Nếu nói những tranh cãi xung quanh chứng tự kỷ là một cuộc tranh luận lớn thì vẫn là quá nhẹ nhàng. Hơn 5.000 gia đình tại Mỹ đã nộp đơn kiện tòa án đổ lỗi cho các nhà sản xuất các thuốc tiêm vaccine vì các triệu chứng tự kỷ của con họ – bao gồm sự chậm trễ ngôn ngữ nghiêm trọng, các kỹ năng xã hội kém và các hành động lặp đi lặp lại – tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có mối liên quan nào giữa vắc-xin và chứng tự kỷ. Tòa án gần đây đã đổ thêm dầu vào lửa bằng cách bồi thường cho gia đình có một bé gái đã mắc tự kỷ sau khi được tiêm vaccine. Vậy sự thật là gì? Chúng tôi đã thực hiện một buổi phỏng vấn với các nhà nghiên cứu chứng tự kỷ hàng đầu để làm rõ câu hỏi này.
Hỏi: Dịch bệnh tự kỷ dường như xảy ra một cách bất thình lình và không thể dự đoán trước có phải không?
Trả lời: Dịch bệnh có thể là một từ sai. Vào giữa những năm 1970, tỷ lệ tự kỷ được báo cáo là 21 trong số 10.000 trẻ em, hay chỉ có 1 trẻ mắc bệnh trong 470 trẻ. Hiện nay, tỷ lệ này là 65-67 / 10.000, hay 1/150 — tăng lên gấp ba lần trong vòng 30 năm. Với các căn bệnh khác thì sự tăng lên này thực sự đáng báo động, nhưng đối với tự kỷ, các nhà nghiên cứu sẽ không nghĩ đó là dịch bệnh. Nhiều chuyên gia tin rằng sự gia tăng thực tế các ca bệnh tự kỷ (bổ sung vào số tiền thường thấy trong dân số nói chung) là khá nhỏ. Họ nói, sự gia tăng chẩn đoán chủ yếu là do sự hiểu biết rộng hơn về những gì được coi là chứng tự kỷ, nhận thức về rối loạn và sự sẵn có của các dịch vụ cho trẻ em có các triệu chứng tự kỷ.
Để hiểu rõ hơn về lập luận này, hãy xem xét điều này: Nhiều trẻ được xem là tự kỷ ngày nay sẽ được chẩn đoán bị rối loạn ngôn ngữ hoặc chậm phát triển trí tuệ 30 năm trước. Thật vậy, khi số trẻ em bị chứng tự kỷ tăng lên, con số được chẩn đoán là chậm phát triển tâm thần đã giảm. “Các yếu tố này có thể giải thích tất cả sự gia tăng các trường hợp mắc chứng tự kỷ,” chuyên gia về chứng tự kỷ Eric Fombonne, người đứng đầu bộ phận tâm thần học tại Bệnh viện Nhi đồng Montreal cho biết.
Hỏi: Ai là người đầu tiên đưa ra ý kiến vaccine có thể làm trẻ mắc chứng tự kỷ?
Trả lời: Có nhiều giả thuyết nhưng những giả thuyết này không có nhiều dẫn chứng khoa học. Một người đổ lỗi cho vắc xin MMR (sởi, quai bị, và sởi Đức), cho thấy rằng các protein sởi trong mũi tiêm có thể gây hại cho dạ dày của trẻ; thủng ruột có thể làm các mảnh protein được tạo ra trong suốt quá trình tiêu hóa đi tới não và phá hủy nó. Một giả thuyết khác liên quan đến chất bảo vệ vắcxin thimerosal, chứa một dạng thuỷ ngân được gọi là ethylmercury. Một số người tin rằng kim loại nặng gây ra những bất thường phát triển thần kinh dẫn đến chứng tự kỷ, một phần do methylmercury (một hợp chất tương tự thường thấy ở một số loài cá) có thể làm hỏng não.
Tuy nhiên, hơn 10 nghiên cứu so sánh hàng trăm ngàn trẻ em đã hoặc không tiêm vắc-xin MMR đã chứng tỏ rằng nó không làm tăng nguy cơ tự kỷ. Và sáu nghiên cứu so sánh trẻ em được tiêm vắc xin thimerosal so với vắc-xin không chứa thimerosal cũng cho kết quả tương tự. Isaac Pessah, giám đốc Trung tâm Sức khoẻ Môi trường Trẻ em tại Đại học California, Davis, nói: “Nếu 1 trong số 1.000 trẻ bị chứng tự kỷ bị ảnh hưởng bởi văcxin, bạn sẽ không phát hiện ra nó trong những nghiên cứu này.”
Điều đó có nghĩa là cuộc tranh luận vẫn sẽ tiếp diễn. Pessah tin rằng còn nhiều câu hỏi để trả lời, chẳng hạn như khi chủng ngừa và bao nhiêu mũi chích ngừa cho một đứa trẻ cùng một lúc.
Hỏi: Có phải một số đứa trẻ sẽ dễ mắc chứng tự kỷ hơn sau khi được tiêm vaccine?
Trả lời: Hầu hết các chuyên gia đều tin rằng chứng tự kỷ bị ảnh hưởng từ yếu tố di truyền mạnh và đứa trẻ có khuynh hướng từ di truyền sẽ dễ bị mắc bệnh nếu có một cú tác động mạnh nào đó từ bên ngoài – như từ vắc xin, nhiễm trùng hoặc các yếu tố môi trường khác. Tuy nhiên, Pessah nói rằng việc xem vaccine là nguyên nhân duy nhất là một việc hoàn toàn sai lầm.
Hỏi: Nếu thực sự không có mối liên hệ nào giữa vaccine với chứng tự kỷ, vậy tại sao tòa án lại có quyết định gây tranh cãi đối với gia đình có bé gái mắc chứng tự kỷ?
Trả lời: Lý do được đưa ra để giải quyết vấn đề không hoàn toàn rõ ràng. Khi nhiều người cho rằng quyết định này là sự thừa nhận vắc-xin có thể gây ra chứng tự kỷ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã vào cuộc để tranh luận về khái niệm đó. Cơ quan này nhấn mạnh rằng các nghiên cứu không cho rằng có mối liên quan giữa chứng tự kỷ và vắc-xin.
Vụ án liên quan đến Hannah Poling, nay đã 9 tuổi. Khi cô bé 18 tháng tuổi, cô bé đã được tiêm 1 lần 5 mũi vaccine được chỉ định để chống lại 9 căn bệnh khác nhau. Mười tháng sau, cô được chẩn đoán là bị thiếu men ty thể, một loại bệnh di truyền hiếm gặp làm tổn thương não đồng thời xuất hiện các triệu chứng tự kỷ. Câu hỏi đặt ra cho Chương trình Bồi thường Thương tích Vắc xin (VICP), một cơ quan liên bang được thành lập năm 1988 để giúp kiểm soát hàng loạt các vụ kiện chống lại các nhà sản xuất văcxin, là liệu có phải do tiêm chủng nên cô bé mới bị tự kỷ hay không. VICP thừa nhận rằng có thể các vắc-xin đã làm trầm trọng thêm chứng rối loạn tiềm ẩn của cô, gây ra các triệu chứng.
(Theo Health)