Cho con đi nhà trẻ là tốt cho bé. Tuy nhiên, nếu làm quá sớm hoặc không tâm lý, bé sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe và tinh thần. Chỉ cần nhớ làm đủ những việc quan trọng dưới đây là được.

Những bậc cha mẹ lần đầu cho con đi nhà trẻ thường gặp không ít khó khăn trong việc giúp bé quen với môi trường mới. Để tránh gây cho con quá nhiều xáo trộn đến nhịp độ sinh học của cơ thể, tâm lý lẫn thể chất, mẹ nên áp dụng những kinh nghiệm xương máu lẫn kiến thức bổ ích của các mẹ đi trước và chuyên gia chia sẻ.

Hầu hết các bé thời gian đầu đều không thích đi học. Đa số sẽ khóc liên tục tầm 2 tuần đầu tiên khi đến lớp. Từ tuần thứ 3 trở đi, bé quen dần với môi trường mới và bắt đầu chịu hợp tác với bố mẹ và cô giáo hơn. Với các bé khóc lâu hơn thời gian trên thì mẹ không nên lo lắng quá, chỉ cần áp dụng thêm một số mẹo sau thì sẽ cải thiện đáng kể.

 

Những vấn đề dễ mắc phải khi bắt đầu cho con đi nhà trẻ

 

-Bé không chịu đi, khóc suốt buổi

-Bé đứng cân, sụt ký, bỏ ăn

-Có thể bị cảm bệnh, mắc các bệnh lây nhiễm hay gặp ở trẻ em

-Bé bị bạn bè đánh hoặc bị người lớn bạo hành, làm tổn thương cơ thể

-Về nhà, ban đêm khi ngủ có thể trẻ sẽ quấy khóc liên tục

Cách xử lý đối với các trẻ nhỏ hơn

-Ngày đầu tiên gửi trẻ, mẹ chỉ nên gửi nửa buổi. Theo hướng dẫn của các cô, mẹ nên âm thầm ngồi ở khu vực dành cho phụ huynh để theo dõi con và đánh giá khả năng thích nghi của bé. Buổi trưa, khi cô giáo cho các con ăn trưa xong xuôi thì mẹ hãy đưa con về nhà.

-Tùy từng bé dễ hay khó mà ngày thứ 2-3-4, cô giáo sẽ vẫn để mẹ ở lại theo dõi con hoặc khuyên mẹ nên về. Cứ ăn trưa xong thì mẹ đến đón.

-Chuyện ăn uống khi cho con đi nhà trẻ mẹ cần lưu ý điều gì? Mẹ nên dặn cô giáo nên để con được thoải mái trong chuyện ăn uống. Nếu bé thích dùng thìa thì cho dùng thìa tự xúc ăn. Nếu bé thích được đút hoặc bóc tay thì những ngày đầu cứ chiều theo con rồi sau đó mới dần dần hỗ trợ, chỉ dạy để con thay đổi từ thói quen xấu sang thói quen tốt.

Khi đến đón con, mẹ nên hỏi về tình hình ăn uống trong ngày để biết được bữa tối con nên ăn những gì để ngon miệng, đủ chất, bổ sung dinh dưỡng thiếu hụt của bữa trưa. Nếu thấy con ăn ít, biếng ăn, bị sốt… thì mẹ hãy thật bình tĩnh. Dần dần tình trạng này sẽ được khắc phục thôi. Không nên sợ mà bắt trẻ nghỉ ở nhà ngay.

-Với các bé lần đầu gửi trẻ, mẹ nhớ bổ sung vào thực đơn ăn uống hằng ngày của con những món giúp tăng chất kháng sinh tự nhiên để hạn chế nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm ở môi trường đông đúc trẻ nhỏ như: sữa chua, nước cam chanh, lá tía tô, các loại đậu…

Cho con đi nhà trẻ, mẹ phải thật tâm lý, dùng hết tình yêu và sự thông thái của mình để giúp bé hòa nhập môi trường mới

 

Cách xử lý đối với các bé lớn hơn

1/ Mượn đồ chơi ở lớp để mang về nhà

Mẹ lợi dụng tâm lý dễ chịu của con khi đi đón bé vào buổi chiều để trò chuyện, gần gũi con hơn. Có thể nán lại lớp cùng con một xíu để chơi những trò chơi như nhà banh, ú òa, xếp hình, trò buôn bán, nấu ăn… Có mẹ, con sẽ chơi hăng say mà không sợ sệt nữa. Lúc về, mẹ nói cô giáo cho con mượn 1 món đồ chơi để mang về, sáng mai đi học trả lại. Sáng hôm sau, con khóc lóc không muốn đi học thì mẹ nói là hôm qua hứa đi học để trả lại đồ, bé sẽ ngoan ngoãn vâng lời.

 

2/ Mang đồ chơi con yêu thích ở nhà tới lớp

Mẹ hãy mang theo cho con món đồ chơi mà bé yêu thích nhất để bớt cảm giác cô đơn, lạc lõng khi mẹ đi mất. Việc mang đồ chơi cho con cũng giúp bé có cái để chơi như ở nhà, không bị cảm giác lạ lẫm xâm lấn nên sẽ đỡ khóc hơn rất nhiều.

 

3/ Nói với con rằng nếu con không đi học, bạn thân của con trên lớp sẽ rất buồn

Mẹ cần tìm hiểu xem ở lớp con thân thiết với bạn nào nhất để mỗi khi con không muốn đi học là mẹ có thể dùng đến “chiêu” này: Mẹ nói với con rằng nếu hôm nay con không đi học, bạn A sẽ buồn đó…

4/ Nói với con rằng nếu con không đi học thì phải ở nhà một mình

Mẹ kiên nhẫn giảng giải cho con hiểu rằng: Bây giờ, bố mẹ phải đi làm, nếu con không muốn đến trường vậy thì được rồi, con cứ ở nhà một mình. Các bé rất sợ hoặc ghét phải ở nhà một mình nên sẽ đồng ý đi ngay.

5/ Trò chuyện thật nhiều với con trước khi đi ngủ

Buổi tối, trước khi đi ngủ, mẹ hãy siêng hỏi những câu như: Hôm nay con đi học có vui không? Con chơi với những bạn nào? Bạn đó ra sao? Cô giáo cho con ăn món gì, cho con chơi trò gì? Cô giáo hát có hay không?…

Nếu bé chịu trả lời thì đó là tín hiệu mừng bước đầu khi cho con đi nhà trẻ, còn nếu bé im lặng không biết thì cũng đừng vội nản lòng, hãy cứ kiên trì. Đây là cách mẹ tạo cho bé niềm vui, hứng thú đối với việc đi học.

 

6/ Xem xét lại thật kỹ về cô giáo, trường học

Mẹ hãy quan sát, tìm hiểu nhiều thông tin về trường và cô giáo mà con sẽ theo học. Bên cạnh đó, khéo léo nhờ cô quan tâm đến con nhiều hơn một chút, trao đổi trực tiếp và thẳng thắn với cô về những vấn đề liên quan để tìm ra phương pháp giúp con hoà nhập tốt. Cha mẹ cần làm thật kỹ khâu chuẩn bị bằng cách trước khi đi học nên cho con đến lớp chơi trước để bé làm quen dần với cô, các bạn và không khí trường học. Những ngày đầu khi đi học, cha mẹ nên đến lớp cùng với con, đón con sớm hơn. Nên nhớ cứ có bất cứ việc gì bất thường thì cứ trao đổi với cô giáo vì sự thật về nghề bảo mẫu sẽ khiến mẹ bất ngờ lắm chứ không nên tự suy diễn một hướng rồi lo lắng, cho con ở nhà.

3 sai lầm mẹ nên tránh khi cho con đi trẻ

1/ Mẹ không ở chơi với con quá lâu trong ngày đầu bé đi nhà trẻ. Nếu muốn ở quan sát con kĩ lưỡng thì nên đứng nép ngoài cửa sổ, phòng quan sát camera, đừng để bé nhìn thấy sự có mặt của mẹ.

2/ Không nên để trẻ đi học cách hôm (nghĩa là hôm nay đi, mai lại nghỉ, mốt lại đi). Sự thiếu tính kiên quyết, thiếu ổn định này sẽ khiến bé hòa nhập với lớp lâu và khó khăn hơn với môi trường mới, lười đi nhà trẻ (nhất là với những bé hơi khó tính).

3/ Không nên cho con ăn sáng quá no vì trong những ngày đầu đi nhà trẻ, bé sẽ khóc nhiều. Việc khóc nhiều mà bụng quá no rất dễ dẫn tới nôn trớ. Bé nôn trớ sẽ mệt, đói, ăn ít, mau sụt ký, dễ bị bệnh.

 

Dưới đây là kinh nghiệm “xương máu” của một số mẹ khi gửi con đi nhà trẻ lần đầu

Mẹ 1: Em thì cho con đến lớp rồi mấy buổi đầu ngồi với nó cả buổi. Hết 3 buổi thì em bảo nó là em sẽ đi chợ mất khoảng 1h rồi sẽ quay lại đón nó. Khi nào kim đồng hồ chỉ đến số 11 là mẹ đến đón con. Ngày hôm đó ok vì hắn chỉ phải ở đấy một mình có mỗi một tiếng. Rồi thời gian cứ kéo dài dần ra và hắn quen dần dần. Lần đầu em rời play group, con phải ở một mình thấy tội nghiệp con lắm và thương nó ghê. Rồi khi đến đón nó thấy nó tung tăng chơi đùa với bạn bè thì lại thấy vui. Cái cảm giác bỏ con lại sao mà nao nao thế. Thằng con em nó khóc 1 tuần rồi dần dần khá hơn.

Mẹ 2: Tôi định cho thằng nhóc đi học vào đầu tháng, suốt cả tháng trước đó tôi phải tìm ra nơi cho con đi nhà trẻ ở đâu uy tín và làm công tác tư tưởng cho anh cả. Tôi kể chuyện cho cháu nghe rằng ở lớp có rất nhiều điều hay: đồ chơi đẹp, các bạn, cô giáo với những câu chuyện, bài hát. Cu cậu rất thích thú, hào hứng. Nhưng chỉ đi vài hôm, hết đồ chơi, nhớ mẹ cậu ta lại khóc sướt mướt. Tại sao nó hay khóc thế ko biết? Ở nhà ko ăn cháo, đi học ăn cháo đủ chất hơn nên trông người đỡ còi, về nhà thèm cơm nhưng chỉ ăn cơm ko, hoặc với muối vừng. Có ai có cách gì giúp con tôi ăn thịt cá được ko?

Mẹ 3: Mình cho con đi học từ lúc 19 tháng tuổi. Ngày đầu tiên đến trường thằng bé cười hớn hở, vụt chạy vào lớp làm Mẹ ngẩn ngơ mừng thầm vì con mình dạn dĩ quá. Ngày thứ 2, thằng bé mếu mếu một chút, ngày thứ 3 bắt đầu khóc… đến ngày thứ 5 thì cả hai Mẹ con đều khóc nhưng mình vẫn cương quyết không ngồi vào lớp chung với con mà quay về tuy mặt đầm đìa nước mắt…. những ngày sau thì chịu thua, cho bố ẵm vào, thế là xong vì khi đi ra bố luôn nói: “khóc một chút xíu thôi, có gì đâu” ???

Dần dà con mình dạn dĩ thật sự và bây giờ 3 tuổi thì “Mẹ ơi, thay đồ cho con đi học

Tháng đầu nghỉ 2 tuần, tháng sau nghỉ 3 tuần, viêm họng, ốm nhách… nhưng mấy tháng sau thì đi rất đều và bớt bệnh hẳn. Trước khi đi học không biết hát bài gì, bây giờ thì “hát liên khúc” !!!

Mẹ 4: Mình có 2 bé rồi: bé lớn học lớp Chồi, bé nhỏ còn ở nhà. Hồi bé lớn đi học cũng đau thương lắm. Bé ở nhà với bà được chiều quá mẹ sợ bé hư nên gần 2 tuổi mẹ đăng ký vào nhà trẻ. Hôm đầu mẹ đưa đi bé khóc sướt mướt, cô bảo cứ về đi, chiều đón thì bé có vẻ lanh lợi , nói nhiều (lúc đó bé chưa biết nói rành) nhưng mội rất khô, mắt thì trũng sâu. Được vài hôm như thế thì bé bệnh. Ở nhà một tuần sau đó đi học thêm 1 buổi nữa rồi ở nhà luôn vì bà nội không cho đi học nữa!!! Sau đó lặp lại một lần nữa tận đến khi bé lên 3 mới đi học luôn cho tới bây giờ đấy. và lúc đầu cũng học 3 buổi thì nghỉ 4 buổi!

Bây gời đi học bình thường không sao nhưng tới sáng thứ hai thì khóc. và bé rất sợ cô. Không hiểu sao có mấy lần bé ị trong quần (vì sợ cô la nên mắc ị không dám nói!!! )

Nay bé nhỏ của mình 16 tháng rồi, ở nhà lười ăn quá mình cũng muốn đưa đi nhà trẻ nhưng sợ mới đi học bé hay bị bệnh quá. Mình thấy ở trường cô hay cho nằm đất và ngủ quạt nên bé không chịu được.

Mẹ 5: Người lão làng nhất đây xin chia xẻ chút kinh nghiệm cùng các mẹ. Hồi đó nhóc nhỏ nhà mình 3 tuổi mới gởi trẻ. Lúc đó cháu 17 ký thuộc vào tóp hơi béo đó. Bác sĩ biểu giảm cân, chị nghĩ thầm trong bụng giữ vững lập trường là không giảm, các mẹ biết sao không? Trừ hao mai mốt cháu đi nhà trẻ sụt cân là vừa kinh nghiêm thằng nhóc lớn đó nhà mình đó. Vậy là cháu đi nhà trẻ 3 tháng liên tiếp mỗi tháng sụt 7 lạng mất hết 2ký, đã dự phòng trước rồi mà vẫn bị sốc, ông xã nhà mình sốt ruột quá định cho cháu nghĩ sang năm học lại, mình cũng rất lo nhưng nhất quyết không cho nghĩ học tự an ủi rồi cháu sẽ quen thôi,và từ tháng thứ tư cháu không sụt cân nưã nhưng không lên được trăm nào cứ 15 ký nằm suốt một năm đó các mẹ, bắt đầu năm sau cháu lên cân đều đặn.

Các bệnh hay gặp lúc mới gửi cháu là: rối loạn tiêu hoá (vì chưa quen thức ăn của nhà trẻ) dẫn đến bị tiêu chảy, bị cảm, ho, viêm họng. Nếu đưa cháu đi học sáng sớm các mẹ thoa cho cháu tí dầu khuynh diệp, mặc ấm rồi dần cháu sẽ quen thôi.

 

Phải xa mẹ để đến một môi trường mới, chuyện bé hụt hẫng, lo lắng, sợ hãi, thậm chí là nhiễm bệnh… là điều khó tránh khỏi. Mẹ hãy thật kiên nhẫn, ở bên động viên, khuyến khích bằng tình yêu thương và hiểu biết của mình. Chắc chắn rằng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, bé nhận ra việc mẹ cho con đi nhà trẻ là rất thú vị và sẽ vô cùng hào hứng với nó.