Làm gì khi bé hay đánh người khác? – Rèn trẻ từ 1 tuổi

Làm gì khi bé hay đánh người khác? Với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, hành vi thường gặp là trẻ không hài lòng gì đó thì đánh, tát vào bố mẹ mình. Đôi lúc chúng ta cảm thấy đó là một hành vi không thể chấp nhận được và lo lắng liệu trẻ có quá bạo lực sau này không.
Làm gì khi bé hay đánh người khác?
Làm gì khi bé hay đánh người khác?
 
Thực ra, trẻ đánh bố mẹ là do trẻ chưa có đủ kỹ năng và ngôn ngữ để điều chỉnh cảm xúc và suy nghĩ, do đó trẻ thường chọn các cách phi ngôn ngữ như la hét, khóc, thậm chí đánh để giao tiếp với bố mẹ của mình.

Làm gì khi bé hay đánh người khác?

1. Với trẻ < 18 tháng tuổi: cha mẹ chỉ đơn giản bỏ qua hoặc không cần để ý các hành vi đánh, tát nếu nó là trường hợp không quá quan trọng. Điều này sẽ làm trẻ cảm thấy nó không có gì hứng thú thì trẻ sẽ tự bỏ hành vi này.
 
Với tình huống nghiêm trọng như tát ông bà, bạn chỉ cần nghiêm giọng nói với bé “con không được làm vậy” và không chơi hay tỏ ra hứng thứ với bé 3 phút, không cần bắt trẻ phải xin lỗi vì thực ra lời xin lỗi không có giá trị với bé lúc này. Điều mà trẻ học trong cách đáp ứng này là cảm giác nhàm chán khi mình vừa làm hành động trên và trẻ cũng tự bỏ.
 
2. Với trẻ từ 18 tháng – 6 tuổi: cách mà chúng ta đáp ứng không phải là la mắng, mà cần cho trẻ hiểu:
 
Nó là không thể chấp nhận. Đơn giản bạn nghiêm giọng và nói: “con không được làm vậy! Mẹ không thích điều này”.
 
Song song đó, dạy trẻ ngôn ngữ để diễn tả điều trẻ muốn cho lần sau. VD, con thích cái này, thì nói là “con thích nó”.
Nếu lần sau trẻ vẫn tiếp tục dùng phi ngôn ngữ. Bạn cần cho trẻ biết kết quả của việc dùng cách phi ngôn ngữ là đồng nghĩa với việc chấm dứt giao kèo.
 
VD. trẻ đang đòi mua một món đồ nào đó và giao kèo của bạn là: “con có thể chọn 1 món. Nói cho mẹ biết con chọn cái nào là được”. Nhưng trẻ cứ kéo dài vòi vĩnh thêm hoặc quăng ném tức giận, bạn cho trẻ biết “quyền chọn lựa của con đã kết thúc!”. Lúc này trẻ có thể phản kháng lại bạn, nhưng cách làm quyết tâm của bạn giúp trẻ học được là cách suy nghĩ và sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt hơn là cách phi ngôn ngữ. Bạn có thể áp dụng Time-out trong trường hợp trẻ phản kháng dữ dội lại bạn.
 
Chuyên gia tư vấn phụ huynh và nhà tâm lý trẻ em Vũ Ngọc Quỳnh Anh (Alicia Vu) chia sẻ, chị từng nhận được câu hỏi từ một phụ huynh về việc trẻ đánh bố mẹ. Chị Quỳnh Anh cho rằng, sau mỗi lần như vậy, phụ huynh có thể hỏi con về lý do bé đánh mẹ. Ví dụ: Con nghĩ gì khi đánh mẹ? Con muốn mẹ chú ý nên con đánh mẹ phải không? Con cảm thấy buồn chán/ tức giận nên đánh mẹ à?…
 
Bởi, theo chuyên gia này, hành vi đánh bố mẹ có thể xuất hiện do trẻ muốn gây chú ý. Thực tế, chính trẻ cũng không ý thức được con muốn gì rõ ràng, chỉ có một cảm xúc thôi thúc bé hãy làm vậy. Do đó, trong trường hợp như vậy, phụ huynh có thể thử hướng dẫn con cách khác. Ví dụ: “Nếu con muốn mẹ chơi cùng, thì hãy nói: ‘Mẹ ơi, mẹ chơi với con’. Không cần đánh mẹ đau”.
 
Chị Quỳnh Anh cho biết, nếu muốn dạy con dùng lời nói thay vì đánh đấm, các phụ huynh phải phản hồi ngay từ khi trẻ còn đang nói. Nhờ đó, để trẻ thấy là cách làm đó hiệu quả. Bởi, nếu phụ huynh không phản hồi cho đến khi trẻ phải đánh bố mẹ, thì tất nhiên lời dạy sẽ không có tác dụng.
 
“Đằng sau mỗi hành động của trẻ đều có nguyên nhân. Không có chuyện “thích đánh nên đánh”. Đằng sau hành động đánh đó có thể là cảm giác sợ bị bỏ rơi, buồn chán, tức giận, tủi thân, lo lắng, sợ hãi… Thay vì chỉ đi tìm cách giải quyết theo công thức chung, cách tốt hơn vẫn là ngồi xuống quan sát xem nguyên nhân thật sự là gì. Tìm cách khắc phục từ gốc rễ sẽ tốt hơn”, chị Quỳnh Anh nhấn mạnh.
 
Theo chuyên gia này, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ cần được giáo dục rằng, bạo lực là sai, làm đau người khác cũng là sai, dù mục đích của con là gì. Có nhiều cách cư xử ôn hoà và văn minh hơn mà vẫn đạt được điều mình muốn. Khi một đứa trẻ được cổ vũ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, chúng sẽ ngày càng hung hăng và hiếu chiến.

Đừng đánh đòn hay quát mắng khi trẻ đánh người thân, hãy hành xử thông minh thế này!

Nguyên tắc đầu tiên: Bình tĩnh

 
Thực tế, việc đánh mắng hay kỷ luật trẻ bằng bạo lực hoặc hình phạt chỉ giúp người lớn khẳng định thế thượng phong, làm cho trẻ thấy sợ hãi và ngày càng tìm cách tinh vi hơn để đối phó, chứ không bao giờ có tác dụng giáo dục thực sự, không giúp trẻ thay đổi nhận thức và hành vi.
 
Theo các nhà tâm lý học, khi trẻ nổi loạn việc đầu tiên bố mẹ cần làm là cố gắng giữ bình tĩnh, đừng bắt đầu nổi nóng theo bản năng vì có nổi nóng cũng vô ích. Không những thế, đôi khi phản ứng của bố mẹ sẽ thúc đẩy tâm trạng của bé, bố mẹ càng tức giận thì bé càng phản kháng lại, hung hăng hơn.
 
Giữ bình tĩnh sẽ giúp phụ huynh nhìn nhận thấu đáo vấn đề, xem thực sự trẻ đang muốn gì, tại sao trẻ lại như vậy? Tiếp theo, cha mẹ nên bình tĩnh hướng dẫn trẻ sử dụng ngôn ngữ để bộc lộ cảm xúc chính xác thay vì đánh, cắn, ném đồ vật hoặc nổi cơn thịnh nộ. Ví dụ như hãy nói “con không vui”, “con thích…”, ” con cảm thấy tức giận”… thay vì đổ lỗi hoặc công kích người khác.
 
Bạn nên nhớ chính cha mẹ sẽ làm tấm gương tốt để giúp con cái noi theo. Trẻ em từ nhỏ có xu hướng bắt chước hay học theo những gì người lớn làm mà chưa phân biệt được điều đúng sai. Vậy nên, dù khó đến mức nào, bạn cũng cần cố gắng trước, nếu bạn có thể giữ bình tĩnh và kiểm soát được cảm xúc của chính mình, bạn có thể làm gương cho con mình và dạy con làm điều tương tự.

Nguyên tắc thứ hai: Hiểu biết

Trong quá trình phát triển, các bé sẽ dần nhận thức được vai trò, “sự lợi hại” của tay chân, chẳng hạn như tay có thể đẩy ngã được một ai đó, chân đá làm di chuyển đồ vật… và tạo nên sự hiếu kỳ, thích thử nghiệm.
 
Đôi khi một số bé (đặc biệt là các bé nhỏ từ 1-3 tuổi) sử dụng hành vi bạo lực như “đánh” hoặc “đẩy” người khác chỉ để kiểm tra chức năng của cánh tay hay thể hiện cho người khác thấy vì muốn được khen, được công nhận là mình làm được chứ không hề biết rằng đó là hành vi xấu không nên làm.
 
Hay bé khoảng 2 tuổi vẫn chưa học cách diễn đạt hoàn chỉnh, khi muốn chơi với những đứa trẻ khác, bé có thể dùng cách “bạo lực” như xô đẩy để thể hiện nhu cầu của mình.
 
Trong trường hợp này, nếu các bà mẹ hiểu nhầm loại hành vi này là hành vi bạo lực, chỉ trích nặng nề hoặc dùng bạo lực để chấm dứt bạo lực thì sẽ có tác dụng ngược.
 
Do đó, bố mẹ nên hiểu rõ về giai đoạn phát triển của trẻ, đừng nặng lời mà đánh trẻ vào thời điểm này vừa tội nghiệp trẻ, vừa có thể khiến trẻ sợ hãi và ấm ức vì chưa hiểu nguyên nhân tại sao mình bị đánh mắng. Tốt nhất bố mẹ cần nghĩ ra những cách khác để giải quyết hành vi của trẻ, chẳng hạn như dạy trẻ chơi trò chơi vận động để sử dụng đúng các chức năng của tay chân mà không gây tổn hại đến người khác, đồng thời dần dần phân tích để nói cho trẻ hiểu rằng thế nào là bạo lực và không nên lặp lại.

Nguyên tắc thứ ba: Đồng cảm

Người lớn vẫn có lúc mắc lỗi, vẫn có những thói quen xấu khó sửa đổi huống chi là trẻ con, chưa kể ai đó đã từng nói “trẻ khủng hoảng là để trưởng thành”.
 
Do vậy khi trẻ nổi loạn, người lớn cũng cần phải cảm thông và suy nghĩ từ góc độ của trẻ chứ không nên chỉ biết chìm đắm theo cảm xúc cá nhân rồi đánh mắng trẻ bởi thực tế thường phản tác dụng, thậm chí còn khiến tình hình ngày càng trầm trọng hơn.
 
Nếu bạn thoát khỏi hoàn cảnh của chính mình, đứng từ vị trí của trẻ em để hiểu tại sao trẻ lại nổi loạn và hướng dẫn trẻ nhẹ nhàng, chắc chắn bạn sẽ nhận được kết quả tốt đẹp hơn. Hay đơn giản, bạn hãy thử nghĩ tới tuổi nhỏ của mình năm xưa để thấu hiểu và dễ thông cảm với những hành động của con hơn.
 
Ngoài ra, cha mẹ nên dành thời gian để yêu thương chăm sóc bé, chơi đùa cùng bé, sẵn sàng là điểm tựa ấm áp và tin cậy cho trẻ tìm đến mỗi khi cần. Thêm nữa, chúng ta cần tránh cho bé tiếp xúc hay nhìn thấy những hành vi bạo lực từ môi trường xung quanh, đồng thời cũng không nên trừng phạt bé bằng một hành vi bạo lực khác của người lớn. Thay vào đó, cha mẹ và người thân nên cho bé tiếp xúc với những lời nói nhẹ nhàng, những cử chỉ âu yếm thể hiện tình cảm, yêu thương nhau… Có như vậy, trẻ mới bớt nổi loạn và có những phát triển lành mạnh, đúng đắn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Sponsored Links:

'
'