Kinh nghiệm và thành quả dạy con của bà mẹ có con chậm chạp

Đây là bài viết 17 / 34 trong series Nuôi dạy trẻ nhỏ
Kinh nghiệm và thành quả dạy con của bà mẹ có con chậm chạp. Liệu đứa trẻ chậm chạp, tiếp thu kiến thức khó khăn có thể thành công và có cuộc sống hạnh phúc khi lớn lên không? Mấy ngày nay, có rất nhiều mẹ thắc mắc về những bé khó khăn trong học tập, yếu về kỹ năng, chậm chạp mọi thứ hoặc đang khủng hoảng ở tuổi dậy thì, yếu đuối hay khóc. Cha mẹ của các bé thực sự thấy rất khó khăn khi nuôi dạy con và cũng lại vô cùng lo lắng cho tương lại của bé. Mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân, hi vọng sẽ giúp được các mẹ.
Kinh nghiệm và thành quả dạy con của bà mẹ có con chậm chạp
Kinh nghiệm và thành quả dạy con của bà mẹ có con chậm chạp

Nuôi đứa trẻ nào cũng có khó khăn riêng, không cái nào giống cái nào.

Mình hiện tại có 2 cậu con trai.
Bạn lớn: thông minh, nghịch ngợm, cá tính, thích làm mọi thứ theo ý mình, sức khỏe không được tốt, hay viêm phế quản nên phải vào viện nhiều. Rất quậy, thích ghẹo bạn, trêu thầy cô, thích gây sự chú ý, luôn thích lôi kéo đồng bọn nghịch cùng mình và cũng có sức lôi kéo người khác vào các trò nghịch ngợm của mình. Đặc biệt rất thích kinh doanh, kiếm tiền, đứng ra tổ chức sự kiện, các chuyến đi chơi. Tuy nhiên, học hành không phải lo lắng vì nếu bạn ấy thích thì thi có giải nọ kia, nhưng đã không thích thì ép không được, có thể về 3-4 điểm bất cứ lúc nào. Ngoài tiếng Anh là do mẹ dạy, còn lại tất cả các môn đều tự học được, nhưng không thích học, thích chơi và phải có cách để thuyết phục thì bạn mới học.
Với bạn lớn phải nuôi dạy vừa bằng áp chế, nhiều lúc phải ép 1 chút mới vào khuôn, vừa phải giải thích logic, khoa học thì bạn ấy sẽ nghe theo.
Bạn bé: một chú bé hiền lành, tốt tính, ăn uống tốt nhưng kén ăn, sức khỏe tốt, tình cảm, hay khóc, cực kỳ ngoan, từ bé không quấy, bảo gì nghe nấy. Nhưng chậm chạp vô cùng, làm cái gì cũng mất 2-3 lần thời gian so với người khác, 28 tháng chưa nói được, phải được hỗ trợ rất nhiều. Lớp 1 xin mãi mới vào được 1 trường tư vì lúc đó còn chưa nói được và diễn đạt được gì. Vào lớp 1 rất thích giơ tay nhưng khi trả lời thì không hiểu câu hỏi hoặc không diễn đạt được. Mãi cuối lớp 2 mới biết đọc, tốc độ học luôn không bằng các bạn. Toán thì không tự làm được dạng toán có lời văn, chỉ làm được dạng tính toán, văn thì không viết được mấy, lớp 6 rồi mà văn viết khó hiểu, thiếu logic và mạch lạc. Tất cả các môn ngoài tiếng Anh, đều phải được kèm cặp riêng. Với bạn bé này phải kiên trì, nhẫn nại và động viên, phải khen vào sự nỗ lực và lờ đi kết quả.
Hai bạn này mình đều nuôi dạy rất vất vả, hai cách dạy hoàn toàn khác nhau, không thể dùng chung 1 phương pháp, hay một kiểu khen chê, động viên. Mình khi nói chuyện hay giáo dục bạn lớn , mình phải là 1 kiểu người: mạnh mẽ, logic, áp chế, làm con nể và phục, thì quay sang bạn bé phải nhẹ nhàng, động viên, không làm cho bạn ấy sợ (sợ là con chữ đi ra ngoài hết).

Làm gì khi trẻ lề mề?

1. Thực ra không phải là mình nghĩ ra cách biện pháp dạy con theo ý của mình mà mình phải nương theo tính cách, cá tính của hai con để có cách dạy con phù hợp với từng bạn. Mình kể về cả hai bạn để các bố mẹ thấy rằng: cha mẹ không quyết định được phương pháp dạy bảo cho con mà chính cá tính, đặc thù của từng bạn sẽ cần cha mẹ cư xử với cách phù hợp với bạn ấy… Mình phải rất cảm ơn sự khác biệt quá lớn của hai bạn ấy, điều đó đã cho mình cảm nhận được sự khác biệt giữa những con người khác nhau và giúp mình biết đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu và cảm thông, cùng đồng hành trong công việc.
2. Mình kể rõ về hai bé để bố mẹ thấy, nuôi đứa con nào cũng có cái khó, cái mệt mỏi của nó, đứa thông minh thì mình vất vả kiểu nuôi con thông mình cá tính còn đứa chậm chạp thì lại khó khăn kiểu phải kiên nhẫn, giải thích nhiều lần. Nên có con luôn là vất vả. Còn con cái có hạnh phúc hay thành công hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Mình biết chắc 1 điều, nếu cha mẹ luôn giúp đỡ yêu thương mọi người, nỗ lực nuôi dạy con cái, yêu thương con trên nền tảng tôn trọng trong cái, chịu khó lao động, không chỉ trích mà luôn nỗ lực vì cuộc sống, suy nghĩ tích cực thì tỷ lệ con cái bạn sau này có cuộc sống ổn định và hạnh phúc là cao. (không đề cập tới các trường hợp con cái bị bênh lý).

Sự trưởng thành của cha mẹ khi nuôi dạy con

Mình kể lại quá trình trưởng thành của mình khi là một người mẹ với hai đứa con với hai nét cá tính khác nhau để các bố mẹ thấy rằng, chẳng có ai ngay khi có con đã biết làm cha mẹ tốt. Mà phải qua rất nhiều vấp váp trong cuộc sống, vấp váp với quá trình nuôi con, cha mẹ mới dần trưởng thành để nuôi dạy con tốt hơn.
Hồi mình sinh con, không hề nghĩ đến việc phải đi học các khóa này nọ để làm cha mẹ tốt. Nghĩ rằng, chỉ cần cứ làm theo kinh nghiệm , theo chủ kiến của bản thân là có thể thành công. Với đứa trẻ, nó bé tý tẹo chỉ cần ép buộc nó là nó sẽ phải theo lời mình. Mà không ép được thì dùng đòn roi, đòn là con sẽ ngoan ngay.
Mình được sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ, và tất cả những người xung quanh dùng đòn roi với các con như cơm bữa. Nên mình cũng mặc định nuôi trẻ chỉ cần dùng roi là nó sẽ nghe lời thôi. Mình cũng bị bố mẹ đánh nên sợ đến già, cũng nhiều việc bố mẹ ko cho làm là ko dám làm vì sợ bị đòn.
 
Đẻ con ra, mặc định trong đầu mình cũng nghĩ đứa trẻ nó sẽ lớn theo năm tháng, và nó lớn thì nó phải biết dẫn các kỹ năng và phải biết ứng xử sao cho phù hợp với mong muốn của mình và những người khác xung quanh trong gia đình.
Nhưng rồi, thằng lớn nói mãi nó cũng không nghe lời, hành vi càng ngày càng hư, thằng bé dạy mãi mà vẫn chả có kiến thức. Lúc này mình mới đi tìm câu trả lời bằng cách học. Học có rất nhiều cách: minh đi gặp cách anh chị gọi là có kinh nghiệm nuôi dạy con, đi học các khóa về giáo dục con, lên các diễn đàn để đọc, rồi lại tìm kiếm bao nhiêu sách vở. Tuy nhiên, tất cả những cách làm, những lời khuyên chỉ giúp mình có thêm một đống lý thuyết, cũng không phải là giúp ích được quá nhiều. Chỉ khi mình bắt tay vào biến mớ lý thuyết đó thành thực tế áp dụng trên con, lúc áp dụng vào con mình, cách làm mà mình học được từ mọi người, từ sách vở mình cũng phải thay đổi, chỉnh sửa. Lần này thất bại, lại điều chỉnh hoặc tìm cách khác hiệu quả hơn. Mỗi thứ mình nghĩ ra để áp dụng trên con cũng chỉ sau 2-3 tháng là lại không còn tác dụng, lại phải nghĩ ra cái mới.
Nên làm mẹ đã cho mình không phải chỉ sự trưởng thành trên từng lần thất bại mà còn cho mình sự sáng tạo không ngừng nghỉ để nghĩ ra giải pháp cho 2 chú nhóc nhà mình.
Vì vậy, mình đã học được cách khiêm tốn, bởi mình luôn biết rằng, việc mình có chút thành công nho nhỏ trên chặng đường 15 năm nuôi dạy con có thể mất đi bất cứ lúc nào. Mình cũng học được cách bình tĩnh vào chấp nhận bởi vì có thể ngày mai thành công ấy sẽ lại sụp đổ ngay khi mình bất cẩn hay chủ quan, cũng giống như bé lớn hôm nay 9 điểm môn toán, ngày mai lại có thể về 3 điểm vì cãi nhau với bạn gái.

Cha mẹ phải làm gì khi con chậm chạp?

Nếu kể về cách nuôi dạy cả hai bạn thì dài quá. Nên phần này mình tập trung vào cách mình nuôi dạy chú ốc sên hiền lành của mình để các bố mẹ có thể tìm kiếm thêm một giải pháp gì đó cho chính con của mình. Bạn thứ 2 nhà mình năm nay đang vào lớp 6.

1. Cha mẹ tự cân bằng cho mình để có thể dễ dàng nghĩ ra giải pháp cho con hơn

– Mình nghĩ con đã đến với mình chắc chắn phải là cái duyên cái nợ gì đó với mình rồi. Thực tế, con cũng không muốn sinh ra đã chậm chạp hay học hành khó tiếp thu, hay con cũng ko muốn tính cách mình yếu ớt, vì vậy, là cha mẹ mình phải bình tâm mà nâng đỡ con mình.
– Mình cho bạn ấy đi khám (ở bệnh viện nhi hoặc khoa giáo dục đặc biệt trường ĐHSP Hà Nội 1) để xác định xem con có bị bệnh lý hay hội chứng gì đặc biệt hay không. Nếu con bị gì đó bất thường mình còn phải can thiệp và hỗ trợ cho con. Tuy nhiên, hồi mình đi khám thì bác sĩ cũng chỉ nói con bị chậm so với tuổi của con chứ không nói con bị hội chứng hay bệnh lý gì đặc biệt.
– Mình cũng xác định có thể con mình sẽ phải học 2 năm 1 lớp vì bạn ấy đã có lúc không thể theo kịp được các bạn với chương trình học việt nam. Lúc đó mình nghĩ, nếu thực sự chương trình học quá khó thì cũng phải cho bạn ấy dừng học. Với tâm lý đi học thế này nên hai mẹ con mình đi học rất là nhẹ nhàng.
– Mình xác định là chả có ai có đủ kiên trì với con ngoài cha mẹ cả, vì vậy vai trò dạy con của cha mẹ là chính. Nên buổi tối về mình hi sinh thêm thời gian để đồng hành với con, dạy con học lại các môn trên lớp và cuối tuần dạy con thêm nhiều kỹ năng sống nữa.
– Mình còn nghĩ xa đến mức có thể con sẽ cả đời cần đến mình, do đó mình cần phải tiết kiệm hoặc để một số tài sản riêng cho bạn ấy nếu bạn ấy không thể tự lập.
– Nghĩ đến mức này rồi thì mình cũng chỉ nỗ lực từng ngày để đi là tiết kiệm một khoản tiền hay mua một ít tài sản cho bạn ấy + dạy bạn ấy từng lúc có thể.

2. Cách mình kèm cặp bạn ốc sên ấy 

– Bạn ấy không giống những trẻ khác là có thể tự nhìn xung quanh và đúc kết kiến thức và bài học cho bản thân từ những kinh nghiệm và trải nghiệm của mình nên luôn mắc lỗi, làm cái gì cũng sai với quy chuẩn của trường lớp hay bạn bè. Học kỹ năng gì hay kiến thức gì cũng phải mất thêm 3-4 lần bạn khác.
– Biết bạn ấy như vậy nên con học ở đâu mình cũng dặn dò cách thầy cô một cách cẩn thận cách giúp bạn ấy tiếp thu được tốt hơn nội dung giảng dạy. Mình cũng bố trí thêm nhân lực là bố, mẹ, anh trai, bác, thầy cô gia sư để có thể hỗ trợ giúp bạn ấy giải quyết cách môn học mà bạn ấy còn chưa tốt. Mình rất hay liên hệ, chat hỏi trao đổi với các thầy cô về tình hình của con ở trường lớp để hỗ trợ cho kịp thời. Chat thì liên tục còn gặp mặt thì mỗi tháng 1-2 lần.
– Với người bình thường học đã mệt, bạn ấy học lại càng mệt hơn. Nhiều hôm khóc nước mắt đầm đìa, có hôm lại cáu bẳn. Mình cũng cảm thông và chịu khó quan sát và đưa ra các giải pháp giải tỏa tâm lý cho bạn ấy. Nếu thấy thực sự con quá mệt thì mình bố trí cho con nghỉ ngơi, nếu thấy tâm lý con ức chế thì cho con đi chơi, đi mua đồ, nếu thấy con không mệt mà mè nheo để không học thì mình lại nghiêm khắc mắng, dọa cho một trận. Nhưng khẩu quyết của mình luôn là: “mẹ quan tâm nhất không phải là kết quả, mà là sự nỗ lực. Con có thể chưa giỏi, không sao cả, mẹ không phiền lòng, con khó ở đâu chỉ cần nói với mẹ mẹ sẽ đồng hành, hỗ trợ, dạy con nhưng nếu con không nỗ lực chỉ thích chơi thì mẹ sẽ xử lý rất nghiêm khắc”. Dần dần, bạn ấy đã nhận biết được mình phải nỗ lực, đó là điều bố mẹ mong chờ nhất.
– Trong quá trình kèm bạn ấy mình cũng hướng tới năng lực tự học, do đó, mình có dạy bạn ấy sử dụng máy tính để tra cứu hoặc tìm đáp án cho các bài tập khó với bạn ấy. Hầu hết các bài tập trong SGK đều có lời giải trên mạng, kể cả các loại đề cương cũng đều có, nên biết tra cứu như vậy rất nhàn. Với trẻ không bị hội chứng gì về chậm phát triển hay não bộ thì chỉ để học được 5-6 điểm của BGD, nếu ai đã từng học cùng con thì đều thấy không khó khăn. Các câu hỏi gì ở mức ghi nhớ được là có thể trả lời được.
– Mình dạy bạn ấy thêm làm powerpoint thuyết trình để cải thiện năng lực nói và diễn đạt của bạn ấy.
– Đặc biệt, khi con có vấn đề ức chế ở lớp hay ở trường, mình chỉ đóng vai là một người lắng nghe: bạn ấy thích khóc thì cho khóc, bạn ấy buồn thì cùng bạn ấy xem clip hài, bạn ấy vui muốn chia sẻ thì mình nghe và hưởng ứng, bạn ấy cần lời khuyên để đối phó với bạn bè thì mình cho bạn ấy lời khuyên, nếu cảm thấy cần can thiệp mình sẽ can thiệp ngay.
– Hàng tuần; thứ 7 và chủ nhật được nghỉ nhiều, mình hướng dẫn bạn ấy các kỹ năng khác như làm việc nhà, nấu ăn, đưa bạn ấy đi ra ngoài để học đi lại, tìm hiểu phố xá và cuộc sống ngoài trường lớp. Các kỹ năng này bạn ấy học cũng rất chậm nhưng nhờ được rèn từ bé nên cũng gọi là tự lo cho bản thân được. Giờ lớp 6 có thể tự nấu ăn khi mẹ vắng nhà – mấy món đơn giản, giặt gập quần áo bằng máy, khâu quần áo, đơm khuy, dọn dẹp nhà cửa, rửa bát, đi chợ. Tự bắt xe grab hoặc taxi, xe ôm đi lại.
– Thi thoảng nhà mình lại đưa đi cắm trại và bạn ấy cũng nằm trong nhóm hướng đạo sinh nên bạn ấy hay đi cắm trại theo kiểu sinh tồn, ngủ ngoài lều, tự nấu ăn, tự dọn dẹp. Giờ lớp 6 đã có thể tự đi với các leader mà không cần bố mẹ đi cùng. Leader cũng khen là kỹ năng của bạn ấy rất tốt, đồ mang đi cắm trại ngần nào là mang về ngần đó, ko hề mất cái gì.
– Về dạy con xử lý cảm xúc và dậy thì . Con mình năm lớp 4 khủng hoảng rất nặng vì lúc đó bạn ấy mới biết cãi, mới diễn đạt được ý nhưng lại ko gãy gọn, khó hiểu. Nên nhiều khi thầy cô và các bác nhân viên trong trường nghĩ là bạn ấy bướng và hay quát mắng bạn ấy. Bạn ấy bị những cảm xúc tiêu cực cuốn đi nhiều, chán nản ko muốn đến trường. Lúc đó, mình đã phải dạy bạn ấy :

Nhận diện được cảm xúc.

VÌ năng lực nhận diện và đọc cảm xúc của chính mình và trên người khác tốt nên mình nhận ra cảm xúc của con rất tốt, lúc đó mình gọi tên giúp con cảm xúc của con: có phải con đang tức giận ko? Có phải con đang sợ gì đó ko? Có phải con đang lo lắng ko? Có phải con đang buồn ko? Cứ thế mình giúp con dần biết định hình nhữn cảm xúc của bản thân.
o Tạo điều kiện cho tâm lắng, cảm xúc qua đi. Mình cũng dặn con và cả giáo viên của con là khi nào con bùng nổ cảm xúc hãy cho con ra ngoài. Hãy hỏi con là: “mẹ dặn cô là khi con khó chịu thì cho con ra ngoài, con có cần ra ngoài ko”. Nếu con đồng ý thì cô cho con ra, nếu ko thì cô dặn con yên tĩnh ngồi trong lớp. Dần dần bạn ấy biết cách hít thở, ngồi tĩnh tâm để hết cảm xúc tiêu cực.

Học cách lạc quan

Mỗi ngày mình cùng bạn ấy nói về những điều vui, tích cực trong cuộc sống để bạn ấy học cách sống lạc quan, nhìn cái gì cũng ra điều tốt của cuộc sống này.

Học cách đối mặt với thực tế

Mình cũng ko phải là kiểu người lạc quan tếu, bên cạnh việc nhìn nhận những điều tốt đẹp, điểm gì chưa tốt mình cũng đều nói rõ với bạn ấy. Vì dụ: Sóc là chú bé tình cảm, lịch sự, gọn gàng ko vứt rác bừa bãi, thích giúp mọi người, ko làm ai bị thương bao giờ. Nhưng con học tiếng Việt, nhất là viết văn chưa tốt, thiếu logic, con cũng hay làm mọi việc rất chậm chạp. Nhiều khi con hay khóc, khi con khóc có lúc mẹ ko bị làm sao, nhưng có lúc làm mẹ thấy khó chịu. Dần dần bạn ấy biết bạn ấy tốt ở đâu, kém ở đâu và cần cải thiện cái gì. Bạn ấy nhận định về bản thân rất rõ ràng.

Học cách chi tiêu

Giao tiền tiêu vặt cho bạn ấy học cách chi tiêu. Nhưng lại là bạn ấy chỉ tích tiền ở đấy và gần như ko dùng đến tiền. Đôi khi mình cần, mình còn vay bạn ấy và trả lãi để bạn ấy học về tiền + lãi và cách sinh lời.

3. Thành quả nuôi dạy bạn ốc sên đúng cách

– Bạn ấy vui vẻ, tự tin, hiểu rõ mình mạnh gì, yếu gì, cần cải thiện gì. Và đặc biệt cực kỳ nỗ lực học tập. Hôm vừa rồi còn hỏi mẹ là: sắp thi học kỳ rồi, hay mẹ bảo cô cho con học thêm để con ôn thêm toán và Văn hai môn con còn yếu.
– Bạn ấy có tiếng Anh rất tốt, B1 ở năm lớp 5 lên 6 rồi, có thể học song song CT Mỹ – Việt, ra nước ngoài có thể tự tin sử dụng tiếng Anh giao tiếp, tự tìm được cách đi tàu điện ngầm.
– Bạn ấy có kỹ năng sống tốt, có thể tự phục vụ bản thân, tự đi lại, làm một số việc nhà đơn giản hỗ trợ cho bố mẹ.
– Bạn ấy có năng lực kiểm soát cảm xúc và hiểu bản thân tốt, thích giúp đỡ mọi người.
– Khả năng ngôn ngữ và thuyết phục người khác cũng tăng lên, làm toán, làm văn đã từ mức 3-4 điểm lên 7-8 điểm. Lịch sử, vật lý, văn bạn ấy vẫn 5-6 như thường.
– Đặc biệt đôi tay bạn ấy rất khéo léo, vẽ tốt, cưa cắt đồ khéo léo, khâu áo quần tốt.
Gọi là có chút thành quả như vậy nhưng những năm tiếp theo các con học khó hơn, mình cũng chưa biết con có tiếp tục duy trì được kết quả tạm ổn này nữa không. Nhưng mình tin rằng, dù xảy ra chuyện gì thì với cái nhìn tích cực của chính gia đình mình, mình tin con cũng sẽ tìm được niềm vui trong cuộc sống của con.
Đôi điều chia sẻ tới các PHHS về quá trình nuôi ốc sên chậm chạp, có xuất phát điểm thấp. Mong các bạn lạc quan, chịu khó học tập, tìm hiểu và thay đổi bản thân để tìm ra được giải pháp tốt nhất cho con, giúp con phát triển tốt nhất.
 
Nguồn fb  Lien Eth Nguyen

Sponsored Links:

'
'