Thuốc lá là một trong những tác nhân gây ra nhiều tác hại nhất cho cơ thể. Những tác hại của nó có thể kể tới như: hôi miệng, xơ vữa động mạch, rất nhiều căn bệnh tim mạch khác…. Thêm vào đó thuốc lá lại cực kỳ gây nghiện. Dưới đây là những điều cần làm nếu bạn hạ quyết tâm cai thuốc lá.
Nội dung bài viết:
Thuốc lá, các loại thuốc lá
Thuốc lá là tên gọi của một loại sản phẩm được làm chủ yếu từ nguyên liệu lá thuốc lá đã thái sợi, được cuốn hay nhồi định hình bằng giấy. Tuy nhiên, đôi khi, thuật ngữ này cũng được sử dụng để chỉ loại thuốc hút khói nhưng được làm từ một số loại thực vật khác (cây gai dầu…). Đôi khi người ta sử dụng tẩu để hút thuốc.
Tác hại của thuốc lá
Thuốc lá là một trong những tác nhân gây ra rất nhiều căn bệnh cho sức khỏe, làm tăng tỷ lệ tử vong của những người nghiện.
Khói thuốc đã bị Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (International Agency for Research on Cancer – IARC) trực thuộc Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) xếp vào các chất gây ung thư (tiếng Anh: carcinogen) bậc 1. Trong nhóm này xếp những chất mà chỉ cần khối lượng nhỏ cũng có thể gây ung thư, không có hạn mức, nghĩa là hoàn toàn có hại cho mình và cho người khác, dù chỉ là một khối lượng nhỏ.
Khói thuốc lá chứa tới hơn 7000 chất phần lớn là chất độc hại, trong đó có khoảng 60 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là nicotin. Nicotin dưới dạng tinh khiết đó là một chất lỏng trong suốt, có mùi khó chịu và vị đắng, dễ tan trong nước và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô hấp, thậm chí qua cả da. Trong khói thuốc lá có nhiều chất kích thích khối u, tuy nhiên người nghiện hút thuốc lá quá nhiều không bị chết ngay vì liều lượng cứ ngấm dần vào cơ thể.
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh và tử vong của rất nhiều bệnh. Cứ hút mỗi điếu thuốc là tự mình làm mất đi 5,5 giây cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc lá ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5-8 năm. Hút thuốc lá sẽ gây ra nhiều bệnh và làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30-80%.
Kinh nghiệm cai thuốc lá
Đặc biệt hơn nếu bạn là sinh viên hoặc trong độ tuổi dưới 30, bạn nên từ bỏ thứ đồ độc hại này ngay để tránh các tác hại do nó gây ra. Dưới đây là những thứ bạn cần làm để bỏ thứ độc hại này.
Uống nước bằng ống hút, ăn nhiều bữa
Nhấm nháp một cốc nước lạnh qua ống hút có thể thay thế hành động hút một điếu thuốc. Nó cũng giúp giải phóng dopamine, một hóa chất ở não có thể giúp giảm bớt tâm trạng xấu.
Ăn những bữa nhỏ cũng có thể giúp vượt qua cơn thèm thuốc lá. Chọn thịt nạc, các loại thực phẩm lành mạnh để tránh tăng cân.
Tận hưởng lợi ích cuộc sống không khói thuốc
Hãy sớm bắt đầu tận hưởng những điều thú vị của cuộc sống không khói thuốc. Lập một danh sách những thay đổi tốt đẹp mà bạn cảm nhận được. Chúng có thể bao gồm cảm giác kiểm soát, tiết kiệm được tiền, vị giác và khứu giác tốt hơn, cảm thấy khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng hơn… Khi cơn thèm thuốc lá trỗi dậy, hãy nhìn vào danh sách này như một lời nhắc nhở về những gì bạn đạt được lúc từ bỏ thuốc.
Đánh răng thường xuyên
Một trong những lợi ích tức thời của việc đánh răng là giúp hơi thở có mùi thơm và tránh cảm giác nhạt miệng thèm thuốc. Bạn ít thèm thuốc nếu miệng đang sạch sẽ, thơm tho.
Tránh rượu bia
Uống rượu bia là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến mọi người quay trở lại hút thuốc. Rượu phá vỡ khả năng tự kiềm chế, khiến bạn có thể bỏ qua quyết tâm đang cai thuốc. Nhiều người còn có thói quen hút thuốc khi uống rượu, do đó nhậu có thể làm thói quen cũ quay trở lại.
Tìm đến hoạt động, khu vực không thể hút thuốc
Khi cơn thèm thuốc tấn công, hãy đi đến những nơi không thể châm thuốc như rạp phim, thư viện, cửa hàng hoặc thậm chí một số nơi khiến bạn có cảm giác thèm ăn để quên đi việc hút thuốc.
Viết ra lý do từ bỏ thuốc
Viết ra một danh sách những lý do ngừng hút thuốc, dán ở những nơi bạn thường xuyên dành nhiều thời gian như nhà bếp, bàn làm việc, gương phòng tắm… Một số người bỏ thuốc thành công cho biết họ thường đặt hình ảnh gia đình, những người thân yêu bên cạnh danh sách lý do.