Cẩn thận khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ – Chăm sóc trẻ khi bị sốt

Cẩn thận khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ – Chăm sóc trẻ khi bị sốt. Mới đây, một bệnh nhi 27 tháng tuổi ở Phú Thọ bị hôn mê sau khi vào viện với dấu hiệu ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều. Trước đó, người nhà đã cho bé uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg với liều lượng 4 viên/ngày khi bé sốt cao. Chỉ 2 giờ sau khi vào viện, bệnh nhi rơi vào hôn mê, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao. Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp bệnh nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan. Quá đau lòng khi một loại giảm đau, hạ sốt thông thường và phổ biến nhất hiện nay, được bán mà không cần sự kê đơn của bác sĩ, lại được sử dụng quá liều cho một đứa trẻ chỉ hơn 2 tuổi. Quad đây, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố xin giới thiệu đến quý phụ huynh một bài viết hay về chăm sóc trẻ sốt, cách dùng các loại thuốc hạ sốt phổ biến nhất.

Làm gì khi bé sốt?

Thân nhiệt bao nhiêu là sốt?
Bình thường, thân nhiệt tự điều hòa trong khoảng 37oC ± 0,6oC. Bé được xem là sốt khi nhiệt độ hậu môn từ 38oC trở lên.
Hãy đo nhiệt độ cho bé khi thấy bé nóng hơn bình thường (sờ trán, cảm nhận bằng tay thường rất chủ quan, đặc biệt khi bàn tay của bạn mát, thậm chí lạnh khi trời lạnh). Hiện thị trường có nhiều loại nhiệt kế, hãy sử dụng nhiệt kế điện tử bạn nhé; vì nhiệt kế thủy ngân dễ vỡ gây ngộ độc. Đo nhiệt độ ở hậu môn là chính xác nhất. Tuy nhiên, thực tế, bạn có thể đo nhiệt độ ở nách; nhiệt độ này thường thấp hơn nhiệt độ hậu môn khoảng 0,5oC – và như vậy, khi bé có nhiệt độ ở nách trên 37,5oC đã được xem là sốt rồi đấy bố mẹ.

✔Các nguyên nhân gây sốt thường gặp
Nguyên nhân thường nhất của sốt là nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Khi bị tác nhân gây bệnh xâm nhập, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tăng thân nhiệt nhằm thúc đẩy các phản ứng bảo vệ để loại trừ mầm bệnh. Như vậy, sốt không phải là một bệnh, mà là một dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể của bé đang tích cực chống lại tác nhân gây bệnh. Do đó, điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân gây sốt, chứ không phải là hạ sốt bằng mọi cách!

Chăm sóc bé khi sốt thế nào?

Cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo, chỉ cho trẻ mặc một lớp quần áo mỏng bằng cotton để cơ thể tỏa nhiệt làm giảm sốt.

Khi bé sốt nhẹ, hãy cho bé nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm mồ hôi, cho bé uống nhiều nước (sữa, nước lọc, nước hoa quả, nước canh,…) và ăn thức ăn dễ tiêu hóa.

Tuy nhiên, khi sốt quá cao (ví dụ trên 39oC), bé sẽ dễ mất nước và thường rất mệt. Khi đó, bạn mới nên hạ sốt cho bé bằng cách:

Trẻ bị sốt uống thuốc gì?

Thuốc hạ sốt an toàn là Acetaminophen

(# Paracetamol), tên biệt dược là Hapacol, Efferalgan,….

Liều thông thường là 10-15 mg/kg cân nặng của bé cho mỗi lần uống, và 2 lần dùng cách nhau ít nhất 6 giờ.

Bạn cũng có thể tham khảo liều lượng sử dụng ghi trên hộp thuốc. Tuy nhiên, nếu bé của bạn dưới 2 tuổi thì tốt nhất nên dùng thuốc hạ sốt theo liều chỉ định của bác sĩ. Tránh lạm dụng thuốc và dùng thuốc quá liều khi bé sốt cao liên tục – dùng thuốc hạ sốt nhiều hơn liều hướng dẫn ở trên chỉ làm tăng nguy cơ quá liều, ngộ độc thuốc.

Nhớ xem các thuốc đang sử dụng cùng lúc cho bé có chứa hoạt chất hạ sốt không để tránh quá liều. Bạn có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt dạng uống hay nhét hậu môn. Cả 2 dạng này đều có tác dụng hạ sốt, nhưng lại có ưu điểm riêng: khi bé ói nhiều hay đang ngủ, dùng thuốc đặt hậu môn là hợp lý; nhưng nếu bé đang tiêu chảy thì dạng uống sẽ tốt hơn. Chú ý là trong mỗi cữ thuốc hạ sốt, bạn chỉ dùng một trong 2 đường uống hoặc hậu môn; mà không dùng cả 2 đường cùng lúc.?

Dược chất Ibuprofen

(biệt dược Ibrafen, Nurofen, Advil,…) có sẵn trên thị trường cũng có thể giúp hạ sốt; tuy nhiên, nên sử dụng thận trọng theo chỉ định của bác sĩ và không dùng nếu bé của bạn dưới 6 tháng tuổi. Ibuprofen cũng không được sử dụng trong Sốt xuất huyết vì làm tình trạng rối loạn đông máu sẵn có trầm trọng thêm, dễ gây xuất huyết tiêu hóa.

– Lau mát cho bé với nước ấm khoảng 30oC: dùng 5 khăn nhúng nước ướt vừa phải, 4 cái đắp ở nách và bẹn, 1 cái lau phần cơ thể còn lại (tránh bàn tay, bàn chân). Nhớ là chỉ nên lau mát sau khi đã dùng thuốc hạ sốt ít nhất 30 phút nhé bạn! Đừng bao giờ lau bằng nước đá, giấm, rượu hay chanh, vì có thể gây nhiễm độc.

 

Khi nào cần đưa bé bị sốt đi khám?

Khi bé sốt, một số cha mẹ thường “chẩn đoán” ngay là do mọc răng (!) ?. Đừng chủ quan bạn nhé, hãy theo dõi bé sát, và đưa bé đi khám ngay khi có các trường hợp “báo động” dưới đây:

* Bé dưới 3 tháng tuổi, ngay cả khi bé vẫn có vẻ khỏe và sốt không cao.

* Bé 3-36 tháng tuổi: nếu ở một trong các trường hợp sau:
– Sốt trên 38o9C, hay
– Sốt hơn 3 ngày, hay
– Có vẻ không khỏe (ví dụ: quấy khóc, lừ đừ, không chịu uống, …)

* Ở bất kỳ tuổi nào, bạn cũng cần đưa bé đi khám ngay nếu:
– Sốt trên 40oC, hay
– Sốt kéo dài đã 7 ngày (dù không sốt nhiều mỗi ngày), hay
– Có sẵn 1 bệnh lý mạn tính nào đó, hay
– Phát ban mới xuất hiện, hay
– Kèm dấu hiệu nặng (không uống được; nôn tất cả mọi thứ; co giật; hay li bì khó đánh thức), hay
– Có triệu chứng ở cơ quan, bộ phận nào đó (ho nhiều; khó thở; đau tai; đau bụng;…).

Tóm lại, sốt là dấu hiệu cho thấy cơ thể của bé đang nhiễm bệnh và đang tích cực chống lại mầm bệnh. Nhớ cho bé nghỉ ngơi, uống đủ nước và không nên lạm dụng thuốc hạ sốt khi chưa thật sự cần thiết. Hãy theo dõi sát bé và đưa bé đi khám ngay khi có dấu hiệu “báo động” bạn nhé!

 

Những điều không nên làm khi trẻ bị sốt

Quấn kín trẻ
Kiêng ăn uống
Nặn chanh, đổ sả, đổ thuốc vào miệng trẻ khi trẻ đang co giật vì gây sặc, tắc đường thở đưa đến tử vong.
Cạo gió, cắt lễ..

Tham khảo:
http://bvndtp.org.vn/cham-soc-tre-sot-tai-nha/
Healthdirect
BS CK2 Nguyễn Minh Tiến
TS BS Phạm Diệp Thùy Dương
BS Đào Nguyễn Phương Linh
Infographics: Fp Cách Dùng Thuốc
Dr. Nick Nguyễn Cát – CCH Social Media Team

Sponsored Links:

'
'