Trong cuộc sống thường ngày, có tiền hay không có tiền cũng chẳng khác nhau là mấy. Không thể thưởng thức sơn hào hải vị như người ta thì ăn cơm canh đạm bạc. Người ta mặc áo nhung quần lụa, mình vận áo bố quần gai cũng chẳng sao. Hơn nữa thời nay hiện đại rồi nên điều kiện sống cũng tốt hơn nhiều, không thiếu ăn thiếu mặc như xưa nữa. Cuối cùng, ai rồi cũng vậy, ngày ăn ba bữa, đến cuối đời dù giàu hay nghèo cũng đều nằm dưới ba tấc đất mà thôi.
Chỉ đến khi cuộc sống không còn thuận lợi, suôn sẻ, tai ương ập đến, bạn mới biết có tiền và không có tiền khác nhau thế nào. Không có tiền thì khi bố mẹ bệnh cũng chỉ biết nhìn bố mẹ khổ sở, lương tâm cắn rứt, lòng đau đớn mà chẳng làm gì được; con cái đi học đến lúc trường tổ chức buổi dã ngoại mùa hè cũng không có tiền cho nó đi, nhìn con người ta háo hức hoan hỉ đi nhìn ngắm thế giới, lúc đó bạn sẽ biết mùi vị ấy như thế nào. Bạn có tiền, bạn có thể lựa chọn không đi, nhưng nếu không có tiền thì bạn chỉ có thể ở nhà mà thôi.
Trong thế giới này, nếu một người với tinh thần chán nản, suy sụp, ngày ba bữa cơm cũng không đủ ăn thì dù thế nào cũng không thể đặt anh ta cạnh hai chữ “thành công” được. Nhưng điều quan trọng nhất không nằm ở sự giàu có. Khác biệt lớn nhất giữa người có tiền và không có tiền, đó là nguồn năng lượng và trạng thái tích cực mà người ta đạt được trong quá trình không ngừng phấn đấu vươn lên. Đó còn là thế giới bao la mà trên con đường cố gắng đầy vất vả ấy, người ta đã được chiêm ngưỡng và trải nghiệm. Những giá trị to lớn đó chỉ có người dám khổ sở, dám vất vả để thành công mới có được.
Tôi đã từng có chung quan điểm với người họ hàng của mình, vì tôi thấy cuộc sống của những người thành công xung quanh mình rất giản dị. Họ mặc những bộ đồ cotton bình thường, ăn những món chay thanh nhẹ, thậm chí đi bộ thay vì ngồi xe. Mãi cho đến khi đọc được một đoạn văn như thế này, tôi mới chợt hiểu ra:
“Rất nhiều người không hiểu, một cô gái vì sao phải nỗ lực như vậy, chẳng phải cuối cùng đều sẽ phải quay về sống ở một thành phố bình thường, làm một công việc bình thường, lấy chồng sinh con, rồi lại quanh quẩn giặt giũ, nấu nướng, chăm sóc chồng con hay sao?”
Tôi thì nghĩ rằng, chúng ta kiên trì là vì: Cho dù một ngày nào đó phải đối mặt với những thứ phiền não khiến ta kiệt sức, nhưng vì ta đã kiên trì rèn giũa và cố gắng nên tâm trạng sẽ khác nhau; cùng sống trong một gia đình nhưng không phải ai cũng có tư tưởng và cảm xúc như nhau; cùng một thế hệ con cháu nhưng sẽ có trải nghiệm không giống nhau.
Ý nghĩa của sự cố gắng không chỉ nằm ở việc ta kiếm được bao nhiêu tiền, địa vị xã hội ra sao mà quan trọng hơn là nó khiến chúng ta nhìn thấu được chính mình, nhận ra bản thân mình còn có một mặt khác như vậy: có thể mạnh mẽ vượt qua bao chông gai, có thể bùng nổ một sức mạnh tiềm tàng to lớn, có thể chối từ sự an bài của số phận để tự mình quyết định theo cách mình muốn…
Cuối cùng ta vẫn có thể trở thành một con người tốt đẹp như thế.
từ “Không sợ chậm Chỉ sợ dừng” (Vãn Tình) – cuốn sách giúp bạn hiểu được sức mạnh của tính kỷ luật và tự giác để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
-ST-