Bị ốm có nên tập yoga không? Các bài tập khi bị ốm

Bị ốm có nên tập yoga không? Các bài tập khi bị ốm. Có nên tập yoga khi bị ốm?
Duy trì một chế độ luyện tập thường xuyên với ít nhất 3 buổi tập một tuần là cách để bạn nhận được nhiều lợi ích nhất từ việc tập yoga. Tuy nhiên, với những hôm bị bệnh, chẳng hạn như cảm lạnh và ho thì phải làm sao?
Việc nghỉ ngơi vài ngày sẽ không làm ảnh hưởng đến kết quả luyện tập của bạn. Nếu bị ốm, bạn nên lắng nghe cơ thể mình để đưa ra quyết định có nên tập yoga hay không.
 
Lúc ốm nhiều người thường thích tập các bài tập nặng để ra mồ hôi nhằm nhanh khỏi. Người khác thì tập trung vào các động tác nhẹ nhàng. Và đa số giáo viên yoga khuyên chúng ta nên tập nhẹ nhàng và thoải mái khi bị ốm vì lúc đấy cơ thể vẫn đang bị mệt, chưa sẵn sàng để tập các bài nặng. Nếu bạn muốn làm nóng cơ thể để thanh lọc bạn có thể tắm nước nóng, uống trà gừng và ăn các loại thức ăn giàu vitamin. Kết hợp ăn uống và tập luyện điều độ sẽ giúp bạn duy trì được sức khỏe và cải thiện tình hình khi bị ốm.
Khi bị cảm cúm thông thường, cơ thể sẽ tiết ra hormone cortisol gây căng thẳng. Chính vì vậy, hầu hết các giáo viên dạy yoga đều khuyên bạn nên tiếp tục tập luyện khi bị ốm để hạn chế giải phóng loại hormone này và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

Bạn có thể tập luyện trong các trường hợp:

Cảm lạnh nhẹ: là tình trạng bạn nhiễm virus vùng mũi và họng. Mặc dù các triệu chứng khác nhau tùy theo từng người, nhưng hầu hết đều gặp các triệu chứng như nghẹt mũi, nhức đầu, hắt hơi và ho nhẹ. Khi bạn bị cảm lạnh nhẹ,thân nhiệt dưới 37,5 độ C, bạn vẫn có thể tập thể dục nếu bạn cảm thấy cơ thể đủ sức hoặc bạn có thể cân nhắc giảm cường độ tập luyện hoặc rút ngắn thời gian tập tùy vào sức khỏe của mình.
Viêm và nghẹt mũi: Tập luyện thể dục thật sự rất tốt cho sức khỏe, nếu chỉ đơn giản là bạn bị viêm mũi dị ứng hay sụt sịt thì đừng bận tâm và hãy tiếp tục việc tập luyện. Tình trạng nghẹt mũi có thể gây cho bạn cảm giác bực bội và khó chịu. Trên thực tế, tập thể dục có thể giúp mở thông mũi, giúp bạn thở tốt hơn. Hãy cân nhắc xem tình trạng sức khỏe của mình trước khi tập hoặc giảm cường độ và thời gian tập luyện. Bạn có thể đi bộ nhanh hoặc đi xe đạp để tập thể dục.
Đau họng: Nếu bạn đang bị đau họng nhẹ do cảm lạnh thông thường hoặc dị ứng, bạn có thể tập thể dục an toàn. Trong một số tình huống nếu có đau họng liên quan đến sốt, ho khan hoặc khó nuốt, bạn nên ngưng tập thể dục cho đến khi bác sĩ cho phép.

Trường hợp không nên tập thể dục khi đang ốm

Sốt cao: Khi bạn bị sốt, nhiệt độ cơ thể của bạn tăng lên trên mức bình thường. Cơn sốt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng thường bởi do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus. Sốt có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như suy nhược, mất nước, đau cơ và chán ăn.
 
Việc bạn tập thể dục khi đang sốt làm tăng nguy cơ mất nước và có thể sốt nặng hơn. Ngoài ra, sốt làm giảm sức mạnh cơ bắp và sức chịu đựng của bạn, làm tăng nguy cơ chấn thương khi tập luyện. Vì vậy, khi nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C vì bất cứ lý do gì thì không nên tập luyện.
Ho dai dẳng: Ho là một phản ứng bình thường của cơ thể khi có các tác nhân ảnh hưởng đường thở. Tuy nhiên ho cũng là triệu chứng của nhiều bệnh. Ho dai dẳng có thể khiến bạn khó thở sâu, đặc biệt là khi nhịp tim của bạn tăng lên trong khi tập thể dục, điều này khiến bạn dễ bị khó thở và mệt mỏi. Vì vậy, không nên tâp luyện khi bị ho dai dẳng. Hơn nữa, khi đến phòng tập, bạn ho có thể phát tán tác nhân gây bệnh ra xung quanh.
 
Mắc cúm: Cúm là bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến hệ hô hấp gây ra các bệnh cảnh từ nhẹ đến nặng  như: sốt, ớn lạnh, đau họng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, đau đầu, ho, nghẹt mũi. Cúm có thể gây ra tình trạng sốt khiến người mắc bệnh có nguy cơ mất nước cơ thể, gây nguy hiểm cho cơ thể khi bạn tập thể dục. Bạn tập luyện khi đang bị cúm có thể kéo dài tình trạng bệnh và trì hoãn sự phục hồi của bạn.
Theo lời khuyên của Tiến sĩ Richard Besser, khi bị cảm cúm, sốt, yoga và các bài tập thở cũng là phương thức luyện tập giúp tăng cường hệ miễn dịch. Bởi cơ thể thường giải phóng hóc-môn gây căng thẳng cortisol trong khi chống chọi với các triệu chứng nhiễm lạnh thông thường. Người tập nên chọn các bài tập cường độ chậm như Hatha yoga hoặc tập trung vào các tư thế phục hồi có thể tập tại nhà, như “Thế đứa trẻ”, “Thế duỗi chân trên tường”.

Những ai không nên tập yoga?

Yoga là một môn thể thao có rất nhiều lợi ích tuyệt vời. Tuy nhiên, Yoga cũng giống như các môn thể thao khác, cũng có những trường hợp không nên tập.

1. Phụ nữ mang thai

Đối với phụ nữ mang thai, trong 12 tuần đầu của thai kì thì không nên tập Yoga (nếu trước đó chưa từng tập Yoga) hoặc tập nhẹ nhàng (nếu trước khi có thai đã luyện tập Yoga). Sau 12 tuần thì tham khảo ý kiến bác sĩ và tập theo hướng dẫn của huấn luyện viên có kinh nghiệm.
 

2. Trẻ em

Trẻ em tập Yoga có được không? Mình nghĩ trẻ em dưới 13 tuổi không nên tập Yoga theo người lớn, nếu có tập chỉ nên tập lớp Yoga dành riêng cho trẻ em, cách tập sẽ khác với người lớn.

3. Phụ nữ trong thời kì “đèn đỏ” và những người đang ốm nặng

Thời gian này nên nghỉ tập hoặc tập một số động tác nhẹ nhàng, tránh các bài tập nặng và các tư thế đảo ngược (dễ bị lạc nội mạc tử cung)

4. Đối với những người đang có bệnh lý

Tùy theo bệnh lý, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tập. Có một số động tác không phù hợp với các bệnh lý:
– Người huyết áp cao không nên tập các tư thế đảo ngược, các tư thế gập người không nên để đầu thấp hơn tim.
– Người bị đau lưng, thoát vị đĩa đệm không nên tập các động tác vặn xoắn, gập người.
– Người huyết áp thấp, rối loạn tiền đình không nên tập các bài ngã sau.

Tóm lại, khi có bệnh lý bạn nên nhờ huấn luyện viên có kinh nghiệm tư vấn trước khi tập.
Mình viết bài này vì trước đây đã có trường hợp học viên của mình không nghe lời tư vấn dẫn đến chấn thương nặng. Bạn đó bị thoát vị đĩa đệm, nhờ mình tập cho các bài tập giảm cân. Mình đã giải thích rằng em không thừa cân, em chỉ nên tập cho thân hình săn chắc, về phần eo em sẽ giảm chậm hơn người khác vì bệnh của em không tập nặng được. Bạn đó không đồng ý, và qua phòng tập khác tập, bên kia tư vấn, đảm bảo giảm cân các kiểu với mức học phí cao ngất trời, chỉ sau một thời gian rất ngắn, bạn quay lại nói với mình: “bác sĩ nói em bị thoát vị đĩa đệm nặng rồi, em ngồi cũng đau, em nằm cũng đau, giờ làm sao chị?”. Cái này gọi là “tiền mất tật mang”.
Tất nhiên là mình không thể giải quyết được trường hợp này, mình đâu phải bác sĩ, mình không thể chữa bệnh, mình chỉ có thể hướng dẫn các bạn cách phòng và làm sao cho tình trạng không nặng hơn thôi.
Khi các bạn luyện tập đều, cơ săn chắc, máu lưu thông đều thì một số bệnh sẽ tự hết hoặc không tăng thêm (lưng tôm, suy giãn tĩnh mạch, đau mỏi cổ vai gáy, tiểu đường tuýp 2, mất ngủ,…)
Sức khỏe là tài sản vô giá, do đó những gì liên qua đến sức khỏe thì càng nên thận trọng. Chúc các bạn chọn được bài tập phù hợp.

Sponsored Links:

'
'