Những yếu tố ảnh hưởng tới kết quả học đàn của trẻ em. Qua bài chia sẻ của anh Tuấn Hải Nguyễn: dạy con học đàn. Gần đây có mấy bạn gọi điện và chat nhờ tư vấn việc học đàn cho con. Thực ra mình không có nhiều kinh nghiệm lắm như nhiều gia đình khác có con học vừa học lâu năm, vừa học giỏi trong khi mình mới chỉ đồng hành được hơn 2 năm với con thôi. Nhưng nói là tôi ko biết mấy thì sợ họ bảo mình kiêu và ghét mình nên thôi mình biết bao nhiêu thì chia sẻ bấy nhiêu, có sai thì xin đừng chửi mình nhé.
Những yếu tố ảnh hưởng tới kết quả học đàn của con:
Nội dung bài viết:
1. Sự quan tâm của phụ huynh
Không biết có phải vì con mình là trẻ tự kỷ cho nên mình phải tìm hiểu để làm hộ nó khá nhiều việc mà nếu để nó tự làm thì cảm thấy nó chưa làm được. Tỷ như tìm kiếm sheet nhạc, sách học nhạc, video chuẩn của các nghệ sĩ chơi bài nào hay nhất, các cơ hội tiếp cận với âm nhạc như cơ hội biểu diễn, tìm các cơ hội nghe hòa nhạc, tìm thầy học, đưa con đi học, nếu có điều kiện về thời gian thì ngồi nghe thầy giảng để xem thầy nhận xét về bài vở và cách luyện tập, giao lưu học hỏi với những người chuyên ngành âm nhạc – kể cả người bán đàn,…. Chí ít cũng phải biết con đang tập bài gì (nhiều phụ huynh mình hỏi thì bảo chả biết con đang chơi bài gì, thậm chí gửi video để nghe thì cũng ko biết có phải là bài con mình đang chơi hay ko)
Thực ra một đứa trẻ giỏi và có khả năng tự học, tự làm được những điều trên là tốt nhất nhưng mình nghĩ nếu phụ huynh quan tâm thì cũng rất hay, ít nhất là với mình, tự nhiên say âm nhạc như điếu đổ (ko như hồi xưa đi nghe nhạc chỉ nhìn đồng hồ chờ… hết giờ). Mà hình như đứa trẻ nào con chơi đàn giỏi thì mình thấy phụ huynh đó cũng rất yêu nhạc và có khả năng cảm thu âm nhạc phết (nghe nó tập cả ngày đâm ra cũng phải tự ngộ thôi)
2. Học theo thầy giỏi
Cái này thì hiển nhiên rồi, người ta nói đi đúng hướng thì dù có chậm thì vẫn tiến về phía trước. Còn đi đâm vào ngõ ngách rồi lại quay ra đi ngõ khác thì dù có đi tốc độ nhanh tới mấy cũng ko đi được xa được. Tuy nhiên, ngay từ lúc bắt đầu mới học từ ABC thì rất khó học được các thầy giỏi dạy bởi vì thường các phụ huynh có con mới học cũng chả biết ai với ai và thế nào là giỏi, cứ đi học thôi. Rồi từ quá trình học dần dần vỡ ra.
3. Sự chăm chỉ luyện tập
95% kết quả của con là do vấn đề này. Nhiều phụ huynh bảo sao con tôi nó lười tập lắm, ngày được 1 – 2 tiếng thôi. Thực ra đứa trẻ con mới bắt đầu học thì đứa nào chả thích chơi & lười học. Chả đứa nào có đam mê ngay từ đầu cả đâu. Đam mê chỉ hình thành bởi quá trình hành động, hành động càng nhiều thì khả năng đam mê càng đến. Nghe nhạc mãi thì tự khắc thấy thích, thấy hay, tập mãi thì cũng thành thói quen. Đi nghe hòa nhạc mãi thì cũng thấy cảm thấy thích (hôm qua đi nghe tới 22h30 mà NÓ ko chịu về, còn chờ người ta tặng hoa xong mới về, chả bù cho mấy ngày đầu đi nghe nhạc nó cứ đòi giục về sớm). Đi biểu diễn nhiều cũng làm cho nó thích tập để có buổi biểu diễn hay cho người khác khen, v.v…. Tất cả các hành động liên quan tới âm nhạc được lặp đi lặp lại nhiều lần thì tự khắc con sẽ có đam mê, mà đã đam mê thì nó sẽ tập 1 cách tự giác ko cần giục. Cho nên, lại là vấn đề phụ huynh, hãy cho con tiếp cận với âm nhạc càng nhiều càng tốt (nghe nhạc online-offline, đi biểu diễn, mỗi ngày tăng thêm 1 tý giờ tập thì có thưởng,…) sẽ làm cho con dần dần yêu âm nhạc hơn các thứ khác thì việc tập đàn sẽ được như ý.
4. Nghe nhạc thường xuyên
Như nhiều nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng thường nói là chơi nhạc thì bằng tay nhưng thực ra để chơi hay thì cái tai mới là quan trọng. Làm sao để nghe nhạc mang tính chủ động tích cực chứ ko phải nghe nhạc bị động là cần phải rèn luyện (cái này hồi trước mình có dịch bài về cách nghe nhạc của Barenboin rồi). Để nói về tầm quan trọng của đôi tai trong việc học nhạc thì có lẽ nói ở đây sẽ ko đủ, chỉ biết là việc nghẹ nhạc là cực kỳ quan trọng. Nghe nhạc ko chỉ nghe người khác chơi mà phải nghe được chính các nốt nhạc của mình đánh ra, xem nó đã đúng và có đủ hay hay chưa để từ đó mà biết tự sửa bài.
#HaiAnh_Piano J.S Bach: French Suite No.5 in G major, BWV 816 (Allemande & Courante)Youtube: https://youtu.be/O_aiX1Wo0ekSteinway Community Concert No.3
Người đăng: Nguyen Tuan Hai vào Chủ nhật, 13 tháng 1, 2019
5. Tạo dựng môi trường âm nhạc cho con
Cái này đã được nhắc tới ở trên rồi, ở đây chỉ nhắc lại thôi. Đó là việc đi nghe hòa nhạc hoặc bất cứ Concert lớn bé nào, nghe nhạc những lúc rảnh rỗi, tham gia các buổi biểu diễn lớn bé càng nhiều càng tốt. Điều này ko chỉ mang lại âm nhạc cho các con mà còn đem lại cho các con sự tự tin, sự ảnh hưởng đa dạng từ các phong cách biểu diễn của các nghệ sĩ lớn….
Rất lạ là có nhiều phụ huynh lại ko muốn cho con mình tham gia các hoạt động âm nhạc (có thể họ chê chăng?). Thậm chí có nhiều thầy giáo ko muốn học trò mình đi biểu diễn chỗ khác (trung tâm khác, trường khác, địa điểm khác…). Theo mình, dù lớn hay bé thì người biểu diễn đều phải học cách biểu diễn chuyên nghiệp và hết mình. Nhìn ra nước ngoài thì thấy các nghệ sĩ lớn họ sẵn sàng biểu diễn đường phố (kể cả các nghệ sĩ cổ điển lớn) hay biểu diễn tại những “phòng hòa nhạc” nhỏ xíu chỉ vài chục người nghe thôi.
Ở các trường nước ngoài, nhất là các trường âm nhạc hàng đầu của Mỹ thì các con học nhạc được tham gia biểu diễn thường xuyên với tần suất khá nhiều. Nhưng ở mình thì cả năm may được 1 vài buổi. Nhiều bạn đi thi học kỳ mà run như cầy sấy. Nguyên nhân chính là do ko được tham gia các hoạt động biểu diễn thường xuyên.
6. Đàn tốt
Muốn tạo được âm thanh hay thì không thể tạo được trên cây đàn kém chất lượng được. Người chơi ko thể nghe được âm thanh một cách tinh tế thì làm sao chơi hay được. Không cần phân biệt chuyện chơi chuyên nghiệp hay ko chuyên, đã là chơi nhạc thì mục đích là đem lại cái hay từ âm nhạc. Dĩ nhiên mua đàn cũng phải theo budget của gia đình và khả năng trình độ hiện tại của con. Đàn đóm có thể nâng cấp dần dần theo quá trình học nhưng nếu có điều kiện thì nên đầu tư đàn tốt ngay từ đầu để con có thể phân biệt được âm thanh hay dở ngay từ nốt nhạc đầu tiên mà mình tạo ra.
Trên đây là vài điều đúc cóp, tích lũy được của người có con mới học đàn. Hy vọng sẽ có nhiều bổ sung, sửa đổi từ các phụ huynh có con học nhạc khác để chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau, giúp các con đi đúng hướng, cùng nhau tiến bộ.
P/S: Từ cái hồi ko còn viết về kiến thức bán lẻ, ko còn viết về tư vấn kinh doanh, về kỹ thuât, về nghiệp vụ trong doanh nghiệp thì không viết bài nào dài dài nữa. Tự nhiên hôm nay bị làm sao ấy, viết bài rõ dài .