Nhận biết bệnh trầm cảm

Đây là bài viết 276 / 306 trong series Lời khuyên sức khỏe

Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất trên toàn thế giới. Rối loạn trầm cảm nặng ảnh hưởng đến khoảng 163 triệu người (2% dân số thế giới) vào năm 2017. Đây là rối loạn khá nguy hiểm, tác động nhiều đến mặt tinh thần, thể chất, chức năng sống và cả niềm vui trong đời sống của bệnh nhân.

Hiểu được trầm cảm triệu chứng thế nào, trầm cảm biểu hiện ra sao sẽ giúp bản thân bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hướng xử lý kịp thời. Cùng isuckhoe tìm hiểu chi tiết nhé!

Nhận biết bệnh trầm cảm
Nhận biết bệnh trầm cảm

Bệnh trầm cảm là gì?

Bệnh trầm cảm (Depression), là bệnh rối loạn tâm trạng thường gặp. Người bệnh thường có tâm trạng buồn bã, có hoặc không kèm theo triệu chứng hay khóc. Không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những hoạt động nằm trong sở thích trước đây.

Trầm cảm ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ, hành xử của người bệnh, khiến cho người bệnh có thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, hay các vấn đề về thể chất và tinh thần.

Bệnh trầm cảm phổ biến đến mức, có đến 80% dân số trên thế giới từng bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc đời mình.Tần suất nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trong suốt cuộc đời là 15 – 25%. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào và thường phổ biến hơn ở nữ giới hơn nam giới. Hội chứng này có tỷ lệ cao ở những người ly thân, ly dị, thất nghiệp.

Bệnh trầm cảm là gì?
Bệnh trầm cảm là gì?

Trầm cảm là bệnh, cần được quan tâm và điều trị. Ở bệnh nhân trầm cảm nhẹ, bệnh nhân có thể chưa cần phải dùng đến thuốc và tình trạng không quá nguy hiểm. Nhưng trên hết, người bệnh cần nhận được sự quan tâm của gia đình và người thân và cả bác sĩ để hỗ trợ khắc phục tình trạng này, bởi lẽ, trầm cảm có thể tồi tệ hơn rất nhiều nếu không được điều trị.

Dấu hiệu nhận biết người bị trầm cảm

Theo hệ thống phân loại bệnh DSM – V của Hội Tâm thần học Hoa Kỳ, người bệnh được chẩn đoán là trầm cảm khi:
Có trạng thái trầm uất hoặc mất hứng thú đối với những hoạt động trong đời sống trong ít nhất 2 tuần. Có tối thiểu 5 trong 9 triệu chứng sau đây:

  • Trạng thái trầm uất gần như cả ngày
  • Giảm hứng thú trong tất cả hoặc đa số hoạt động
  • Giảm hoặc tăng cân đáng kể ngoài ý muốn
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá mức
  • Kích động hoặc chậm chạp mà người khác chú ý thấy được
  • Mệt mỏi hoặc mất năng lượng
  • Cảm giác vô giá trị và sự mặc cảm quá mức
  • Giảm khả năng suy nghĩ, tập trung, hoặc không quyết định được
  • Những ý nghĩ về cái chết lặp đi lặp lại

Đối tượng nào dễ mắc bệnh trầm cảm?

Rối loạn trầm cảm có thể đến với mọi người, tuy nhiên lứa tuổi phổ biến vào khoảng 18-45 tuổi, ngoài ra, độ tuổi trung niên và tuổi già cũng dễ gặp rối loạn này. Đây là nhóm sẽ đối diện với nhiều yêu cầu từ xã hội, và các thay đổi trong cuộc sống (tìm việc làm, kết hôn, sinh con vào độ tuổi vị thành niên, về hưu …). Tuy nhiên, nghiên cứu y khoa thống kê còn rất nhiều đối tượng dễ mắc rối loạn trầm cảm, họ thuộc các nhóm sau:

  • Nhóm người bị sang chấn tâm lý: họ trải qua biến cố lớn, đột ngột của cuộc đời như: phá sản, bị lừa đảo mất hết tiền của, nợ nần, mất đi người thân, hôn nhân đổ vỡ, con cái hư hỏng, áp lực công việc quá lớn…
Đối tượng nào dễ mắc bệnh trầm cảm?
Đối tượng nào dễ mắc bệnh trầm cảm?
  • Nhóm phụ nữ vừa sinh con: Đây là giai đoạn nhạy cảm, và nhiều nguy cơ đối với phụ nữ, những thay đổi nhanh chóng về hocmon, vai trò trong gia đình, thay đổi lối sống (thiếu ngủ…) hoặc những bất ổn trong cuộc sống trước đó cũng góp phần làm tăng nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ sau sinh.
  • Nhóm học sinh, sinh viên: áp lực học tập quá lớn, thi cử dồn dập, áp lực từ cha mẹ thầy cô, sự đánh giá kết quả học tập.
  • Nhóm người bị tổn thương cơ thể: người bị tai nạn phải cắt bỏ bộ phận cơ thể, chấn thương sọ não, ung thư, mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
  • Nhóm đối tượng lạm dụng rượu bia, chất kích thích trong thời gian dài.
  • Nhóm đối tượng thiếu nguồn lực trong cuộc sống: thiếu các mối quan hệ hỗ trợ, thiếu giao tiếp, thiếu cách ứng phó với stress, hoặc những khó khăn khác: kinh tế, công việc.

Điều trị trầm cảm ở đâu?

Trầm cảm có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh, việc điều trị cần thực hiện càng sớm càng tốt. Bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị sớm, suy nghĩ tiêu cực còn khiến người bệnh thực hiện những hành động xấu, tự gây hại cho bản thân và những người xung quanh.

Điều trị trầm cảm ở đâu?
Điều trị trầm cảm ở đâu?

Khi bạn có các dấu hiệu của trầm cảm, hãy tâm sự với bạn bè, người thân để được hỗ trợ, nếu cần thiết cần đi khám bác sĩ. Đặc biệt nếu xuất hiện ý nghĩ tự tử, hãy tìm đến bác sĩ ngay lập tức, việc nói chuyện với bác sĩ tâm lý với các phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp bạn điều trị bệnh.

Liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị hiệu quả thường áp dụng đầu tiên cho bệnh nhân trầm cảm, ngoài ra các trường hợp nặng có thể phải can thiệp bằng thuốc hay liệu pháp choáng điện. Tuy nhiên, thuốc điều trị hay liệu pháp kích thích có thể gây tác dụng phụ nên chỉ được chỉ định trong trường hợp cần thiết.

Người bệnh trầm cảm cần có một lối sống tinh thần lành mạnh, lạc quan để hạn chế diễn tiến bệnh, tốt hơn có thể điều trị khỏi bệnh. Những lưu ý cần thực hiện gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên.

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

  • Đơn giản hóa cuộc sống.

  • Tránh tự cô lập bản thân.

  • Học cách thư giãn và kiểm soát căng thẳng.

Trầm cảm là một bệnh lý liên quan đến tâm trí và cơ thể, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vì thế khi thấy các triệu chứng trầm cảm của chính mình hoặc bạn bè, người thân xung quanh, cần đi khám chuyên khoa sớm nhất để được điều trị bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý phù hợp.

Sponsored Links:

'
'