Không nên trừng phạt hay mắng mỏ con

Đây là bài viết 8 / 34 trong series Nuôi dạy trẻ nhỏ

Không nên trừng phạt hay mắng mỏ con- trẻ em học được qua những gì chúng thấy và cảm nhận. Khi bị đánh đòn, trừng phạt hoặc la mắng, trẻ sẽ học theo cách hành động hung hăng. Cách tốt nhất để dạy con là làm mẫu và đối xử với con theo cách bản thân chúng ta muốn được đối xử. Nói cách khác, bạn chính là tấm gương để con bạn làm theo. Vì thế, hãy cư xử với con bằng lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu. Làm cách nào để có thể hướng con tới những hành vi tốt mà không cần trừng phạt hay mắng mỏ

Không nên trừng phạt hay mắng mỏ con
Không nên trừng phạt hay mắng mỏ con

Đây là một số tips dành cho các ông bố bà mẹ:

 Điều tiết cảm xúc của chính bạn.

Trẻ em cần học cách quản lý cảm xúc của mình, bạn là hình mẫu để con học được điều đó. Nếu bạn đang buồn hay đang cáu giận, đừng hành động. Hãy hít thở sâu, yên lặng và đợi cho đến khi bình tĩnh. Chỉ khi bạn bình tĩnh bạn mới có thể giải quyết được vấn đề. Nếu bạn không kiểm soát được cảm xúc, bạn sẽ có xu hướng trừng phạt con và điều này luôn phản tác dụng.

Thấu hiểu cảm xúc của con.

Khi con trở nên khó chịu, có thái độ không ổn, có hành vi xấu… đừng mắng nhiếc hay trừng phạt con. Nếu bạn làm vậy, con bạn sẽ cảm thấy bị tấn công, chúng sẽ có hành vi “chống trả” hoặc “chạy trốn” – đây là phần bản năng được dẫn dắt bởi não bò sát. Chúng sẽ không học được gì trong trạng thái này vì thế hãy ở bên con và thừa nhận cảm xúc của con. Đây là một cơ hội để giúp con có thể điều chỉnh cảm xúc của mình và kết nối với con. Chỉ cần tạo ra sự an toàn cho con bằng sự thấu hiểu để chúng có thể bộc lộ và vượt qua những cảm xúc đang thúc đẩy hành vi xấu của mình. Con sẽ cảm thấy tốt hơn và gần gũi với bạn hơn, khi đó con sẽ cởi mở để nghe bạn.

Hãy giúp con tự giúp mình.

Hãy nghĩ về những việc này: Khi con bạn còn bé, bạn dạy con ngồi bô, tập đứng, tập đi… lúc mới tập bạn cầm tay, bạn ở bên con hỗ trợ con, dần dần con có thể tự làm mọi việc mà không cần sự tham gia của bạn. Hãy áp dụng nguyên tắc tương tự cho việc học nói “cảm ơn”, dọn dẹp đồ đạc, làm bài tập về nhà và những việc khác. Giúp con tạo ra những thói quen tốt, học những kỹ năng cơ bản quan trọng như việc xây dựng một nền móng vững chắc cho một tòa nhà. Bạn phải làm với tất cả sự tận tâm và kiên trì, không phải bằng roi vọt và la hét.

Đừng cố gắng sửa chữa gì trước khi kết nối được với con.

Nếu muốn con ngoan, hãy làm cho chúng hạnh phúc. Chúng ta cần nhớ rằng trẻ em cư xử sai khi chúng cảm thấy tồi tệ về bản thân và mất kết nối với cha mẹ. Vì vậy, hãy tìm cách kết nối với con và duy trì sự kết nối đó. Chỉ có cách đó mới có thể đánh thức mong muốn trở thành con người tốt nhất của trẻ. Khi con có vấn đề, thay vì khó chịu và bực dọc, mình thường gần gũi con hơn, ôm con vào lòng và hỏi, kiểu như: “Có vẻ như con đang rất khó chịu vì đã quên làm bài tập về nhà?”; hoặc nhìn vào mắt con và nói: “Có vẻ như con thấy bất công vì bị cô giáo phạt?” Với trẻ nhỏ, quỳ xuống ngang tầm mắt con: “Có vẻ như con đang rất tức giận, mẹ đang nghe con đây, hãy nói xem vì sao con tức giận?”. Khi đến trường đón con thấy con khó chịu, mình sẽ hỏi: “Hôm nay có chuyện gì làm con không vui phải không, hãy kể cho mẹ nếu con muốn nhé”.

Đặt giới hạn với sự thấu cảm.

Một số quy tắc luôn được nhấn mạnh trong gia đình mình. Tuy nhiên, khi đưa ra quy tắc chúng ta sẽ luôn giải thích các quy tắc và cũng có những quy tắc sẽ cùng bàn với con. Khi trẻ cảm thấy được hiểu, chúng có thể chấp nhận các giới hạn của chúng ta hơn. Nếu có thể, hãy đưa ra lựa chọn hoặc chuyển hướng về những gì trẻ CÓ THỂ làm để đáp ứng nhu cầu của mình hoặc giải quyết vấn đề của mình thay vì những gì chúng KHÔNG THỂ. Ví dụ, khi bọn trẻ chơi với nhau, đứa lớn dành đồ chơi đứa bé đang chơi, bạn nên nói: Mẹ biết con muốn chơi cái ô tô em đang chơi, nhưng hãy nói với em: Em có thể cho anh chơi ô tô này một lúc được không? đừng giật nó từ tay em. “Mẹ biết con đang muốn chơi game lâu hơn, phải dừng lại để đi ngủ khó chịu thật đấy. Nhưng đã đến giờ, đi ngủ thôi nào.”

Dạy con sửa những vấn đề mình gây ra.

Ngay từ khi con bé, mình đã dạy đám con dại bài học đầu tiên: tất cả chúng ta đều phải tự dọn dẹp đống lộn xộn của mình. Khi con làm đổ nước ra bàn, đưa khăn giúp con và cùng con lau sạch mà không cần đổ lỗi hay mắng mỏ. Khi con lớn hơn một chút, sau mỗi lần chúng cãi cọ nhau, mình nói với con: “khi nào con bình tĩnh lại, hãy ôm em và chơi đá bóng với em nhé.” Thay vì đổ lỗi hay trừng phạt, hãy giúp con chống lại sự xấu hổ và dạy con biết xin lỗi. Kể cả bạn, mỗi khi làm gì đó không đúng, đừng xấu hổ, hãy xin lỗi và thay đổi hành vi của mình sau đó. Con bạn sẽ học được điều này.

Dùng ngôn ngữ tích cực thay vì trừng phạt hay mắng mỏ
Dùng ngôn ngữ tích cực thay vì trừng phạt hay mắng mỏ

Hiểu rằng luôn luôn có một lý do khi ai đó làm điều gì đó. Ai đó làm việc gì đó dù sai cũng đều có một lý do, ngay cả khi bạn không nghĩ đó là lý do tốt. Hành vi của con thật khủng khiếp hẳn con phải cảm thấy kinh khủng trong lòng. Liệu có phải con mệt mỏi? Con thấy cô đơn? Con thấy thiếu sự kết nổi? Không giải tỏa được những cảm xúc khó chịu? Hãy tìm cách giải quyết những nguyên nhân chính đó, những hành vi sai trái sẽ bị loại bỏ. Hành vi sai trái” là một biểu hiện (dù không đúng) của một nhu cầu chính đáng.

Dùng ngôn ngữ tích cực.

Trẻ em sẽ làm hầu hết mọi thứ được yêu cầu nếu cha mẹ yêu cầu với một trái tim yêu thương. Hãy dùng ngôn ngữ tích cực khi giao tiếp với con, tìm cách nói CÓ thay vì KHÔNG khi có thể. Con bạn sẽ đáp lại bằng sự tích cực như cách bạn làm với con. “CÓ, mẹ CÓ yêu con. CÓ, nếu con hoàn thành xong bài tập mẹ sẽ cho con mượn điện thoại 10 phút; CÓ mẹ sẽ kể cho con nghe thêm một câu chuyện”.

Kết nối với con, mỗi ngày. Bất kỳ sự tương tác nào cũng là một cơ hội để chúng ta kết nối với con, hoặc làm mất đi sự kết nối. Hãy quan sát những gì diễn ra xung quanh con để hiểu và thể hiện sự quan tâm. Mình luôn cố gắng trò chuyện với con về những gì xảy ra ở trường, về những người bạn của con, về sở thích… Chơi với con mỗi ngày một lần, tắt điện thoại, đóng máy tính và nói với con bạn: “Ok, bố có 30 phút dành riêng cho con. Chúng ta nên làm gì nhỉ?” Hãy để con dẫn dắt bất kỳ hoạt động nào chúng nghĩ ra, ném gấu bông, chơi bài, chơi game, vật lộn hay bất cứ trò gì, miễn là bạn dành 100% sự chú ý cho con. VUI và KHOẺ là yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển của trẻ. Khi con vui, khỏe, con hạnh phúc, chúng sẽ hợp tác với cha mẹ mà không cần bất cứ biện pháp kỷ luật nào.

Sponsored Links:

'
'