Cần làm những gì để trở thành một bác sĩ giỏi -“a good doctor”.

Chia sẻ một bài tổng kết, bài dịch hay về việc Cần làm những gì để trở thành một bác sĩ giỏi. Hầu hết các bác sĩ cho dù mới bước vào nghề hoặc đã có nhiều kinh nghiệm hoặc đã nghỉ hưu… luôn luôn tự đặt ra câu hỏi thế nào là “một bác sĩ giỏi”, tạm dịch sang tiếng Anh là “a good doctor”.

Mở đầu

Có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh chủ đề này cả từ phía các bác sĩ, người bệnh và cộng đồng. Tuy nhiên, tiêu chuẩn cụ thể hoặc tuyệt đối thì rất khó xác định.

Nhiều bức thư cũng đã được gửi tới tạp chí y học nổi tiếng và lâu đời (The BMJ) bàn luận về chủ đề này. Trong số nhiều bức thư gửi tới, The BMJ đã chọn ra một vài bức thư thú vị để công bố [1]. Mặc dù tiêu chuẩn trong các bức thư không giống nhau, nhưng nói chung các tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá thế nào là một bác sĩ giỏi khá tương đồng.

Để giúp các bạn có cái nhìn hệ thống, thú vị và dễ nhớ, tôi xin giới thiệu tiêu chuẩn thế nào là một bác sĩ giỏi được đăng trong bài công bố của The BMJ để các bạn tham khảo.

Một số phẩm chất mà một bác sĩ giỏi cần sở hữu có thể đo lường được, một số phẩm chất khác thì không. Một bác sĩ giỏi nên có những phẩm chất từ A tới Z sau:

A: Attentive (to patient’s need) – Quan tâm nhu cầu của bênh nhân

Bệnh nhân đến viện vì lý do gì, điều gì làm bệnh nhân thực sự khó chịu, một trong những công việc vô cùng quan trọng các bác sĩ phải làm đầu tiên là tìm hiểu, giải quyết, đáp ứng chính xác nhu cầu của bệnh nhân.

B: Believer – Đáng tin cậy

Là người bênh nhân tin tưởng, có thể chia sẻ mọi khó khăn, băn khoăn cho đến mặc cảm.

C: Caring – Chăm sóc

Nhiệm vụ của mỗi bác sĩ, được hiểu chung bằng việc chăm sóc sức khỏe người bệnh.

D: Detective – Thám tử

Một người bác sĩ giỏi giống như một thám tử giỏi, một đối tượng nhìn nhân, phân tích vấn đề, thảo luận giỏi. Là người quyết đoán và tinh tế, biết sử dụng ‘’bằng chứng’’ như một công cụ, chứ không phải là một yếu tố quyết định thực tiễn.

E: Ethical – Là người có đạo đức

F: Friendly – Thân thiện

G: A ‘’Good’’ person – Là một người tốt

H: Honest – Trung thực

Trung thực không chỉ với bệnh nhân mà còn cần trung thực với đồng nghiệp trong mọi vấn đề liên quan chuyên môn.

I: Intellectual – Có trí tuệ

Có kiến thức, khả năng vận dụng kiến thức và hiểu biết vào thực tế, vào từng trường hợp, từng ca bệnh, trên từng bệnh nhân cụ thể.

J: Wise in judgment – Khôn ngoan trong phán đoán

Chẩn đoán chính xác, tư vấn khách quan, cho phép mọi người tham gia tích cực trong tất cả các quyết định liên quan đến sức khoẻ và chăm sóc sức khoẻ của họ, đánh giá từng tình huống một cách cẩn thận và giúp đỡ họ trong bất cứ tình huống nào.

K: Knowledgeable – Hiểu biết

Ngoài những kiến thức chuyên môn thì những kiến thức về xã hội, văn hóa… cũng nên được các bác sĩ quan tâm ở mức độ nhất định.

L: Learner – Học tập

Thường xuyên tự học, trau dồi kiến thức bằng nhiều phương pháp, hình thức khác nhau.

M: Mature – Trưởng thành

Tự biết chăm sóc sức khỏe các vấn đề liên quan sức khỏe của chính bản thân. Bác sĩ cần phải khỏe mạnh, tâm lý vững vàng.

N: Noble – Cao quý

Có hai nghề được xã hội trọng vọng gọi là Thầy, trong đó có Thầy thuốc. Thầy thuốc là một nghề cao quý vì thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng là mang lại sức khỏe, và giành lại sự sống cho người bệnh – ngành nghề gắn liền với sinh mạng của con người.

O: Open minded/Open hearted – Cởi mở

P: Professional – Chuyên nghiệp

Chuyên nghiệp không chỉ thể hiện qua cách thức làm việc với bệnh nhân, đồng nghiệp, mà còn được thể hiện ở cả trang phục, tác phong hằng ngày.

Q: Question self (thoughts, beliefs, decisions, and actions) – Tự chất vấn bản thân (suy nghĩ, niềm tin, quyết định, hành động)

Đứng trước một vấn đề, để giải quyết hiệu quả nó, đều tuân theo trình tự, các bước cơ bản trong hoạt động tự chất vấn nêu trên.

R: Respectful – Tôn trọng

Tôn trọng người khác, người khỏe mạnh cũng như người bệnh tật, bất kể họ là ai.

S: Sensitive – Nhạy cảm

Bác sĩ cần biết khi nào, ở đâu, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cần thiết được hỗ trợ. Biết cách đọc được những tâm sự khó nói, những điều bệnh nhân muốn diễn đạt nhưng xấu hổ, mặc cảm, không đủ can đảm.

T: Teacher & Learner – Dạy và học

Là những người ủng hộ chủ động cho bệnh nhân của họ, trở thành những người có khả năng cố vấn cho các chuyên gia y tế khác. Sẵn sàng học hỏi từ những người khác, đồng nghiệp khác, thậm chí học hỏi từ cả bệnh nhân bất kể tuổi tác, chức vụ của họ.

U: Up to date – Cập nhật

Hãy nắm lấy sức mạnh của công nghệ thông tin và truyền thông để cập nhật kiến thức, đồng thời hỗ trợ bệnh nhân những thông tin tốt nhất có sẵn.

V: Vigilant – Thận trọng

Luôn luôn hỏi các câu hỏi lịch sự, để bệnh nhân được trò chuyện, lắng nghe họ một cách cẩn thận, tránh bỏ sót những thông tin cần thiết liên quan chẩn đoán và điều trị.

W: Willingness to listen – Sẵn sàng lắng nghe.

Y: Yearning – Khao khát

Khao khát được cống hiến trí tuệ, khao khát được nâng cao chuyên môn, nâng cao tay nghề.

Z: Zestful – Say mê

Hãy tìm kiếm những đam mê, niềm say mê thực sự trong nghề nghiệp, đặc biệt là những đam mê phục vụ chuyên môn của bản thân. Thực hiện nó hằng ngày, hoặc khi bạn cảm thấy mệt mỏi, bế tắc. Đây là một trong những cách giúp bạn có thể vượt qua những cơn “khủng hoảng nghề nghiệp”, điều mà có lẽ bất kì bác sĩ nào trong quá trình hành nghề cũng sẽ phải trải qua.

Lời kết

Sự thực hiển nhiên với bất kể ai là nếu đã làm bác sĩ thì đều mong muốn trở thành một bác sĩ giỏi. Nhưng thật không may, trời sinh các bác sĩ cũng chẳng khác những người bình thường là mấy. Bác sĩ chúng ta chẳng có phép thuật, chẳng có năng lực siêu nhiên, và cũng chẳng có điều ước nào mà sau một đêm có thể biến chúng ta trở thành những người bác sĩ giỏi. Tất cả những điều chúng ta có chỉ là đam mê, tình yêu nghề và những cố gắng, những nỗ lực không ngừng – công cụ giúp chúng ta thực hiện mơ ước – mơ ước chung của mọi bác sĩ là “trở thành một bác sĩ giỏi”.

Cuối cùng, chúc cho tôi và các bạn – tất cả các bác sĩ nói riêng và những người làm trong ngành y tế nói chung luôn hạnh phúc, khỏe mạnh để có thể yên tâm, tiếp tục với “sứ mệnh vĩ đại” trở thành người đồng hành với người bệnh, cùng họ đi qua những đoạn đường gian khổ, khó khăn nhất trên cuộc hành trình dài thật dài, hành trình mà chúng ta gọi là cuộc sống!

Tham khảo

1. Rizo C. A., Jadad A. R. and Enkin M. (2002). What’s a good doctor and how do you make one? : Doctors should be good companions for people. BMJ : British Medical Journal, 325 (7366), 711-711.

Hiền Nguyễn1
1 HMU English Club

Sponsored Links:

Trả lời

'
'