ơn.
Tài liệu tham khảo
1. Lazo SH. Safety on the off-label use of glutathione solution for in-jection (IV). Food and Drug Administration, Department of Health, Republic of the Philippines; 2011. http://www.doh.gov.ph/sites/ default/files/Advisories_cosmetic_DOH-FDA%20Advisory% 20No.%202011-004.pdf. Accessed on February 26, 2017].
2. Arjinpathana N, Asawanonda P. Glutathione as an oral whitening agent: a randomized, double-blind, placebo-controlled study. J Dermatolog Treat. 2012;23:97-102.
3. Handog EB, Datuin MS, Singzon IA. An open-label, single-arm trial of the safety and efficacy of a novel preparation of glutathi¬one as a skin-lightening agent in Filipino women. Int J Dermatol. 2016;55:153-157.
4.Zubair S, Hafeez S, Mujtaba G. Efficacy of intravenous gluta¬thione vs. placebo for skin tone lightening. J Pak Ass Dermatol. 2016;26:177-181.
5.Cook GC, Sherlock S. Results of a controlled clinical trial of glutathione in cases of hepatic cirrhosis. Gut. 1965;6:472-476.
6.Sidharth Sonthalia et al. Glutathione for skin lightening: a regnant myth or evidence-based verity? Dermatol Pract Concept 2018;8(1):4