Loãng xương gây rất nhiều tác hại cho sức khoẻ và trong sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng. Hiện nay, tỷ lệ loãng xương trong cộng đồng rất cao, có khoảng 31% dân số nữ và 11% dân số nam từ 50 tuổi trở lên bị loãng xương. Cùng isuckhoe tìm hiểu chi tiết ngay nhé!
Nội dung bài viết:
Loãng xương là gì?
Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ.
Loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người già. Gãy xương do loãng xương có thể gặp ở bất cứ xương nào, tuy nhiên hay gặp ở xương cột sống, xương đùi, xương cổ tay. Một số xương bị gãy có thể không lành lại được, trong đó xương cột sống và xương đùi là những xương lành lại rất khó khăn, trong hầu hết trường hợp phải phẫu thuật với chi phí tốn kém.
Bệnh loãng xương tiến triển thầm lặng. Thường người bệnh chỉ cảm thấy đau mỏi người không rõ ràng, giảm dần chiều cao, gù vẹo cột sống. Đây là những biểu hiện chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi có những biểu hiện gãy xương. Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nặng hơn khi về già. Do độ tuổi này, mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để bảo đảm xương cứng chắc như lúc ở tuổi trưởng thành.
Dấu hiệu của bệnh loãng xương
Tình trạng mất xương (giảm mật độ xương) do loãng xương thường không có dấu hiệu rõ ràng. Người bệnh thường không biết mình mắc bệnh cho tới khi xương trở nên yếu, dễ gãy sau các sang chấn nhỏ như trẹo chân, té ngã, va đập. Những triệu chứng thường gặp của bệnh là: (2)
- Giảm mật độ xương: Tình trạng này khiến xương cột sống có thể bị xẹp, gãy lún. Người bệnh thường bị các cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi lom khom, gù lưng.
- Đau nhức đầu xương: Đây là triệu chứng người bệnh dễ nhận thấy nhất khi bị giảm mật độ xương. Bệnh sẽ gây mỏi dọc các xương dài, thậm chí là bị đau nhức toàn thân như kim chích.
- Đau tại vùng xương chịu trọng lực của cơ thể, các xương này gồm: xương cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối. Các cơn đau tái phát nhiều lần sau chấn thương. Người bệnh thường bị đau âm ỉ kéo dài. Cơn đau tăng dần khi vận động, di chuyển, đứng ngồi lâu; thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
- Đau tại cột sống, thắt lưng hay hai bên liên sườn: Tình trạng này làm ảnh hưởng tới những dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa. Các cơn đau ở lưng trở nặng khi người bệnh vận động mạnh hay bất ngờ thay đổi tư thế. Do đó, bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các tư thế như cúi gập, xoay hẳn người.
- Tình trạng giảm mật độ xương ở người tuổi trung niên có thể kèm những dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, cao huyết áp, thoái hóa khớp…
Nguyên nhân gây bệnh loãng xương
Người bệnh có thể được chẩn đoán loãng xương nguyên phát hoặc thứ phát, trong đó:
Nguyên nhân gây bệnh loãng xương nguyên phát:
- Loãng xương sau mãn kinh
- Loãng xương người già
Nguyên nhân gây loãng xương thứ phát là do:
- Bệnh lý toàn thân: Suy thận, suy gan, kahler, k di căn, viêm khớp dạng thấp …
- Thiếu vitamin D, thiếu canxi
- Bệnh lý nội tiết: Cushing, cường cận giáp, cường giáp …
- Thuốc: Glucocorticoid, chống động kinh …
Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương bao gồm:
- Tuổi cao
- Giới
- Tiền sử gãy xương do loãng xương (bao gồm cả gãy lún đốt sống)
- Tiền sử cha mẹ có gãy xương đùi
- BMI thấp
- Các bệnh lý viêm hệ thống (VKDT, VCSDK…)
- Loãng xương thứ phát
- Hút thuốc lá
- Uống rượu ≥ 3 ly/ngày
- Uống glucocorticoid (ví dụ prednisolon) ≥ 5 mg/ngày ≥ 3 tháng
Phòng ngừa và kiểm soát bệnh loãng xương
Loãng xương khá là nguy hiểm, tuy nhiên bạn vẫn có thể phòng ngừa và kiểm soát tốt tình trạng này nếu tuân thủ những điều sau:
- Đo loãng xương định kỳ 6 tháng đến 1 năm 1 lần để sớm phát hiện bất thường của xương
- Nếu xuất hiện một trong số các biểu hiện của loãng xương nên tới thăm khám với bác sĩ Cơ Xương Khớp, tránh tự ý sử dụng thuốc.
- Thường xuyên tập thể dục, thể thao, các bài tập chịu tải trọng và các bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp theo ý kiến bác sĩ.
- Bổ sung đủ canxi, vitamin D qua chế độ ăn uống lành mạnh, giàu thực phẩm có chứa canxi như: sữa, cá, đậu, và các loại rau lá xanh.
- Đặc biệt, thuốc lá là nguyên nhân gây loãng xương và gây nhiều các bệnh lý khác nguy hiểm nên không hút thuốc sẽ giúp xương khớp chắc khỏe.
- Cẩn thận để không bị ngã: Chú ý quan sát và tránh các chướng ngại vật mà có thể khiến bạn bị té ngã.
Như vậy có rất nhiều nguyên nhân gây loãng xương. Hiểu và sống lành mạnh, thường xuyên thăm khám định kỳ sẽ giúp phòng ngừa, cải thiện loãng xương ngay từ những giai đoạn đầu. Nếu xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ loãng xương cần tới gặp bác sĩ sớm nhất.