Làm sao để bảo vệ bé khỏi bệnh cúm. Trẻ em là đối tượng dễ mắc cúm do sức đề kháng kém. Khi trẻ mắc cúm cần được chăm sóc đúng cách để giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm do virut cúm gây ra. 6 biện pháp dưới đây có thể bảo vệ bé khỏi bệnh cúm.
Nội dung bài viết:
Bệnh cúm là gì ?
Bệnh cúm do các virut gây ra, thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1, A/H5N1 (rất nguy hiểm) và cúm B. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Bệnh cúm tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở trẻ em nhất là trẻ dưới 5 tuổi và những trường hợp khác như: người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai.
Dinh dưỡng hợp lý
Cho bé ăn uống đầy đủ dưỡng chất để trẻ có sức khỏe tốt, có sức đề kháng chống lại bệnh tật. Cũng như người lớn, bé cần cung cấp đủ 4 nhóm chất trong các bữa ăn hàng ngày, gồm bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra cần khuyến kích bé ăn nhiều rau, trái cây tươi để bổ sung vitamin và chất xơ, phòng tránh táo bón. Không nên cho bé ăn vặt, ăn nhiều bánh kẹo, uống nước ngọt, đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn… dễ gây thừa cân, béo phì và làm trẻ chán ăn.
Giữ ấm
Khi thời tiết lạnh, cha mẹ cần lưu ý giữ ấm cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn mặc đủ ấm phù hợp với mức độ lạnh bên ngoài: mặc thêm áo ấm, đội mũ len, tất chân, bao tay,… khi đi ra ngoài trời lạnh.
Vệ sinh tốt
Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch. Đây là biện pháp hữu hiệu để phòng chống bệnh cúm và các bệnh hô hấp, nhiễm khuẩn. Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ đúng mức. Tuỳ theo mức độ lạnh của thời tiết, có thể tắm hoặc lau người cho trẻ lần lượt từng phần bằng nước ấm vào thời điểm ấm nhất trong ngày, ở nơi kín gió.
Đeo khẩu trang
Cần tránh để trẻ tiếp xúc gần gũi với người lớn hay trẻ khác đang có biểu hiện mắc bệnh viêm đường hô hấp. Đeo khẩu trang cho trẻ khi đến chỗ đông người như: bệnh viện, siêu thị, công viên, rạp chiếu phim,…
Tiêm phòng cúm
Nên đưa trẻ đi tiêm phòng vắc – xin phòng bệnh cúm tại cơ sở y tế hoặc các trung tâm y tế dự phòng.
Kết luận
Triệu chứng của cảm cúm thường xuất hiện khoảng 1 – 3 ngày sau khi tiếp xúc với virut cảm cúm. Trẻ thường có biểu hiện: hắt hơi, chảy nước mắt, nóng sốt, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ngứa hoặc đau họng, ho, nhức đầu, người mệt mỏi,… Nếu thấy trẻ có biểu hiện trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa hô hấp hoặc khoa Nhi để các bác sĩ khám và hướng dẫn điều trị. Không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống. Việc điều trị không đúng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khoẻ của trẻ.