Bài 2: Tôn trọng là gì? Làm thế nào để giáo dục con biết tôn trọng?

Đây là bài viết 10 / 34 trong series Nuôi dạy trẻ nhỏ

Tôn trọng là gì?

Tôn trọng là sự đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của người khác, thể hiện lối sống văn hóa của mỗi người. Tôn trọng là một trong 12 giá trị sống được đưa ra bởi Unesco.

Tôn trọng là gì?
Tôn trọng là gì?

“Bẩm sinh con người ta đã là một vốn quý giá. Mọi người trên thế giới kể cả bản thân tôi đều có giá trị và có quyền được sống với sự tôn trọng và có nhâm phẩm”

Nhưng thật khó để bố mẹ giải thích cho một đứa trẻ 2 tuổi thậm chí 7 tuổi thế nào là tôn trọng. Muốn muốn giáo dục con biết tôn trọng, bố mẹ cần tìm hiểu những biểu hiện của sự tôn trọng được viết sau đây:

1.Tôn trọng bản thân

Tôn trọng bản thân đơn giản chỉ là biết nghĩ tốt về mình, điều đó giúp bạn cảm thấy tự tin hơn. Sự tự tin sẽ giúp bạn yêu thương bản thân hơn – cứ thế, tất cả như những mắc xích liên kết với nhau. Khi tất cả có thể hỗ trợ nhịp nhàng với nhau, bạn sẽ có thể đạt được mọi điều mình mong muốn. Sau đây là một số biểu hiện của việc biết tôn trọng bản thân.

Tự nhận thức bản thân: Cần hiểu rõ bản thân mình. Bạn biết mình thích gì? đi đâu?. Đam mê cái gì?. Nếu như bạn hiểu rõ được chính mình, bạn sẽ càng coi trọng mình hơn. Hãy khám phá bản thân mình, tài năng và tính cách của bạn, đây là một việc rất thú vị.

Tha thứ cho chính mình cũng chính là một cách để bạn tôn trọng bản thân: Tha thứ cho những lỗi lầm của mình trong quá khứ, nhận lỗi và xin lỗi người khác, rồi tiến về phía trước. Đừng quá khắt khe với bản thân vi những lỗi lầm, vì điều này sẽ cản trở bạn tiến lên.

Chấp nhận những sự khác biệt của bản thân. Không ai sinh ra là hoàn hảo, vì vậy nếu bạn có những khiếm khuyết nào đó hãy học cách chấp nhận nó. Biến nó trở nên đặc biệt trong mắt mọi người.

Luôn tự tin và duy trì thái độ tích cực. Không bao giờ chạy theo một ai đó, luôn là chính mình. Học cách không đố kỵ.

Có niềm tin mãnh liệt vào sự lựa chọn của chính mình.

Biết đối mặt với những sự chỉ trích.

2. Tôn trọng người khác

Thể hiện sự tử tế và nhã nhặn. 

Sự tôn trọng bắt đầu từ mối quan tâm cơ bản đối với cảm xúc của người khác. Tự hỏi bản thân xem bạn muốn được đối xử như thế nào trong một tình huống cụ thể và cố gắng đối xử với người khác theo cách đó. Hãy cư xử với tất cả những người bạn gặp một cách lịch sự và tôn trọng, bao gồm người lạ trên phố, đồng nghiệp, bạn cùng lớp và người thân.

Cư xử phải phép. 

Khi còn nhỏ, bạn thấy khái niệm về phép xã giao và cách cư xử đúng mực không có ý nghĩa gì, nhưng khi lớn lên, bạn nhận ra những quy tắc này là yếu tố giữ được sự bình yên trong cuộc sống. Cư xử đúng phép tắc là cách tôn trọng không gian và thời gian của người khác.

Đừng phân biệt đối xử.

Hãy tôn trọng tất cả mọi người – không chỉ với người quen hoặc người mà bạn cho rằng có địa vị cao hơn mình. Rất nhiều người dành sự tôn trọng cho đối tượng mà họ muốn tạo ấn tượng tốt, và cư xử thô lỗ với người khác. Câu nói “Bạn có thể đánh giá nhân cách của người khác qua việc họ đối xử với người không đem lại lợi ích gì cho họ”, quả thật rất đúng.

Tôn trọng sự khác biệt. 

Hãy tôn trọng những người khác biệt so với bạn, kể cả khi bạn không biết nhiều về họ. Sự khác biệt của chúng ta là điều làm cho cuộc sống trở nên thú vị; bên cạnh đó, đôi khi bạn cũng có nhiều điểm tương đồng với người khác mà bản thân không hề hay biết. Kể cả khi không biết lai lịch của ai đó, bạn vẫn phải cư xử lịch sự và lễ độ. Bạn không nhất thiết phải yêu mến tất cả những người mình gặp và chắc chắn là không cần tán thành với bất kỳ những gì họ làm hoặc nói, nhưng bạn nên bày tỏ sự tôn trọng.

Tôn trọng mọi không gian chung. 

Tôn trọng bất kỳ không gian nào mà bạn chia sẻ cùng người khác. Nhà ở (nếu sống cùng người khác), trường học, đường phố, trạm xe buýt – những không gian này cũng là nơi quen thuộc với những người khác. Bạn sẽ không hài lòng khi người khác vứt rác ở nơi mà mình thường lui tới; vì vậy, bạn nhớ dọn dẹp rác của mình để giữ sự sạch đẹp cho người khác.

Tôn trọng đồ vật của người khác. 

Bạn sẽ bị coi là thô lỗ và thiếu suy nghĩ khi thoải mái đụng đến bất kỳ thứ gì không thuộc về mình. Hãy xin phép trước khi sử dụng tài sản của ai đó.

Tôn trọng không gian cá nhân. 

Có nhiều loại không gian khác nhau tùy theo tình huống. Phải giữ khoảng cách cần thiết với người lạ (chẳng hạn người đi cùng xe buýt), tốt nhất không bắt chuyện trừ khi họ có vẻ muốn trò chuyện. Bạn bè và người thân thường thoải mái với việc tiếp xúc cơ thể, nhưng điều quan trọng là đảm bảo họ không cảm thấy khó chịu vì điều đó.

Lắng nghe người khác nói. 

Khi chúng ta trò chuyện, việc trở thành một người biết lắng nghe là dấu hiệu cơ bản của sự tôn trọng. Nếu tỏ ra buồn chán hoặc cắt lời người đối diện, bạn đang thể hiện rằng mình thật sự không quan tâm đến những gì họ nói. Tập lắng nghe chăm chú hơn và chờ họ dứt lời trước khi đưa ra phản hồi.

Suy nghĩ trước khi nói.

 Khi đến lượt bạn nói, cố gắng đưa ra lời phản hồi thật tôn trọng. Cân nhắc những gì người kia nói và thể hiện suy nghĩ của bạn mà không hạ thấp ý kiến của họ. Tránh sỉ nhục người khác bằng cách nói những lời thô lỗ hoặc ác ý.

Phản đối một cách tôn trọng. 

Hãy tôn trọng quan điểm của ai đó kể cả khi bạn thật lòng không thể tán thành. Quan trọng là cách bạn phản đối những gì họ nói không được làm mất đi giá trị thật của người đó. 

Đừng suy nghĩ áp đặt về người khác. 

Đừng bắt đầu cuộc trò chuyện bằng nhận định chủ quan về quan điểm hoặc hoàn cảnh của ai đó. Mỗi người là một cá nhân với kinh nghiệm và sự hiểu biết cá biệt về cuộc sống. Đừng trở nên thiếu tôn trọng bằng việc nghĩ rằng bạn biết rõ về người khác trước khi dành thời gian tìm hiểu về cá nhân cụ thể nào đó.


Xin lỗi nếu bạn làm tổn thương ai đó.

Bất luận có cố gắng như thế nào, bạn vẫn sẽ vô tình giẫm lên chân người khác vào một lúc nào đó. Hành động gây đau đớn của bạn sẽ không quan trọng bằng việc bạn phản ứng như thế nào. Nếu nhận ra mình cư xử thiếu tử tế hoặc khiến người khác khó chịu, hãy nhận lỗi và xin lỗi.

Tôn trọng người khác kể cả khi họ không tôn trọng bạn. 

Việc này có vẻ khó, nhưng bạn cần cố gắng thể hiện sự kiên nhẫn và sự nhún nhường. Người khác sẽ học được điều gì đó từ bạn. Nếu người đó vẫn thô lỗ và xấu tính, bạn sẽ bảo vệ bản thân nhưng không trở nên thấp hèn như họ.

Tập thể hiện sự thấu cảm và lòng trắc ẩn. 

Để thật sự hiểu cách tôn trọng người khác, hãy đặt bản thân vào vị trí của họ và cố gắng thật lòng thấu hiểu hoàn cảnh của họ. Bạn có thể lịch sự với người khác mà không cần phải thật sự quan tâm nhiều đến họ, nhưng sự tôn trọng chân thành bắt nguồn từ sự thấu cảm và sự đồng cảm sâu sắc.

I – Giáo dục con biết tôn trọng bản thân

 

Giáo dục con biết tôn trọng bản thân
Giáo dục con biết tôn trọng bản thân
  1. Giúp con khám phá bản thân. Con có những tài năng đặc biệt gì? Sở thích gì? Không thích thứ gì? Giúp con phát huy những điểm mạnh và cải thiện dần những điểm yếu. Tôn trọng sở thích cá nhân của con.
  2. Tạo dựng sự tự tin cho con, khen con mỗi khi con làm việc tốt, động viên con khi con chưa làm được việc, giúp đỡ để con hoàn thành.
  3. Không so sánh con với bạn khác hoặc với anh chị em của mình. Dạy cho con biết chấp nhận và tận dụng những khác biệt của bản thân.
  4. Lắng nghe ý kiến và những sự lựa chọn của con. Nếu ý kiến còn chưa đúng, hãy cố gắng tìm một vài điểm tốt trong đó để khen con trước khi góp ý. Như vậy con sẽ cảm nhận thấy con được tôn trọng, từ đó con yêu bản thân hơn.
  5. Không nói xấu người khác trước mặt con cái.

II – Giáo dục con biết tôn trọng người khác.

Để giáo dục con biết tôn trọng người khác, mỗi người cha người mẹ cần là những tấm gương trong việc thể hiện sự tôn trọng với những người xung quanh.

Bạn không thể dạy một đứa con nói những lời hay ý đẹp trong khi bản thân bạn luôn nói những lời khó nghe với chồng hoặc vợ mình. Bạn chửi mắng người khác thì con bạn không học được cách đối xử tốt với mọi người. Chúng ta không thể dạy con sự tôn trọng bằng cách thiếu tôn trọng những người khác. Những hành vi tự cho mình là trung tâm và thiếu tôn trọng mà chúng ta thấy ở những người trưởng thành hiện nay, đó là vì họ đã không được cảm nhận sự tôn trọng khi còn bé. Vì vậy, để con hiểu được tầm quan trọng của sự tôn trọng, chúng phải được thẩm thấu từ những hành động, ứng xử xung quanh và nhận ra sự tôn trọng là điều đúng đắn và hiển nhiên chứ không phải ép buộc hay gượng ép.

Những hành động cụ thể:

  1. Dạy con biết trả lời lịch sự. Chúng ta thể hiện sự quan tâm và tôn trọng người khác thông qua cách cư xử. Ngay từ khi con tập nói, bé nên biết cách nói “cảm ơn”, “ạ”… Và bạn cũng nên nói những lời đó với người khác để bé học hỏi theo.
  2. Cư xử phải phép: Không nói chuyện quá to nơi đông người, không chen ngang khi xếp hàng, nhờ vả một cách lịch sự và nói cảm ơn.
  3. Không phân biệt đối xử. Đối xử tử tế với tất cả mọi người từ người thân trong gia đình đến những người lạ gặp ngoài phố mặc dù ta không biết họ là ai.
  1. Để con tôn trọng sự khác biệt của người khác, bố mẹ đừng nói chuyện chỉ nhằm vào khuyết điểm hay những đặc điểm khác biệt trên cơ thể của một ai đó.
  2. Dạy con tôn trọng không gian chung: Đừng vứt lại túi nhựa và các loại rác – hãy nhặt lên và vứt vào thùng rác. Nếu vô tình làm bẩn ra đâu đó, bạn hãy dọn dẹp sạch sẽ.
  3. Khen ngợi hành vi tôn trọng mà con làm được.

 

Sponsored Links:

'
'