Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích bất ngờ nếu bạn hiến máu thường xuyên. Hãy cùng isuckhoe tìm hiểu những lợi ích của hiến máu này.
Nội dung bài viết:
Hiến máu là gì?
Máu là một loại chế phẩm sinh học không thể tổng hợp nhân tạo. Điều này có nghĩa là khi một bệnh nhân cần máu để khắc phục tình trạng thiếu máu nghiêm trọng, nguồn máu duy nhất để cung cấp là từ những người tình nguyện hiến máu hoặc của người thân. Hiến máu được coi là một hành động cao đẹp và ý nghĩa trong việc giúp đỡ cộng đồng và những người khác.
Hiến máu chủ yếu là quá trình hiến hồng cầu, một thành phần quan trọng trong máu. Máu được chia thành hai phần chính: huyết tương chiếm 55% tổng thể tích máu và các tế bào máu chiếm 45% còn lại. Trong các tế bào máu, hồng cầu chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp theo là bạch cầu và tiểu cầu.
Hồng cầu có tuổi thọ khoảng 90 ngày, là tuổi thọ lâu nhất trong số các tế bào máu. Trong thời gian này, hồng cầu được hình thành, thực hiện chức năng của nó và sau đó bị phá hủy trong gan và lá lách. Nói cách khác, tất cả các hồng cầu trong cơ thể đều được sản xuất và thay thế liên tục bởi tủy xương sau khi hoàn thành nhiệm vụ của chúng.
Do đó, việc hiến máu chỉ tốn đi một phần nhỏ lượng máu trong cơ thể của người hiến, trong khi đối với người nhận, nó lại mang đến một “nguồn sống” mới.
Lợi ích của hiến máu
Tạo trạng thái tinh thần tích cực, tâm lý thoải mái
Nhiều nghiên cứu về xã hội học, tâm lý học đã khẳng định, việc hiến máu có thể giúp người hiến máu có những trải nghiệm tâm lý và tinh thần thú vị, có lợi cho sức khỏe:
– Có cảm giác tự hào và hạnh phúc vì đã cứu được người khác. Phần máu bạn hiến được tách thành nhiều thành phần theo nhu cầu của bệnh nhân. Các thành phần đó có thể được truyền cho những người nhận khác nhau
– Tự tin vào sức khỏe của bản thân: Hiến máu là biểu hiện chứng tỏ sức khỏe tốt, chất lượng máu tốt. Niềm tin đó rất có lợi cho người hiến máu.
Hỗ trợ giảm cân
Một số nghiên cứu từ Đại học California tại San Diego chỉ ra rằng với khoảng nửa lít máu hiến tặng bạn sẽ mất khoảng 650 calo đây là tin tốt cho những bạn đang trong quá trình giảm cân.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Hiến máu thường xuyên có thể giúp bạn kiểm soát được hàm lượng sắt. Lượng sắt dư thừa hình thành trong cơ thể có thể gây tổn thương oxy hóa, đây là nguyên nhân chính gây tổn thương mô. Vì vậy, hiến máu không chỉ giúp kiểm soát hàm lượng sắt trong cơ thể mà còn giảm đáng kể nguy cơ bệnh tim nói chung. Ngoài ra, nó cũng cải thiện sức khỏe tim bằng cách làm giảm nguy cơ lão hóa sớm, đột quỵ và đau tim.
Ngăn ngừa bệnh gan và ung thư
Hiến máu giúp giảm gánh nặng tải lượng sắt trong cơ thể. Hàm lượng sắt trong máu cao làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như: ung thư gan, ung thư phổi, ung thư ruột, ung thư cổ họng. Nhờ vào việc hiến máu chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh trên.
Giảm chứng rối loạn do hấp thụ quá nhiều sắt
Chứng rối loạn do hấp thụ quá nhiều sắt xảy ra khi các hồng cầu trong cơ thể mỗi khi chết đi đều giải phóng ra 1 lượng sắt, bên cạnh việc dùng 1 phần vào tái hấp thụ và tái tạo ra máu mới, thì sẽ có 1 phần tồn tại dư thừa trong cơ thể khiến cơ thể bị dư sắt, điều này sẽ khiến cơ thể xảy ra các rối loạn về máu.
Ngoài ra, chứng rối loạn do hấp thụ quá nhiều sắt còn do di truyền hoặc sử dụng quá nhiều chất kích thích hay bị thiếu máu bẩm sinh,…
Vì thế, hiến máu sẽ giúp làm giảm lượng sắt dư thừa trong cơ thể và tạo điều kiện cho việc thải sắt được diễn ra thuận lợi, không còn bị tắt nghẽn.
Kích thích tái tạo tế bào máu mới
Sau khi hiến máu, cơ thể mất đi một lượng lớn hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu. Từ đó, cơ thể sẽ kích thích tủy xương sản sinh tế bào máu mới, bù lại một lượng tương đương tế bào máu đã bị mất.
Được kiểm tra, tư vấn sức khoẻ miễn phí
Trước khi hiến máu, người hiến máu sẽ được kiểm tra và tư vấn sơ bộ về sức khoẻ như đo huyết áp, đo nhịp tim, sàng lọc và biết được nhóm máu cùng các bệnh như virus viêm gan B, viêm gan C, HIV,…
Từ đó, việc hiến máu cũng đồng nghĩa với việc biết về nhóm máu của mình và kiểm tra xem có mắc phải các bệnh truyền nhiễm hay không. Điều này đã giúp nhiều người phát hiện và điều trị các bệnh sớm hơn nhờ quá trình hiến máu.
Ngoài ra, người hiến máu còn được tặng quà lưu niệm hoặc các gói chăm sóc sức khoẻ miễn phí.
Hiến máu có hại không?
Thể tích máu của mỗi người chiếm 1/10 khối lượng cơ thể. Người trưởng thành nặng 50kg có lượng máu khoảng 5000 ml. Trong 1 lần hiến máu, lượng máu cho đi không quá 9 ml/kg (khoảng 450 ml) và không quá 500 ml. Như vậy, máu cho đi không quá nhiều nên không lo ngại thiếu máu, mất máu đột ngột. Hiến máu không gây hại đến số lượng, chất lượng máu còn lại trong cơ thể.
Các chỉ số máu trong cơ thể sẽ thay đổi chút ít sau khi hiến máu. Tuy nhiên chúng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường. Các hoạt động thường ngày của cơ thể gần như không bị ảnh hưởng. Tế bào hồng cầu cũng nhanh chóng sản sinh mới trong vòng 24 – 48 giờ sau hiến máu. Trong vòng 4 – 8 tuần, những tế bào hồng cầu đã mất đi khi hiến máu sẽ được thay thế lại hoàn toàn.
Trong điều kiện hiến máu đạt tiêu chuẩn và sức khỏe tốt, việc hiến máu là an toàn. Nhưng tùy vào thể trạng, hiến máu vẫn có thể gây ra một số phản ứng tạm thời và tác dụng phụ hiếm gặp. Có thể kể đến các phản ứng:
- Chóng mặt, hoa mắt, cảm giác người lâng lâng, buồn nôn.
- Chảy máu ở vị trí gắn kim lấy máu, đau và bầm tím chỗ lấy máu.
- Tụt huyết áp, nôn mửa, khó thở ở người trẻ tuổi hoặc lần đầu hiến máu.
Những phản ứng sau hiến máu không quá lo ngại. Chúng sẽ biến mất trong vòng 24 giờ sau hiến máu. Nếu được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi nhiều thì cảm giác khó chịu đó sẽ sớm hết. Hiến máu không gây hại sức khỏe, không nguy hiểm nhưng cần lưu ý thể trạng sức khỏe để đảm bảo đủ tiêu chuẩn.
Dấu hiệu thường gặp sau khi hiến máu
Rõ ràng hiến máu có tốt không thì câu trả lời là có. Tuy nhiên, việc hiến máu cũng có những phản ứng phụ có thể xảy ra mà bạn nên lưu ý.
Có vết bầm
Khi hiến máu, bạn sẽ ngồi hoặc nằm trên ghế dựa, tay bạn sẽ được đặt trên bàn hay tay vịn ghế bên cạnh. Kỹ thuật viên lấy máu sẽ buộc garô quanh tay bạn để giữ nhiều máu hơn trong tĩnh mạch.
Sau khi sát trùng vùng da dưới khuỷu tay, kỹ thuật viên sẽ đưa một cây kim đã tiệt trùng vào tĩnh mạch của bạn. Kim sẽ lấy và dẫn máu bạn qua ống plastic rồi đến túi trữ máu. Kim sẽ được cố định vào tay bạn trong khoảng 10 phút hay đến khi lượng máu cần lấy đã đủ.
Khi kim đâm vào tĩnh mạch thường sẽ khiến bạn có vết bầm xung quanh chỗ kim đâm. Nhưng bạn đừng lo lắng vì đây là hiện tượng bình thường và xảy ra hầu hết với mọi người hiến máu. Vết bầm ban đầu sẽ là màu tím hay đỏ rồi từ từ sẽ chuyển thành vàng xanh rồi tự biến mất.
Sau khi bạn đã hiến máu, kỹ thuật viên sẽ lấy kim ra khỏi tĩnh mạch và dán băng cá nhân tại nơi tiêm. Họ có thể băng cả cánh tay của bạn để ngăn dòng máu chảy. Bạn nên giữ nguyên như thế ít nhất là 4 hay 5 tiếng để máu có thể ngưng chảy.
Thỉnh thoảng máu vẫn tiếp tục chảy sau khi đã băng sau vài giờ, trường hợp này bạn nên ép mạch máu tại nơi kim đâm và nâng cánh tay lên cao trong 3 đến 5 phút. Nếu máu vẫn không ngừng chảy, bạn nên đến khám bác sĩ ngay.
Sau khi hiến máu, bạn sẽ được quan sát trong 15 phút trước khi ra về. Tại đó, bạn sẽ được nghỉ ngơi, uống nước hay nước trái cây và ăn nhẹ.
Ăn uống và nghỉ ngơi sẽ giúp bạn giảm đi sự choáng váng, đau đầu nhẹ hay buồn nôn gây ra do hiến máu. Đa số mọi người đều trải qua những tác dụng phụ này.
Đau tại chỗ tiêm
Bạn có thể bị đau khi kim đâm vào tĩnh mạch cánh tay nhưng bạn có thể không cảm thấy đau khi máu đã được dẫn vào ống plastic.
Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy đau tại nơi kim đâm vào sau khi hiến máu xong, nhất là khi tay bạn có vết bầm. Bạn có thể uống thuốc giảm đau như acetaminophen nếu cần thiết.
Cảm thấy mệt mỏi
Sau khi hiến máu, bạn có thể cảm thấy cơ thể yếu ớt và mệt mỏi hơn bình thường, đặc biệt là ở cánh tay nơi bạn được lấy máu.
Bạn nên tránh các hoạt động mạnh sau khi hiến máu 5 giờ.