Tiểu đường thai kỳ là một căn bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu chẳng may bị tình trạng này, bạn cần được điều trị nhanh chóng để ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe có thể xảy đến cho mình và thai nhi. Nắm được các chú ý khi mắc tiểu đường thai kỳ sẽ giúp thai phụ hạn chế tối đa biến chứng của bệnh. Vì đâu mà mắc căn bệnh này? Cùng isuckhoe tìm hiểu ngay nhé!
Nội dung bài viết:
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ (còn gọi là tiểu đường thai kỳ) là tình trạng bệnh lý do bất dung nạp đường huyết, khiến lượng đường trong máu cao ở phụ nữ có thai.
Năm 2013, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại tình trạng tăng đường huyết phát hiện lần đầu ở phụ nữ có thai thành hai nhóm gồm:
- Đái tháo đường mang thai (diabetes in pregnancy): Thai phụ có mức đường huyết đạt tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường, được phát hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ và không mất đi sau khi sinh con.
- Đái tháo đường thai kỳ (gestational diabetes mellitus): Thai phụ có mức đường huyết đạt tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, được phát hiện trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, thường phát hiện nhiều nhất từ tuần thứ 24 đến 28 và tự khỏi sau khi sinh con. Bệnh lý này xảy ra ở 5% phụ nữ có thai.
Dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ
Rất hiếm khi đái tháo đường khi mang thai gây ra triệu chứng rõ rệt. Bệnh chỉ được phát hiện trong những lần thăm khám định kỳ của thai phụ nếu có xuất hiện triệu chứng tiểu đường, bao gồm:
- Tiểu nhiều lần trong ngày;
- Mệt mỏi;
- Mờ mắt;
- Khát nước liên tục;
- Ngủ ngáy;
- Tăng cân quá nhanh so với khuyến nghị.
Tiểu đường thai kỳ gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe của mẹ và bé?
Tiểu đường thai kỳ có thể gây ra các ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi. Cụ thể:
Ảnh hưởng đối với mẹ bầu
Nếu không được điều trị kịp thời, thai phụ bị tiểu đường có nguy cơ sảy thai, đa ối, đẻ non, thai lưu,… cao hơn so với các thai phụ khác. Một số tai biến khi mắc tiểu đường thai kỳ thường gặp là:
- Huyết áp cao: So với các thai phụ bình thường khác, thai phụ bị tiểu đường sẽ dễ bị tăng huyết áp hơn. Huyết áp của thai phụ nếu không được kiểm soát tốt có nguy cơ dẫn đến tiền sản giật, suy gan, thai chậm phát triển, tai biến mạch máu não,… Theo một số nghiên cứu, thai phụ bị tiểu đường thai kỳ sẽ có nguy cơ tiền sản giật cao hơn 12% so với các thai phụ khác. Vì thế, theo dõi huyết áp và chỉ số đường huyết là việc cần thiết với tất cả mẹ bầu, nhất là các mẹ bầu đang bị đái tháo đường.
- Đa ối: Hiện tượng đa ối cũng làm tăng nguy cơ sinh non ở thai phụ.
- Sảy thai, thai lưu: Tỷ lệ sảy thai, thai lưu ở thai phụ bị tiểu đường thai kỳ cao hơn các thai phụ khác và kiểm tra đường huyết thường quy thường được chỉ định với các mẹ bầu thường bị sảy thai tự nhiên liên tiếp.
- Đẻ non: TIểu đường thai kỳ có thể dẫn tới đa ối, huyết áp cao, nhiễm trùng đường tiết niệu. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ sinh non.
- Các ảnh hưởng khác: Nếu không được điều trị kịp thời, thai phụ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ bị các bệnh lý khác như nhiễm trùng tiết niệu, béo phì, tiểu đường thai kỳ diễn tiến thành đái tháo đường tuýp 2 sau sinh.
Ảnh hưởng đối với thai nhi
Tiểu đường thai kỳ có thể gây các ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển của thai nhi. Những ảnh hưởng này chủ yếu xuất hiện ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Cụ thể:
- Thai lưu, sảy thai: Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu, thường xảy ra vào tuần thai thứ 6 – 7.
- Thai to: Thai nhi tăng trưởng quá mức bắt nguồn như nguyên nhân tăng vận chuyển glucose từ mẹ vào thai, từ đó kích thích thai sản xuất insulin, làm tăng nhu cầu năng lượng và kích thích thai phát triển.
Đọc thêm:
Nguyên nhân vì đâu mà mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ?
Mẹ bầu nên đi lại hay ngồi một chỗ?
Phụ nữ mang bầu có nên ăn trứng vịt lộn giúp con mọc lông, tóc tốt?
Nguyên nhân mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ
Trong thời kỳ mang thai, nhau thai có thể tạo ra các hormone gây tích tụ glucose trong máu. Thông thường, tuyến tụy có thể tiết ra đủ insulin để xử lý lượng glucose này. Nhưng nếu cơ thể không thể tạo đủ insulin hoặc có bất thường trong việc sử dụng insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng lên và sẽ bị tiểu đường thai kỳ. Nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của tình trạng tiểu đường thai kỳ. Nhưng chúng ta được các yếu tố làm tăng nguy cơ tiểu đường khi mang thai.
Phụ nữ có nhiều khả năng mắc tiểu đường thai kỳ nếu:
- Có tình trạng thừa cân trước khi mang thai.
- Người Mỹ gốc Phi, Châu Á, Tây Ban Nha, người Alaska bản địa, đảo Thái Bình Dương có nguy cơ mắc tiểu đường khi mang thai cao hơn các nước khác.
- Có lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường nhưng không đủ cao để trở thành bệnh tiểu đường (được gọi là tiền tiểu đường)
- Trong gia đình có thành viên mắc bệnh tiểu đường.
- Phụ nữ đã từng bị tiểu đường khi mang thai trước đây.
- Phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc một tình trạng sức khỏe liên quan đến insulin.
- Phụ nữ bị cao huyết áp, tăng cholesterol, bệnh tim mạch.
- Phụ nữ từng sinh con có cân nặng lớn (nặng hơn 4.5kg).
- Đã từng bị sẩy thai.
- Từng sinh con chết lưu hoặc có một số dị tật bẩm sinh.
- Phụ nữ trên 25 tuổi.