Cha mẹ nên làm gì khi mất kết nối với con?

Sự kết nối cảm xúc là trạng thái mà cha mẹ và con cái cảm nhận được sự đồng điệu, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với nhau. Đó là khi con cảm thấy gần gũi, được lắng nghe và có thể bày tỏ tâm tư một cách chân thành, từ đó tạo nên một mối liên kết sâu sắc. Trong hành trình nuôi dạy con, sự kết nối này chính là nền tảng để hướng dẫn và giáo dục hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là không phải cha mẹ nào cũng giữ được sợi dây liên kết ấy – dù tình yêu thương luôn hiện hữu. Yêu thương mà con không cảm nhận được, chăm sóc mà con lại thấy ngột ngạt. Vì sao vậy? Và làm sao để hàn gắn sự gắn bó trước khi quá muộn?
Vì sao cha mẹ và con cái khó kết nối cảm xúc, dù yêu thương nhau?
1. Khác biệt thế hệ và môi trường sống
Cha mẹ và con cái lớn lên trong những bối cảnh khác nhau, dẫn đến khác biệt trong suy nghĩ, giá trị và cách thể hiện tình cảm. Cha mẹ có thể xem sự nghiêm khắc là yêu thương, nhưng con lại cảm thấy áp lực và xa cách. Không thể dùng ngôn ngữ của thế hệ mình để ép con hiểu – chúng ta cần học lại “ngôn ngữ cảm xúc” của con trẻ.
2. Thiếu thời gian chất lượng
Chúng ta có thể ở bên con mỗi ngày, nhưng không thực sự hiện diện. Những cuộc đối thoại vội vàng, hời hợt không đủ để xây dựng sự đồng điệu. Một bữa ăn không màn hình, một buổi đi dạo không điện thoại – đôi khi là tất cả những gì con cần để thấy mình được quan tâm.
3. Hiểu lầm và thiếu lắng nghe
Trẻ em, nhất là tuổi dậy thì, không giỏi diễn đạt cảm xúc. Trong khi đó, người lớn thường phản ứng nhanh, phán xét sớm và ít kiên nhẫn. Sự thiếu đồng cảm khiến con thu mình, và khoảng cách cứ thế dài ra.
4. Thiếu kỹ năng thấu cảm
Không phải cha mẹ nào cũng quen đặt mình vào vị trí của con. Ta dễ phán đoán hơn là quan sát, dễ sửa sai hơn là hiểu lý do. Có một câu nói rất hay: “Muốn dạy người khác, trước hết phải học hiểu họ.” Giáo dục con theo phương châm này sẽ giúp chúng ta tránh rơi vào cảnh yêu thương sai cách với con mình.
Làm thế nào để xây dựng lại sự kết nối cảm xúc với con?
1. Dành thời gian chất lượng
• Tắt điện thoại, TV trong một khoảng thời gian nhất định để tập trung hoàn toàn vào con. Quan sát hành vi, sở thích của con để có cách trao đổi, đồng hành đầy sáng tạo. Sự kết nối không thể xây dựng nếu bạn không hiểu “ngôn ngữ” để đồng điệu với thế giới nội tâm của con, và không dành đủ thời gian để thật sự làm được điều đó.
• Bất kỳ sự chung chung, đại khái nào cũng sẽ đưa con người đến mối quan hệ tương ứng. Thay vì nói: “Ráng học hành cho đàng hoàng,” hãy thử những câu cụ thể hơn như: “Con có gặp vấn đề gì trong việc học không?” hoặc “Mẹ có thể giúp gì cho con, con nói mẹ biết nhé.”
• Khi con nói, hãy thể hiện sự quan tâm bằng cách nhìn vào mắt, gật đầu và không ngắt lời. Công nhận cảm xúc của con, ngay cả khi bạn chưa hoàn toàn đồng ý. Ví dụ: “Mẹ hiểu con buồn vì không đạt được mục tiêu, chắc hẳn con đang rất thất vọng.” Chia sẻ câu chuyện của bản thân để con thấy bạn cũng từng trải qua những cảm xúc tương tự, giúp con cảm thấy gần gũi hơn.
2. Tôn trọng cá tính của con
• Mỗi đứa trẻ có cách thể hiện cảm xúc và sở thích riêng. Thay vì áp đặt, hãy tìm hiểu thế giới của con, từ sở thích âm nhạc đến bạn bè của chúng. Không có gì đáng tiếc hơn việc bạn luôn nói yêu một người sâu sắc nhưng lại không thực sự hiểu người đó nghĩ gì hay muốn gì.
• Các con tôi hay dùng từ soul mate – bạn tâm giao, người tri kỷ – khi nói về vị trí của tôi trong thế giới của các bé. Kể ra điều này không nhằm phô trương về mình, tôi chỉ muốn chia sẻ rằng mục tiêu sẽ chi phối cách chúng ta hành động. Trở thành soul mate của con mình là mục tiêu của tôi từ những ngày đầu sinh con. Tôi cũng phải liên tục điều chỉnh, sửa chữa để tránh cho bản thân rơi vào cảnh yêu nhưng yêu sai cách với chính núm ruột của mình.
3. Xây dựng thói quen giao tiếp
• Tôi không bao giờ so sánh con với người khác, ngay cả với các anh em trong gia đình. Không ai thích bị so sánh, ngay cả người lớn – vậy tại sao ta lại làm điều đó với con mình?
• Tôi thường xuyên có những buổi nói chuyện ngắn nhưng sâu sắc với các con. Tôi bắt đầu bằng việc ghi nhận những ưu điểm, những tố chất tiềm năng có thể mang đến thành công của các con. Sau đó, tôi gợi ý cho các con cách phát huy những tiềm năng đó. Với những điểm chưa phải là ưu thế, tôi góp ý khéo léo, chân thành và thể hiện quan điểm cùng con đồng hành để cải thiện. Con sẽ luôn cảm thấy mẹ là đồng minh để cùng con chinh phục bản thân và chinh phục cuộc đời này.
4. Học cách xin lỗi và sửa sai
• Nếu lỡ làm con tổn thương (như quát mắng), hãy xin lỗi chân thành. Điều này không chỉ hàn gắn mà còn dạy con cách xử lý cảm xúc một cách trưởng thành.
• Thỉnh thoảng tôi sẽ hỏi con: “Trên thang điểm 10, con chấm mẹ bao nhiêu điểm trong vai trò làm mẹ?” Nếu con trừ điểm, tôi sẽ hỏi cặn kẽ lý do để hiểu rõ hơn và cải thiện. Tôi tin rằng trong sự trao đổi cởi mở, và sẵn sàng học từ sai lầm của cha mẹ sẽ giúp xây dựng sự kết nối sâu sắc hơn bao giờ hết với các con mình.
Kết nối – một hành trình không bao giờ muộn
Dù con bạn đang ở tuổi chập chững hay tuổi nổi loạn, việc xây dựng kết nối cảm xúc không bao giờ là quá trễ. Với trẻ nhỏ, đó là nền tảng hình thành sự tự tin. Với thanh thiếu niên, đó là cầu nối để xây dựng lòng tin và giảm xung đột. Càng bắt đầu sớm, mối quan hệ càng vững bền.
Giáo dục không phải là cuộc chạy đua thành tích. Đó là hành trình cùng nhau trưởng thành – nơi cha mẹ không chỉ dạy dỗ, mà còn học lại cách yêu thương. Có thể bạn sẽ vấp ngã, nhưng đừng nản lòng. Hãy điều chỉnh, kiên trì và giữ lấy niềm tin rằng: chỉ cần trái tim còn mở, sợi dây kết nối sẽ luôn có cơ hội được nối lại.

Sponsored Links:

'
'