Xâm hại tình dục trẻ em- bạn có nghe tiếng những đứa trẻ kêu cứu?

Chưa bao giờ tôi cảm thấy đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng như thế. Làm sao mà tôi có thể tin được rằng ngay cả đến thầy cô – những người hàng ngày dạy các em cách làm người lại là hung thủ “dâm ô” những “học trò” của mình một cách đồi bại như vậy? Đi học, đi chơi hay thậm chí về nhà, các em vẫn luôn cảm thấy sợ hãi, không được bảo vệ thì thử hỏi, quyền được vui sống của các em còn đâu nữa?

Những người yêu thương các em không thể lúc nào cũng ở bên bảo vệ em trong khi ngoài kia, khi vừa rời vòng tay cha mẹ là những hiểm nguy kinh tởm. Chả nhẽ, việc có được một cuộc sống vô tư hồn nhiên với các em khó đến thế?

Nghĩ mà thương các em. Thực sự!

Xâm hại tình dục trẻ em, những con số kinh hoàng

Đúng là những con số kinh hoàng khi mà  trong 5 năm (2012-2016), cả nước ghi nhận tới gần 6,7 ngàn vụ xâm hại trẻ em. Hơn 8.100 trẻ đã trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại. Tính ra, trung bình cứ 8 tiếng lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại tình dục. Cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, cứ 6 bé trai thì 1 bé bị xâm hại tình dục. Nếu như trước đây, trẻ em bị xâm hại thường từ 13- 18 tuổi  thì giờ đây xuất hiện nhiều vụ việc ở độ tuổi từ 4-13, thậm chí là có bé mới chưa đầy 1 tuổi cũng bị xâm hại.

Đáng chú ý, có đến 93% thủ phạm có mối quan hệ quen biết với nạn nhân.

Chưa kể, những con số trên là những con số đã được “báo cáo”, còn nếu tất cả các vụ việc đều được “lên tiếng” thì con số đó còn khủng khiếp đến mức nào!

Một vấn nạn đặc biệt nghiêm trọng

Tôi nói như vậy là bởi, tệ nạn trẻ em bị xâm hại diễn ra mọi lúc, mọi nơi khi các em đi học, đi chơi hay thậm chí ở nhà, các em vẫn có thể gặp nguy hiểm. Và hung thủ là các yêu râu xanh thì vô cùng khó xác định  vì khi có thể chúng là người lạ, hoặc người quen, khi chúng có thể già, có thể trung tuổi, là thanh niên hoặc thậm chí có những tên chỉ mới tuổi vị thành niên.

Nhức nhối hơn nữa là vấn nạn này đang ngày càng gia tăng nhưng những chế tài, hệ thống pháp luật vẫn còn chưa đủ cứng rắn để ngăn chặn được tình trạng này.

Thương cho các em bởi các em quá nhỏ và bị ảnh hưởng tâm lý nên nhiều khi không thể tự mình tố giác hay lên tiếng. Cha mẹ và các em đang sống một cuộc sống vô cùng lo lắng, bất an khi thế giới ngoài kia là cái xã hội các em phải bước ra đó, toàn là cạm bẫy và hiểm nguy.

Đừng chỉ lo lắng nữa, hãy hành động ngay hôm nay!

Ngoài những nguy hiểm, cạm bẫy thì thế giới ngoài kia còn có những điều bổ ích, mới lạ. Các em có thể lớn lên trưởng thành và khao khát khám phá thể giới nếu các em biết tự bảo vệ mình. Là những người yêu thương trẻ, hãy trang bị cho các em những kiến thức tối thiểu để biết bảo vệ bản thân mình. Còn khi các em chưa đủ lớn để nhận thức được, hãy cố gắng bảo vệ bé thật tốt!

Đầu tiên hãy dạy trẻ hiểu được như thế nào là bị xâm hại tình dục.

Các trường hợp được quy định là bị xâm hại tình dục:

  1. Trẻ em bị hiếp dâm: Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, diễn ra giữa những người khác giới
  2. Trẻ em bị cưỡng dâm: Dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu, diễn ra giữa những người khác giới
  3. Trẻ em bị giao cấu: Dùng mọi thủ đoạn có tính chất loạn dâm dục nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân.
  4. Trẻ em bị dâm ô: Một người chủ động dùng bộ phận sinh dục của mình tiếp xúc với các bộ phận khác trên cơ thể của đối phương, bất kể là đồng giới hay khác giới
  5. Trẻ em bị sử dụng vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Hoặc có thể phân biệt từ dưới bảng sau tôi sưu tầm được:

Các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục tại nghị định này cũng tương ứng với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tại Bộ luật hình sự năm 2015.

Đó là các tội:

  1. Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (điều 142)
  2. Tội cưỡng dâm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (điều 144)
  3. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (điều 145)
  4. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (điều 146)
  5. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (điều 147).

Ngoài ra, hãy trang bị cho con trẻ kiến thức:

Dạy trẻ cách tự bảo vệ bản thân tránh khỏi tệ nạn xâm hại tình dục bằng nguyên tắc 5 ngón tay:

Cụ thể: Dựa vào bàn tay, trẻ có thể xác định 5 nhóm đối tượng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày tương ứng với 5 ngón tay. Từ đó đưa ra định hướng giao tiếp phù hợp, tránh bị lạm dụng, mua chuộc hay xâm hại tình dục

Ngón cái – gần mình nhất tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột – bé có thể ôm hôn mọi người hoặc đồng ý đề các thành viên trong nhà ôm hôn, thể hiện tình yêu thương, tắm rửa khi bé còn nhỏ.

Ngón trỏ – tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa.

Ngón giữa – người quen như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ – bé có thể bắt tay chào hỏi họ.

Ngón áp út – gặp người mới gặp lần đầu, các bé có thể dừng lại ở mức vẫy tay chào.

Ngón út – ngón tay xa bé nhất thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an, bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.

 5 dấu hiệu cảnh báo khi con bị xâm hại

                     – theo ThS Giáo dục Hoàng Thị Kim Huệ (Trường ĐHSP Hà Nội):

Dấu hiệu 1, cảnh báo nhìn: Có ai đó nhìn vào “vùng đồ bơi” hoặc họ yêu cầu các con nhìn vào “vùng đồ bơi” của họ.

Dấu hiệu 2, cảnh báo nghe: Họ nói về “vùng đồ bơi” của họ hoặc của các con.

Dấu hiệu 3, cảnh báo sờ: Vào vùng đồ bơi của cả hai.

Dấu hiệu 4, cảnh báo ôm.

Dấu hiệu 5, cảnh báo bắt cóc: Có kẻ đưa các em vào nơi kín nhằm xâm hại.

“Vùng đồ bơi”: những vùng kín che chắn khi mặc đồ bơi được xem là khu vực bí mật, không ai được nhìn, nói đến, chạm, sờ hoặc làm đau.

Trừ trường hợp khi bố mẹ làm vệ sinh cho các con hoặc bác sĩ khám. Tuy nhiên, trường hợp đi khám, các con phải có bố mẹ đi cùng, tránh trường hợp bác sĩ cũng là người xâm hại.

Lời kết:

Vốn  biết cuộc sống là luôn gặp phải những khó khăn, nguy hiểm nhưng các con còn quá nhỏ để có thể gánh vác và đối đầu với những nguy hiểm ấy. Phía trước kia là cả một tương lai các con, tương lai của đất nước. Các con đau, cả đất nước  cùng đau. Hãy lắng nghe các con, bảo vệ các con bằng tất cả tình thương và khả năng của mình!

Tags:

Sponsored Links:

Trả lời

'
'