Hầu như các bé đều trải qua trạng thái tâm lý “Nỗi Lo Chia cắt” khi được gửi đến trường. Trẻ có thể bắt đầu hình thành tâm lý sớm khi bạn đề cập đến nó mặc dù trẻ chưa có khái niệm hay trải nghiệm trước đó. Nỗi lo chia cắt có thể diễn ra vài tuần đến vài tháng.
Biểu hiện thông thường của trang thái tâm lý này là trẻ ít nói, sợ đi học, trước giờ đi học hoặc trong lúc đi học khóc rất nhiều hoặc thường buồn bã khi về nhà. Có thể thấy trẻ ít hoạt bát hoặc ít trả lời câu hỏi của bạn như lúc ở nhà, trẻ có thể sử dụng cụm từ “Con không biết” để trả lời hầu như câu hỏi của bạn.
Nỗi lo chia cắt là một giai đoạn phát triển tâm lý bình thường và xảy ra khi trẻ bắt đầu có cảm giác bị xa nhà hoặc xa mẹ để đến 1 môi trường mới, ví dụ như lớp học. Tuy nhiên, mỗi trẻ có đáp ứng tâm lý “Nỗi lo chia cắt” khác nhau, có bé chỉ mất vài tuần, nhưng có bé phải mất vài tháng đến 1 năm để vượt qua. Nỗi lo chia cắt có thể làm cản trở sự hòa nhập của bé trong môi trường lớp học và vui chơi cùng các bé khác. May mắn rằng nỗi lo chia cắt có thể được làm giảm nếu bạn chuẩn bị cho bé trạng thái tâm lý “Có chuẩn bị”. Những bé được trang bị một tâm lý “sẵn sàng” thường trải qua nỗi lo chia cắt nhẹ nhàng và dễ hòa nhập để học hỏi trong trường lớp, tạo điều kiện cho các kỹ năng khác phát triển nhanh hơn như giao tiếp, chia sẻ, hợp tác và tư duy.
CHUẨN BỊ TÂM LÝ “SẴN SÀNG ĐẾN LỚP” CHO BÉ
GS. Jennifer Kaywork, Khoa Giáo Dục, ĐH Dominican, Mỹ từng chia sẻ 3 kỹ thuật để cha mẹ giúp trẻ chuẩn bị tâm lý sẵn sàng khi đến lớp cho các bé, gồm Nói- Đọc – Chơi.
Thời điểm tốt nhất để áp dụng 3 kỹ thuật này là trước thời điểm đến lớp 2 tháng
Nội dung bài viết:
KỸ THUẬT NÓI:
Trẻ con không cần 1 định nghĩa dài dòng về trường lớp, trẻ cần 1 hình ảnh sống động và nói lên được điều gì diễn ra khi trẻ đi mẫu giáo. Đây là cách để nói trẻ hiểu và quen với trường lớp
1. Hãy tập cho trẻ làm quen dần với 1 lịch trình gần giống 1 buổi trên lớp. Tìm hiểu lịch trình trên lớp của 1 trường mẫu giáo mà bạn muốn gửi trẻ. Ví dụ lịch trình buổi sáng thông thường ở trường là:
7:00 trẻ sẽ đến trường
7:00 – 8:00 trẻ ăn sáng
8:00 – 8:20 trẻ chơi tự do với đồ chơi trong khu vực thảm
8:20 – 9:20 Thời gian kể chuyện cho bé nghe
Không nhất thiết bạn phải làm giống y chang 1 ngày tại trường của bé, chỉ cần 1 buổi và bắt chước các hoạt động này liên tục cách 2 ngày 1 lần để dần trẻ quen với lịch trình này. Ví dụ với lịch trình ở trên bạn nên làm như sau:
*Giúp bé thức dậy đúng 7 giờ mỗi buổi sáng
*Thiết lập bữa sáng trong khoảng 7:00 -8:00
*Mua chiếc thảm và quy định là thảm chơi và thường chơi với bé trong khu vực thảm này. Hãy quy ước 1 số cử chỉ hoặc câu cầu khiến khi chơi. Vi dụ, vỗ tay 1 cái là chúng ta bắt đầu chơi, khi trẻ chơi ra khỏi thảm thì vỗ vỗ xuống thảm để nhắc bé vào lại khu vực thảm, giơ tay khi trẻ muốn hỏi… Điều này giúp bé dần hiểu khu vực này sẽ liên quan đến việc chơi đồ chơi với các mệnh lệnh cầu khiến đi kèm. Nó sẽ giúp trẻ dễ dàng nhận ra có những khu vực trong lớp là khu vực chơi tự do khi trẻ đi đến trường sau này.
*Mua 1 quyển truyện hình khổ lớn và đọc truyện cho bé nghe. Các bạn có thể xem lại cách đọc chuyện ở link cuối bài.
2. Đặt câu hỏi và khơi gợi câu trả lời về định nghĩa trường lớp
Cô giáo là người như thế nào? Làm sao con biết là cô giáo? Con cần nghe lời cô giáo không?
Chơi trò chơi nhập vai là cách hữu hiệu khi nói về vai trò cô giáo và học sinh. Bạn có thể là cô giáo và bé là học sinh. Bạn nói về quy ước trò chơi như cô giáo yêu cầu bé lấy cái gì, thì cô giáo sẽ nói: “Gọi tên bé, con vui lòng lấy … cho cô” và trẻ nên đáp lại “Dạ” và chạy đi lấy cho cô và đưa món đồ cho cô bằng 2 tay. Trò chơi này sẽ dần giúp trẻ làm quen với vai trò xuất hiện của cô giáo.
KỸ THUẬT ĐỌC
Đọc cho trẻ nghe những câu truyện hình ảnh về trường lớp.
Bạn nên chọn mua 1 vài quyển sách nói về trường lớp, bài học về lễ phép dạ thưa, giúp đỡ bạn bè, chia sẻ đồ chơi để đọc cho bé mỗi tối trước khi ngủ. Ví dụ, nội dung quyển sách xoay quanh: chú gấu chào cha mẹ trước khi đi học, vào lớp chào cô và trước về bạn ấy cũng chào cô một cách lễ phép, khi về nhà gặp cha mẹ, bạn ấy chào cha mẹ con đi học về. Bạn có thể hỏi bé về tính cách nhân vật, ví dụ như, “Bin ơi, gấu con đến lớp chào cô giáo, Bin có chào cô không?” Về nhà, Bin có “chào cha mẹ, con đi học về!” không?
KỸ THUẬT CHƠI
Cho trẻ cơ hội làm quen dần với môi trường mới là một cách chuẩn bị tâm lý khá tốt.
Liên hệ với nhà trường xem liệu bạn có thể dẫn bé đến khuôn viên nhà trường chơi để làm quen không. Nếu được, 2 tuần bạn dẫn bé đến khuôn viên nhà trường 1 lần, cho bé chơi khu vực sân trường như bập bênh và cầu tuột để trẻ làm quen với những hoạt động ngoài trời. Thời gian chơi tầm 10 phút hoặc bằng thời gian chơi mà trường đó quy định cho các hoạt động ngoài sân trường.
Dạy trẻ 1 số kỹ năng cần cho việc đến trường như cách mặc quần áo, cách kéo khóa quần hoặc mang vớ. Có thể mua cho trẻ 1 chiếc balo 15 ngày trước ngày đến lớp và dán tên bé lên balo, chỉ cách bé xếp đồ vào balo và khóa lại.
2 tuần trước ngày đến lớp, ở nhà bạn bắt đầu tập bé ngủ trưa đúng lịch trình mà trẻ sẽ có trên lớp. Ví dụ, trẻ ngủ từ 12:30-13:30, bạn ngưng các hoạt động trước đó 1 tiếng và bắt đầu chơi và nói chuyện với bé ở khu vực giường ngủ và giúp bé ngủ trưa.
CHUẨN BỊ TÂM LÝ ĐÊM TRƯỚC VÀ NGÀY ĐẦU TIÊN ĐẾN LỚP
Khi trẻ trải qua giai đoạn chuẩn bị 2 tháng ở trên, một phần nào đó, trẻ sẽ có 1 vài khái niệm và chuẩn bị tâm lý cho những giờ xa mẹ trong ngày. Đêm trước ngày đến trường, bạn nên để bé chọn quần áo sáng mai sẽ mặc, trả lời tất cả câu hỏi của bé về trường lớp (nếu có), soạn đồ chơi và bánh mà trẻ muốn mang theo vào balo và giúp bé đi ngủ đúng giờ.
Sáng ngày đến trường: Bạn giúp bé thức dậy đúng giờ để tránh vội vả vì vội vả có thể làm trẻ trở nên lo lắng. Khi bạn trao bé cho cô giáo và hứa với bé sẽ đón bé vào buổi chiều, bạn chào tạm biệt bé và quay đầu đi, đừng nhìn lại. Trẻ có thể khóc sau đó, nhưng yên tâm, điều này là cần để trẻ vượt qua “nỗi lo chia cắt”. Nếu bạn quay đầu và chia tay bé lần nữa, có thể làm trẻ không thể thiết lập tâm lí để vượt qua “nỗi lo chia cắt”, sự níu kéo và khóc la của bé có thể lớn hơn
ĐIỀU GÌ BẠN NÊN TRÁNH
Tránh dọa bé về thầy cô và sự phạt của thầy cô nếu không nghe lời. Dọa nạt bé không làm bé nghe lời trên lớp mà có thể tạo cảm giác không an toàn trên lớp.
Bình tĩnh nếu bé có biểu hiện “nỗi lo chia cắt” khi đi lớp về vì đơn giản đây là sự phát triển tâm lý bình thường. Trò chuyện với bé nhiều hơn là cách giúp bé vượt qua dễ dàng.
Tránh nói bông đùa theo kiểu: “Bé Bo đi học như chị Suri chưa nè? Sáng dậy sớm theo chị Suri đi học nhen Bo” Nghĩa là trước khi hướng dẫn và kể cho bé nghe định nghĩa về trường lớp, đừng dùng từ trường lớp/đi học để dọa vui bé. Điều này làm bé có sự cảnh giác không cần thiết về việc đi học.
Nguồn: Child Nutrition Foundation