Nguyên nhân và cách khắc phục rụng tóc

Đây là bài viết 113 / 121 trong series Kiến thức làm đẹp

Rụng tóc là tình trạng xảy ra khi số lượng tóc rụng đi nhiều hơn số tóc mọc hàng ngày. Nhiều trường hợp rụng tóc nhiều là do tóc không tiếp tục phát triển, dẫn đến hói đầu, thường xảy ra ở nam. Cùng isuckhoe tìm hiểu chi tiết nhé!

Nguyên nhân và cách khắc phục rụng tóc
Nguyên nhân và cách khắc phục rụng tóc

Rụng tóc là gì?

Mỗi ngày, một người trưởng thành có thể rụng từ 50 – 100 sợi tóc là điều bình thường. Rụng tóc là một phần tự nhiên trong chu kỳ phát triển của tóc, một số tóc rụng đi sẽ được thay thế bằng những sợi tóc mới mọc.

Rụng tóc nhiều có thể được ước tính là rụng trên 100 sợi mỗi ngày. Đồng thời, bạn còn nhận ra tình trạng này qua những dấu hiệu như:

  • Phát hiện tóc rụng nhiều ở khắp nơi trong phòng, chẳng hạn như trên sàn nhà, gối ngủ, bồn rửa mặt, bàn trang điểm…
  • Dễ dàng nhận thấy tóc gãy rụng khi chải hoặc vuốt tóc.
  • Bạn thấy đường chẻ tóc trên đầu ngày càng rộng và lộ nhiều da hơn.
  • Tóc mỏng hơn khi sờ vào, đối với các bạn nữ để tóc dài thì sẽ nhận ra đuôi tóc khi cột lên ngày càng nhỏ hơn.
  • Trường hợp nghiêm trọng bạn sẽ nhận thấy da đầu loang lổ, thậm chí là bị hói (Đọc thêm hói đầu ở nữ).

Triệu chứng tóc rụng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rụng tóc

Rụng tóc androgenetic

Chiều rộng phần trung tâm vùng đỉnh rụng nhiều hơn vùng chẩm.

  • Rụng tóc ở nam: Bắt đầu ở thái dương hoặc vùng đỉnh rồi lan ra. Tóc mỏng đi hoặc rụng gần như hoàn toàn.

  • Rụng tóc ở nữ: Tóc thưa dần ở vùng phía trước, 2 bên và vùng vương miện.

Triệu chứng tóc rụng
Triệu chứng tóc rụng

Anagen effluvium

Rụng tóc sau 2 – 4 tuần hóa trị, xạ trị, tiếp xúc với chất độc hoặc viêm. Những tác động này làm gián đoạn sự mọc tóc, khiến tóc rụng nhiều hơn, dẫn đến hói. Khi xạ trị, thường chỉ rụng tóc/lông ở khu vực điều trị. Trong các trường hợp này tóc sẽ mọc lại sau khi kết thúc liệu trình.

Telogen effluvium

Đây là tình trạng tóc mỏng tạm thời. Các sợi tóc lúc đầu vẫn bám chặt vào da đầu nhưng trong vòng 2 tháng, tóc anagen mới sẽ đẩy các sợi telogen chết ra ngoài và tóc rụng nhiều hơn. Rụng tóc xảy ra từ 3 – 4 tháng sau khi bị căng thẳng lớn (tai nạn, mang thai, mệt mỏi nhiều, phẫu thuật, giảm cân quá mức, thay đổi thuốc, căng thẳng tinh thần nghiêm trọng). Hầu hết trường hợp sẽ phục hồi hoàn toàn sau 6 – 9 tháng.

Telogen effluvium mạn tính là khi tóc không có khả năng mọc dài. Mặc dù nó không gây hói đầu, nhưng thường rụng tóc lan tỏa dai dẳng hoặc theo chu kỳ và rụng tóc hai bên thái dương (gây ra trán cao). Thiếu hụt nồng độ hormone tuyến giáp, sắt, vitamin B12 và acid folic cũng có thể làm chậm sự phát triển của tóc.

Rụng tóc từng mảng

Các mảng hói đột ngột xuất hiện trên da đầu. Da đầu có thể ngứa hoặc đau trước khi tóc rụng. Quá trình mọc lại hoàn toàn có thể mất vài tháng hoặc vài năm. Có nhiều dạng rụng tóc từng vùng khác nhau bao gồm rụng tóc từng mảng, rụng toàn bộ tóc trên da đầu và rụng lông trên cơ thể. Nguyên nhân có thể do bệnh tự miễn (hệ thống miễn dịch tấn công các nang tóc và thường là di truyền) hoặc ở những người có rối loạn nhiễm sắc thể (hội chứng Down…).

Bệnh hắc lào

Rụng tóc kèm các mảng vảy trên da đầu, tóc gãy, da mẩn đỏ, sưng tấy và đôi khi có thể bị chảy dịch.

Nguyên nhân dẫn đến rụng tóc

Nguyên nhân phổ biến nhất:

Là rụng tóc nội tiết tố androgen (rụng tóc kiểu nam hoặc kiểu nữ).

Đây là một rối loạn di truyền phụ thuộc vào hormone androgen, trong đó dihydrotestosterone đóng một vai trò chính. Tỷ lệ gặp phải dạng rụng tóc này tăng theo độ tuổi và ảnh hưởng đến hơn 70% nam giới (rụng tóc kiểu nam) và 50% tất cả phụ nữ (rụng tóc kiểu nữ) trên 80 tuổi. Tỷ lệ mắc phải ở người Trung Quốc, Châu Á và người da đen thấp hơn ở người da trắng.

Các nguyên nhân phổ biến khác:

  • Thuốc (bao gồm cả hóa trị liệu);

  • Nhiễm trùng (nấm da đầu, kerion);

  • Rối loạn hệ thống (lupus ban đỏ hệ thống, rối loạn gây sốt cao, thiếu hụt dinh dưỡng và rối loạn nội tiết);

  • Rụng tóc từng mảng;

  • Tổn thương: Các nguyên nhân gây tổn thương bao gồm kéo tóc, chứng rụng tóc từng mảng ly tâm, tật nhổ tóc, bức xạ, bỏng và rụng tóc do stress (ví dụ: sau phẫu thuật).

Nguyên nhân ít phổ biến:

  • Bất thường thân tóc;

  • Bệnh tự miễn;

  • Ngộ độc kim loại nặng;

  • Các bệnh da liễu hiếm gặp (ví dụ: Viêm mô tế bào trên da đầu – thường ảnh hưởng đến đàn ông da đen).

Phương pháp chữa rụng tóc

Phương pháp điều trị rụng tóc bao gồm sử dụng thuốc, phẫu thuật để kích thích mọc tóc và làm chậm rụng tóc.

Phương pháp chữa rụng tóc
Phương pháp chữa rụng tóc

Sử dụng thuốc

Nếu rụng tóc do một căn bệnh tiềm ẩn nào đó gây ra, việc chẩn đoán và chữa trị bệnh lý đó là điều cần thiết. Quá trình điều trị có thể bao gồm các loại thuốc để giảm viêm và ức chế hệ miễn dịch của bệnh nhân, chẳng hạn như thuốc prednisone. Nếu một loại thuốc nào đó có khả năng gây rụng tóc, bác sĩ sẽ khuyên bạn ngừng sử dụng thuốc trong ít nhất ba tháng.

Các thuốc điều trị hói đầu (do di truyền) bao gồm:

  • Minoxidil (biệt dược Rogaine): Đây là một loại thuốc không kê đơn được phê duyệt trong điều trị rụng tóc nam và nữ. Thuốc ở dưới dạng chất lỏng hoặc bọt, bôi lên da đầu hàng ngày. Lúc đầu, thuốc có thể khiến bạn rụng tóc. Tóc mới có thể ngắn và mỏng hơn tóc cũ. Tuy nhiên, bệnh nhân cần kiên trì ít nhất 6 tháng điều trị để ngăn ngừa rụng tóc và để tóc bắt đầu mọc lại. Bệnh nhân cần tiếp tục dùng thuốc Minoxidil để duy trì lợi ích chữa rụng tóc;
  • Finasteride (biệt dược Propecia): Đây là một thuốc cần được bác sĩ kê đơn, được phê duyệt dành cho trường hợp rụng tóc nam. Dạng dùng của thuốc là dạng viên. Finasteride có tác dụng làm tóc rụng chậm hơn với phần lớn nam giới, thậm chí một số người còn nhận thấy có sự kích thích mọc tóc mới. Thuốc này có thể không mang lại hiệu quả rõ rệt cho nam giới trên 60 tuổi. Bệnh nhân cần dùng thuốc Finasteride liên tục để duy trì lợi ích chữa rụng tóc;
  • Các loại thuốc khác tùy trường hợp: Đối với nam giới bị rụng tóc, thuốc uống dutasteride là một lựa chọn phù hợp. Đối với phụ nữ bị rụng tóc, điều trị với thuốc tránh thai và spironolactone có thể ngăn ngừa rụng tóc.

Phẫu thuật cấy tóc

Trong trường hợp bệnh nhân bị rụng tóc vĩnh viễn và thường chỉ có đỉnh đầu bị ảnh hưởng, kỹ thuật cấy tóc hoặc phẫu thuật phục hồi có thể tận dụng tối đa phần tóc còn lại của bệnh nhân.

Trong quá trình cấy tóc, bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ sẽ lấy ra những mảng da đầu nhỏ (mỗi mảng chứa từ một đến vài sợi tóc) ở phía sau đầu hoặc vùng quanh đầu của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ thực hiện cấy nang tóc vào phần hói ở đỉnh đầu. Một số bác sĩ khuyên dùng Minoxidil sau khi cấy ghép để giúp giảm thiểu tình trạng rụng tóc. Đôi khi người bệnh phải tiến hành phẫu thuật nhiều lần để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Mặc dù đã được cấy tóc, hiện tượng rụng tóc do di truyền vẫn sẽ xảy ra. Các kỹ thuật để điều trị hói đầu thường khá tốn kém và gây đau đớn. Rủi ro xảy ra bao gồm chảy máu và để lại sẹo.

Liệu pháp laser

Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt liệu pháp sử dụng laser để chữa rụng tóc do di truyền ở nam và nữ. Một vài nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra rằng, phương pháp này giúp cải thiện mật độ tóc. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh tác dụng về lâu dài.

Sponsored Links:

'
'