Ngứa họng ho là triệu chứng khá thường gặp, gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của cho bất cứ ai. Hơn nữa đây còn có thể là dấu hiệu của bệnh lý đường hô hấp cần được điều trị sớm. Cùng isuckhoe tìm hiểu ngay nhé!
Nội dung bài viết:
Ho ngứa cổ họng vì nguyên nhân gì?
Ngứa cổ ho khan kéo dài là một trong những biểu hiện cho thấy hệ hô hấp bị kích ứng, có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng phổ biến hơn ở trẻ em và người cao tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa cổ họng, ho khan, cụ thể là:
Cảm lạnh, cảm cúm
Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây ho ngứa cổ họng, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Biểu hiện thường thấy là người bệnh bị ho, ngứa rát cổ họng, mệt mỏi, sổ mũi. Cảm lạnh, cảm cúm có thể tự khỏi sau khoảng 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, những ngày sau đó, người bệnh vẫn phải đối diện với những cơn ho, ngứa rát cổ họng.
Các cơn ho có thể kéo dài từ 1 – 2 tuần hoặc thậm chí 3 tuần. Đây là phương thức hệ miễn dịch phản ứng để chống lại bệnh tật. Cụ thể, các tế bào bạch cầu di chuyển tới chỗ viêm để chống lại các tác nhân gây bệnh nên ngay cả sau khi đã khỏi cảm lạnh, cảm cúm, bệnh nhân vẫn phải đối diện với tình trạng ho ngứa cổ. Ngoài ra, dịch chảy từ hệ thống xoang qua mũi sau xuống thành sau họng cũng gây ho.
Dị ứng
Ho, ngứa rát cổ họng do dị ứng là phản ứng của cơ thể để đẩy bụi bẩn, chất tiết và các vi sinh vật ra ngoài. Bệnh nhân dễ gặp phải tình trạng này nếu cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, lông động vật, thức ăn,…
Ban đầu, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như ho khan, ho thành cơn, ngứa họng,… Sau đó, các cơn ho kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm, không khỏi dù sử dụng các thuốc chống viêm thông thường. Đôi khi, bệnh nhân có biểu hiện rát bỏng ở họng, cay họng, phản xạ co thắt họng – thanh quản gây khó thở,… Nếu không phòng ngừa và điều trị đúng cách thì người bệnh có thể bị viêm nhiễm đường hô hấp.
Mất nước
Mất nước cũng là một trong những nguyên nhân gây ho ngứa cổ họng. Vào mùa hè thời tiết nóng, sau khi tập thể dục hoặc khi bị bệnh, cơ thể sẽ mất nhiều nước hơn so với mức thông thường. Biểu hiện đầu tiên của người bệnh là khô miệng (do miệng và cổ họng không có đủ nước bọt), sau đó dẫn tới cảm giác ngứa rát cổ họng gây ho. Bệnh nhân còn có cảm giác khát khô, nước tiểu sậm màu,…
Viêm phổi, viêm phế quản
Các cơn ngứa họng ho khan về đêm có thể là biểu hiện của bệnh viêm phổi, viêm phế quản. Tình trạng ho sẽ xuất hiện nhiều hơn nếu các cơ quan này bị nhiễm trùng gây bệnh mãn tính. Người bệnh có triệu chứng ho khan, ho có đờm, đau vùng họng, ngứa cổ, sốt, tức ngực, khó thở, ớn lạnh,… Vì vậy, trong trường hợp này, người bệnh cần được thăm khám và điều trị sớm để tránh được những biến chứng nguy hiểm.
Trào ngược dạ dày – thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản dẫn tới tình trạng ợ hơi khi đang ngủ, gây các kích thích ở vùng họng, tạo cảm giác ngứa họng, ho khan hoặc ho có đờm.
Hen suyễn
Tình trạng ho ngứa cổ họng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn. Ở bệnh nhân hen suyễn, niêm mạc ống phế quản bị sưng to và thu hẹp lại, gây tình trạng khó thở, ho khan. Các cơn ho thường xuất hiện về đêm, gây ảnh hưởng nhiều tới chất lượng giấc ngủ, khiến người bệnh mệt mỏi. Nếu tình trạng ho khan xuất hiện nhiều hơn, bệnh nhân có thể đã mắc hen suyễn mãn tính.
Viêm họng
Tình trạng viêm họng thường xảy ra vào thời điểm chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi thất thường. Ngoài ra, viêm họng cũng có thể do các tác nhân khác như: Virus, chất gây dị ứng, trào ngược dạ dày,… Biểu hiện điển hình của bệnh là ho khan ngứa cổ cùng các triệu chứng khác như: Ho có đờm, đau họng, sưng họng, nhức đầu, sổ mũi, sốt, cơ thể mệt mỏi, uể oải,…
Viêm xoang
Ngứa cổ ho khan cũng là dấu hiệu của bệnh viêm xoang mũi. Đây là tình trạng viêm mũi và các xoang cạnh mũi, có thể kéo dài khoảng 4 tuần (cấp tính) hoặc trên 3 tháng (mạn tính).
Ngoài ho ngứa cổ, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như: Đau đầu, đau nhức vùng mặt – trán, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau rát cổ họng khi nuốt nước bọt,… Bệnh viêm xoang có thể gây ra do bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn, có khối u trong mũi hoặc xoang, do các rối loạn di truyền,…
Nguyên nhân khác
Một số yếu tố khác có thể gây ho ngứa cổ họng như: Môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với hóa chất độc hại, thời tiết chuyển biến đột ngột, thường xuyên ngủ trong điều hòa, lạm dụng nước đá, đặc thù công việc phải nói nhiều gây ảnh hưởng tới cổ họng,…
Cách khắc phục ngứa họng ho khan
Để làm thuyên giảm triệu chứng ngứa họng ho khan thì bạn có thể áp dụng các biện pháp sau.
Ăn tối ít và cách xa giờ đi ngủ
Nếu ngứa họng ho khan do bệnh lý trào ngược thì nguyên tắc đầu tiên bạn cần nhớ là không ăn quá no vào buổi tối và không ăn gần sát giờ đi ngủ. Bên cạnh đó, tránh ăn đồ chiên rán, thức ăn nhiều dầu mỡ vì những thực phẩm này khó tiêu, dễ gây đầy bụng, ợ hơi và trào ngược. Khi chứng trào ngược được kiểm soát thì bạn sẽ tránh được tình trạng ho khan, ngứa họng.
Kê gối cao khi nằm ngủ
Để kiểm soát các cơn ho và ngứa họng vào ban đêm thì bạn hãy kê gối cao (từ 15 – 20cm) khi nằm ngủ. Dù đang mắc bệnh lý hô hấp hay bệnh lý trào ngược thì cách này đều mang lại hiệu quả. Bởi khi gối cao đầu thì dịch nhầy sẽ không bị dồn về phía cổ họng hay axit dịch vị sẽ không trào ngược từ dạ dày lên vùng phổi.
Tư thế ngủ phù hợp
Tư thế ngủ tốt nhất để không bị ngứa họng ho khan là nằm nghiêng về một bên. Lúc này, cổ họng được thông thoáng, không bị tác động bởi dịch nhầy nên sẽ không bị kích thích, gây ngứa và ho. Bạn có thể lựa chọn nằm nghiêng về trái hay phải đều được, miễn sao cảm thấy thoải mái và dễ đi vào giấc ngủ.
Tạo độ ẩm trong phòng ngủ
Nếu phòng ngủ sử dụng điều hòa, bạn nhất định phải trang bị máy tạo ẩm để cân bằng độ ẩm bởi điều hòa sẽ khiến không khí bị khô, dẫn đến nghẹt mũi, khó thở, ngứa họng và ho khan. Ngoài ra, đặt một chậu nước hay một vài chậu cây hương thảo, oải hương, húng quế, bạc hà,… trong phòng cũng sẽ giúp cân bằng độ ẩm hiệu quả.
Xây dựng lối sống lành mạnh
Để khắc phục chứng ngứa họng ho khan nói riêng và các vấn đề về sức khỏe nói chung, bạn cần có lối sống lành mạnh bằng cách ăn uống đủ chất, vận động thường xuyên, ngủ đủ giấc, tránh xa căng thẳng. Đặc biệt là nói không với thuốc lá và hạn chế tiêu thụ thức uống có cồn như rượu bia. Có như vậy thì mới cải thiện được hệ miễn dịch, phòng tránh các tác nhân gây bệnh.
Một số biện pháp giảm ho khan, ngứa cổ họng
Hầu hết các trường hợp ho khan, ngứa cổ họng lâu do các nguyên nhân kể trên có thể được điều trị giảm triệu chứng bằng các biện pháp hiệu quả sau:
● Ngậm một thìa mật ong
● Súc họng bằng nước muối
● Kẹo ngậm và siro ho
● Thuốc xịt mũi
● Trà nóng với chanh và mật ong
● Sử dụng thuốc chống dị ứng không kê đơn và thuốc xịt mũi có thể làm giảm ngứa họng do dị ứng.
Bên cạnh đó, chúng ta cần biết cách phòng ngừa cơn ngứa cổ họng và các cơn ho khan, ho lâu ngày bằng cách bỏ hút thuốc lá, uống nhiều nước, hạn chế chất kích thích như rượu bia và giữ vệ sinh đường hô hấp đặc biệt là trong mùa thời tiết nhạy cảm và trong môi trường chứa nhiều nguy cơ gây bệnh về đường hô hấp.
Khi nào cần gặp bác sĩ thăm khám chữa ho khan đau họng lâu ngày?
Bệnh ho khan, ngứa họng là tình trạng bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu coi thường và không điều trị kịp thời sẽ khiến bệnh ho khan sẽ trở nên dai dẳng và ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.
Các dấu hiệu mà bạn cần lưu ý và đến thăm khám tại các cơ sở y tế để bác sĩ đánh giá tình trạng và chữa trị gồm:
- Bệnh nhân bị đau họng kèm theo ho khan kéo dài hơn 10 ngày
- Điều trị bệnh bằng thuốc tại nhà nhưng mãi không khỏi và giảm triệu chứng
- Có triệu chứng khó thở và tiếng thở khò khè
- Sốt cao thường xuyên trên 38 độ
- Phát ban ở người, phát ban nhất là khi sốt.