Khủng hoảng tuổi lên 3 – Bố mẹ cần làm gì để con vượt qua ?

Đây là bài viết 12 / 34 trong series Nuôi dạy trẻ nhỏ

Khủng hoảng tuổi lên 3: điều hoàn toàn bình thường. Bài viết dành cho cha mẹ có con tuổi lên 3 hoặc có con lớn hơn nhưng con chưa biết kiểm soát cảm xúc.

Khủng hoảng tuổi lên 3 là gì?

Trẻ lên 3 sẽ trải qua một cơn khủng hoảng tâm lý. Ở độ tuổi này, trẻ đã nhận thức được mình là một cá nhân độc lập và cố gắng khẳng định sự tự chủ trong mọi hành động.

Khủng hoảng tuổi lên 3 là một dấu mốc phát triển hoàn toàn bình thường và tất yếu của trẻ. Cũng như các giai đoạn khủng hoảng khác trong cuộc đời, trẻ sẽ học cách giải quyết được các vấn đề và phải cố gắng vượt qua nó thì mới có thể phát triển bình thường, cứng cáp và có đủ kỹ năng để sẵn sàng đối mặt với những giai đoạn khủng hoảng về sau.

Khủng hoảng tuổi lên 3 - Bố mẹ cần làm gì để con vượt qua ?
Khủng hoảng tuổi lên 3 – Bố mẹ cần làm gì để con vượt qua ?

Nguyên nhân của khủng hoảng tuổi lên ba.

Nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng tuổi lên 3 chính là do sự mâu thuẫn giữa năng lực cá nhân và nhu cầu của trẻ.

Khi lên 3 tuổi, trẻ bắt đầu ý thức được khả năng của mình: các cơ quan vận động cũng như kỹ năng vận động phát triển hơn. Bé sử dụng các cơ ngón tay khéo léo hơn. Ngôn ngữ và khả năng diễn đạt mong muốn của bản thân cũng tiến bộ hơn. Trẻ tích lũy được nhiều kiến thức về thế giới xung quanh hơn, và có khả năng tự phục vụ mình,…

Lúc này, trẻ cũng bắt đầu phát triển ý thức độc lập và có nhu cầu muốn khẳng định bản thân. 

Một lý do nữa là ở giai đoạn này, khả năng ngôn ngữ của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Chính vì thế, các bé chưa biết cách diễn đạt trọn vẹn những mong muốn của mình với người khác. Điều này sẽ gây ức chế cho trẻ, khiến trẻ dễ dàng nổi cáu, bướng bỉnh và hay la hét.

Những biểu hiện của khủng hoảng tuổi lên ba.

Phản ứng tiêu cực

Thông thường trẻ sẽ nghe lời và làm theo những yêu cầu, chỉ dẫn của bố mẹ. Nhưng ở giai đoạn này, trẻ không nghe lời và có phản ứng chống đối vô cùng mạnh mẽ, tiêu cực.

Bướng bỉnh

Trẻ khẳng định về một vấn đề gì đó liên quan đến thế giới quan của mình và nhất định không đồng ý với cách giải thích khác, thậm chí chống đối lại sự hướng dẫn, quy tắc, lối sống của người lớn.

Ngoan cố

Trẻ kiên quyết nghiêng về phía sự thỏa mãn, đòi hỏi của bản thân. Nhiều khi trẻ đòi làm cho bằng được, không phải vì thật sự thích mà là muốn bố mẹ phải chịu thua mình.

Ích kỷ

Trẻ tỏ ra ích kỷ và chuyên quyền với mọi thứ xung quanh, muốn tất cả phải thuộc về mình và không muốn chia sẻ với bất kỳ ai.

Ăn vạ

Khi không đạt được điều mong muốn, trẻ phản kháng bằng cách khóc lóc, mè nheo, thậm chí đập phá đồ đạc, tự làm mình bị thương để đạt được mục đích. Đây là sự phản kháng mang tính chất ngang ngạnh và cố chấp nhất.

Tự tiện và tò mò

Đây được coi là biểu hiện muốn thoát khỏi sự quản lý của người lớn. Trẻ tự mình quyết định làm gì đó mà không cần sự đồng ý của bố mẹ.

Chẳng hạn như tự cắt tóc, tự chọn quần áo mặc, lấy son vẽ lên tường,…

Vô lễ với người lớn

Khi không vừa lòng với điều gì đó, trẻ bắt đầu nói trống không hoặc nói hỗn với người lớn. Một số trẻ thậm chí còn cấu véo, cắn, giơ tay đánh bố mẹ.

Khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3 kéo dài trong bao lâu?

Giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 thường kéo dài từ khi trẻ 3 tuổi đến 4 tuổi rưỡi với mức độ và cường độ khác nhau, tùy thuộc vào tính khí của mỗi bé.

Biện pháp khắc phục khủng hoảng tuổi lên 3

Để cùng con vượt qua giai đoạn này, bố mẹ có thể tham khảo một số gợi ý sau:

1. Không la mắng trẻ

La mắng là việc làm mà người lớn thường đem ra sử dụng những lúc trẻ nhỏ không nghe lời. Tuy nhiên, hành động này lại gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý bé nhiều hơn. Mặc dù bạn có thể nhận ra dẫu cho việc này có thể làm cho con nghe lời bạn ngay lập tức.

2. Hãy lắng nghe trẻ

Trẻ nhỏ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn khi biết được người lớn đang lắng nghe những gì bé đang cố gắng bày tỏ. Nếu con tỏ vẻ khó chịu vì bạn không mua món đồ chơi mà bé thích trong lúc đi siêu thị, hãy nói với con về một điều gì đó. Bạn có thể đánh lạc hướng bé sang một hành động khác đang diễn ra. Hoặc bạn có thể nói với con rằng “ Món đồ chơi đó hôm nay bác chủ không bán đâu. Tuần sau mình sẽ mua nhé!”

Dẫu cho điều này không thể thỏa mãn sự thôi thúc của trẻ về món đồ chơi nhưng cũng sẽ giúp làm giảm cảm giác tức giận và xoa dịu bé phần nào.

3. Cố gắng giải thích

Thường thì một em bé 3 tuổi sẽ không hiểu được tại sao mình lại không được làm gì đó. Trẻ sẽ thấy rõ ràng rằng việc làm đó giúp trẻ rất vui, nhưng không hiểu sao bố mẹ lại không cho làm. Mỗi lúc như vậy, bố mẹ hãy cố gắng giải thích đơn giản nhất cho con. Ví dụ, con thích cắn bạn cùng lớp. Mẹ hãy nói “Con cắn sẽ làm các bạn bị đau, các bạn sẽ rất buồn và khóc nữa..” Dần dần bé sẽ hiểu được những việc mình làm ảnh hưởng đến người khác, và không tốt chút nào.

4. Đưa ra nhiều sự lựa chọn để con chọn lựa

Khi trẻ 3 tuổi không chịu làm hoặc ngừng làm một hành động nào đó, vấn đề thường nằm ở khả năng kiểm soát của chính bố mẹ. Nếu bé đã quen với việc mình chỉ cần khóc một chút là sẽ có tất cả mọi thứ, đã đến lúc bạn cần đưa ra giải pháp cứng rắn cho điều này.

 

Nếu bé tỏ ý muốn chơi đồ chơi, bố mẹ hãy cho con lựa chọn nhưng với giới hạn từ 2 – 3 món. Kiên quyết nói không dẫu trẻ tỏ ra muốn được đưa thêm.

5. Chú ý đến trẻ nhiều hơn

Tình trạng khủng hoảng tuổi lên 3 khiến trẻ nhỏ sẽ làm mọi cách để thu hút sự chú ý từ người lớn. Bạn có thể nhận biết điều này qua việc con thường xuyên chen vào giữa bạn và máy tính khi bạn đang làm việc, hoặc ngắt ngang khi bạn đang nói chuyện với người khác. Dĩ nhiên, người lớn cần phải hoàn thành những nhiệm vụ hàng ngày và không phải lúc nào cũng có thể chơi đùa với con.

Do đó, nếu bé tỏ ra muốn được bạn quan tâm đến, hãy tạm dừng việc đang làm trong chốc lát để ôm con và hỏi xem trẻ có cần uống nước hoặc ăn gì đó không.

6. Tác dụng của những cái ôm

Trẻ trong độ tuổi lên 3 cần rất nhiều cử chỉ yêu thương từ người lớn, ngay cả khi bạn đang làm gì đi chăng nữa. Hãy luôn sẵn sàng dành cho trẻ những vòng tay âu yếm, ôm chặt con và luôn nói: “Bố mẹ yêu con” dẫu cho lúc ấy bé chưa hẳn ngoan ngoãn.

7. Tập cho con nghe lời người lớn

Thực tế là chẳng ai sinh ra đã ngoan ngoãn ngay mà điều này cần đến quá trình rèn luyện. Tình trạng khủng hoảng tuổi lên 3 sẽ thôi thúc nhu cầu chứng tỏ bản thân của bé khiến trẻ thường xuyên phản đối lời bố mẹ.

Mẹo nhỏ cho việc dạy con nghe lời là làm cho bé cảm thấy tự hào và vui vẻ khi nhận được lời khen từ mọi người xung quanh. Hãy yêu cầu bé làm việc gì đó, như mang giúp đồ cho mẹ chẳng hạn. Khi bé làm tốt, hãy khen con ngay lập tức. Điều đó giúp trẻ chú ý hơn đến những lời từ người lớn.

8. Áp dụng time-out

Time-out là hình thức phạt khá phổ biến mà không cần đến việc phải la hét trẻ nhỏ. Khi bé không ngoan, hãy bế con đến một khu vực yên tĩnh trong nhà và để bé ở đó trong vòng 10 – 15 phút dẫu cho trẻ có la hét thế nào đi chăng nữa. Nói với con rằng bố mẹ chỉ cho phép bé quay lại chơi nếu như trẻ chịu kiềm chế và nghe lời người lớn.

9. Cố gắng tìm những cách phạt không đòn roi

Hãy tìm hiểu và thử tất cả những cách phạt không đánh đòn nhưng lại có hiệu quả trong việc giúp bé yêu bình tĩnh hơn. Hãy cố gắng khuyến khích những hành vi đúng.

10. Làm gương cho con

Sẽ có những lúc trẻ khiến bạn vô cùng tức giận, nhưng cho dù thế nào đi nữa, hãy cố gắng giữ bình tĩnh với con. Ở độ tuổi lên 3, bé thường quan sát và lặp lại mọi thứ mà bố mẹ thực hiện hoặc nói. Do đó, bạn hãy cố gắng trở thành hình mẫu tốt đẹp để bé học tập và làm theo.

 

Đôi khi khủng hoảng tuổi lên 3 xảy ra mà không có bất kỳ tác động tiêu cực rõ ràng nào. Việc xuất hiện của những phẩm chất như ý chí, sự độc lập và niềm tự hào về thành tích là một dấu hiệu chắc chắn về sự phát triển đầy đủ của trẻ ở giai đoạn tuổi này.

Sponsored Links:

'
'