Sinh con rồi mới hiểu được cái cảm giác “Không có ai dạy cho tôi biết phải làm mẹ như thế nào!”. Sinh con xong. Nối tiếp là những ngày tháng tôi thấy mình chẳng khác gì một người bị ném xuống biển mà không biết bơi. Tôi nghĩ mình có thể chết bất cứ lúc nào hoặc giả như có thể nhắm mắt ngủ một giấc không dậy nữa. Nghe tiếng con khóc, tôi sợ. Nghe những lời dè bỉu, chê bai về sự vụng về của mình hay sự “đen nhẻm, còi cọc” của con, tôi sợ. Nhìn ánh mắt soi xét của người ngoài “bụng mày bị xổ kinh nhỉ, không lo mà ăn ít đi thì sau này xấu đến ma chê quỷ hờn”, tôi sợ. Thấy các bà lao vào nhồi nhồi, bóp bóp bầu ngực mặc kệ tiếng kêu đau của tôi vì “phải làm thế này sữa mới thông mà về được”, tôi sợ. Thấy những cuộc gọi, tin nhắn mình tìm chồng để tâm sự mà không được hồi đáp, tôi sợ và cô đơn vô cùng…
Không ít lần tôi phải tự hỏi, có ai đó muốn nghe tôi nói không? Có ai còn dành yêu thương, sự quan tâm cho người vừa trải qua một cơn vượt cạn với đau đớn tựa ngang gãy 12 chiếc xương sườn cùng lúc, loay hoay không chấp nhận nổi những thay đổi trên cơ thể mình và cuộc sống của mình. Là bụng rạn, nhăn nhúm, chằng chịt ngang dọc, lớp mỡ lấp ló sau áo như chẳng khác gì đang bầu 6 tháng. Là một gương mặt hốc hác, xơ xác vì nhiều đêm liền mất ngủ, chỉ chập chờn mộng mị còn chưa kịp thích nghi với việc mình đã làm mẹ. Là chân tay vẫn chưa hề hết sưng vì tích nước. Mà những người xung quanh cứ không ngừng ra rả bên tai “Làm thế này mới tốt này, phải xông, hơ, giữ gìn kỹ vào!”. Là cuộc sống chỉ còn quẩn quanh bỉm, sữa và một đứa trẻ thậm chí không biết phải bế thế nào mới vừa lòng người khác.
Chẳng một ai hỏi tôi muốn ăn món gì. Thay vào đó là thực đơn áp đặt sẵn với hàng loạt móng giò, chân dê, thậm chí cả móng chó… mà các bà hầm, đặt trước mặt tôi vào mỗi bữa ăn vì phải ăn vậy mới nhiều sữa. Thậm chí mẹ chồng còn kiếm được đâu một chiếc mật lợn tươi về bắt tôi nuốt vào vì “cái này quý lắm đấy, uống cái này vào thì yên tâm bụng dạ cả mẹ và con đều yên, không đau hay động gì nữa”. Tôi nôn thốc nôn tháo khi vừa nuốt được đến cổ họng, mắc kẹt ở đấy và ói ra hết. Bà gào lên “không chịu khó gì hết”. Bà ngoại chứng kiến cảnh ấy, không bênh con gái, cũng hùa vào: “Tiếc thật! Mẹ phải chịu khó vì con chứ!”. Ôi thật sự tôi cảm giác mình chẳng khác gì người thừa!
Nhất là khi tôi vụng về lóng ngóng bế con lên ti, con đang ti mà bị sặc hay ngắt miệng ra, tia sữa bắn tung tóe là cũng “bị ý kiến”. Nhưng có ai dạy cho tôi cách cho con ti thế nào hay chấp nhận cho tôi được việc vài lần chưa có kinh nghiệm, dần dần mới quen đâu cơ chứ? Cũng đâu có ai bảo với tôi một đứa trẻ sinh ra hoàn toàn không hề chỉ có những khoảnh khắc đáng yêu, ngọt ngào như những bức ảnh poster đâu, mà con sẽ có thể gào khóc bất cứ lúc nào con muốn, thậm chí thức cả đêm để chơi, ngày chỉ ngủ, kéo dài cả tháng liền như thế. Chưa kể những lần con hắt hơi, sổ mũi, mọi nguyên do truy ngược lại về mẹ và là vì mẹ. Mẹ luôn ao ước được ngủ nhưng khi con ngủ rồi thì lại chẳng thể ngủ nổi vì cứ trằn trọc không yên, đầu óc luôn là những tưởng tượng, suy diễn mông lung. Phải cố gắng lắm mới có thể điều khiển mình về hiện thực.
Tôi luôn ước giá mà có ai đó nói trước với tôi, sinh con xong là ngay lập tức sẽ bị giam lỏng trong 4 bức tường, không biết ngoài kia mưa hay nắng, đã là ngày nào của tháng mấy. Đếm từ sáng đến chiều vẫn chưa hết một ngày, đếm sang thêm buổi tối nữa thì đã quên mất là mình đếm được mấy ngày rồi. Một người mẹ sau sinh hình như chẳng nhớ được gì nhiều ngoài việc mình đang bế tắc, đang phải chịu sự đày đọa để mong ngày nhanh hết cữ, nhưng đến khi hết cữ rồi cũng chỉ để đắng cay nhận ra sự thật là chẳng khác gì trong cữ. Mẹ luôn phải có một cái đuôi dính chặt lấy 24/7, sữa chảy ướt áo cả ngày mà vẫn phải không ngừng kích sữa, có thế nuôi con mới “mát tay”.
Giá mà có ai nói với tôi việc một người mẹ có thể mong manh đến thế nào sau sinh, khi chỉ một lời nói, hành động nào đó dù nhỏ nhất thôi cũng có thể khiến mình nhói đau, rơi nước mắt. Cũng không ai cho tôi được khóc vì “cứ làm quan trọng hóa vấn đề”, “mẹ nào sau sinh chẳng trải qua những ngày tháng như thế”. Ơ, có những người mẹ thấu hiểu hết nỗi niềm của tôi mà sao không cho tôi một sự đồng cảm, vỗ về dù chỉ là cái vỗ vai “ừ chị hiểu”. Tôi đang tự mình học cách làm mẹ. Sao ai ai cũng đều mặc định rằng nhất định phải trải qua, phải nén chặt tất cả vào tận sâu bên trong thì mới là đang làm mẹ? Và cũng vì sao cảm xúc của tôi không được đặt lên hàng đầu khi đó là điều quan trọng nhất?
Vậy nên bên cạnh những đứa trẻ mới sinh ra thì hãy hỏi thăm cả những người mẹ nữa, hãy hỏi chúng tôi thật thường xuyên rằng: ‘Bạn có ổn không?’. Có thể người mẹ đó thấy ổn, có thể là không. Nhưng đừng bao giờ ngừng hỏi thăm, ngay cả khi những đứa trẻ đã chào đời rồi”.
Nguồn: Sưu tầm